Indonesia chủ trì tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ X: “Nước vì Thịnh vượng chung”

Được tổ chức 3 năm một lần, Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) là hội nghị quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực nước với sự tham gia của nhiều bên liên quan, do Hội đồng Nước Thế giới và thành phố đăng cai đồng tổ chức. Năm nay, WWF mang thông điệp “Nước vì Thịnh vượng chung” sẽ diễn ra từ ngày 18-25/5/2024 tại Bali (Indonesia).

Diễn đàn quy tụ những người tham gia từ mọi cấp độ và lĩnh vực, bao gồm chính trị, các tổ chức đa phương, giới học thuật, xã hội dân sự và khu vực tư nhân, cùng nhiều lĩnh vực khác. Trong những năm qua, số lượng người tham gia Diễn đàn đã tăng từ vài trăm lên hàng chục nghìn, từ cả cộng đồng quốc tế và nước sở tại.

Indonesia chủ trì tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ X: “Nước vì Thịnh vượng chung”- Ảnh 1.

Diễn đàn Nước thế giới (WWF) lần thứ 10 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 5 năm 2024 tại Bali (Indonesia). Ảnh: WWF

Phát biểu tại họp báo trực tuyến về WWF ngày 10/1/2024, bà Nani Hendiarti, Thứ trưởng phụ trách điều phối quản lý môi trường và lâm nghiệp, Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia đánh giá, diễn đàn sẽ mở ra cơ hội đầu tư để giải quyết các vấn đề về nước ở Indonesia và thế giới.

Indonesia chủ trì tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ X: “Nước vì Thịnh vượng chung”- Ảnh 2.

Bà Nani Hendiarti, Thứ trưởng phụ trách điều phối quản lý môi trường và lâm nghiệp, Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia (Ảnh: Indopos.co.id)

Theo bà Nani Hendiarti, để đạt được mục tiêu tiếp cận nước uống an toàn, công bằng và giá cả phải chăng cho mọi tầng lớp trong xã hội vào năm 2030 cần có thêm nguồn vốn khoảng 1.700 tỷ USD. Hiện tại, lĩnh vực nước uống Indonesia cần tăng trưởng đầu tư, đặc biệt là tiếp cận đường ống dẫn nước uống. Để tăng tỷ lệ này lên 30%, Indonesia cần khoảng 7,91 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30 – 37% nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng nước, do đó cần có một cơ chế tài trợ hỗn hợp để bù đắp sự thiếu hụt này.

Vì vậy, trong khuôn khổ WWF lần thứ 10 sẽ diễn ra cuộc họp kinh doanh của các đối tác chiến lược để thảo luận về tiềm năng hợp tác, đầu tư liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng nước. Sau WWF, ban tổ chức cũng có thể củng cố và tăng cường hợp tác giữa Indonesia với các đối tác chiến lược trong bối cảnh đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng nước.

Với 214 phiên làm việc, WWF lần thứ 10 dự kiến thu hút sự góp mặt của khoảng 30.000 đại biểu, trong đó có 33 nguyên thủ quốc gia, 190 bộ trưởng từ 180 quốc gia, đại diện từ 250 tổ chức.

Nội dung khu vực sẽ bao gồm 4 khu vực: Địa Trung Hải, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Mỹ và Châu Phi. Trong khi đó, nội dung chính trị bao gồm các cuộc họp của nguyên thủ quốc gia, các Bộ trưởng, nghị viện, chính quyền địa phương và chính quyền lưu vực.

Chính phủ Indonesia sẽ đề xuất các dự án chiến lược liên quan đến nước trị giá 9,6 tỷ USD tại WWF lần thứ 10. Các dự án đang được Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia quản lý và lựa chọn, bao gồm cả các dự án đang thực hiện và dự án mới.

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết đại diện của 193 quốc gia tham dự các cuộc họp cấp Bộ trưởng của Diễn đàn. Tính đến thời điểm này có 8 nguyên thủ quốc gia xác nhận tham dự Diễn đàn.

Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nước

Indonesia chủ trì tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ X: “Nước vì Thịnh vượng chung”- Ảnh 3.

Người dân múc nước sông để sinh hoạt tại Gode, Ethiopia, ngày 8/4/2022. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Diễn đàn sẽ tập trung vào các cuộc họp kinh doanh của các đối tác chiến lược để thảo luận về tiềm năng hợp tác và đầu tư liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng nước.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà, 771 triệu người phải di chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch và hơn 100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, nước chất lượng không đảm bảo.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương-Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết có khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường trực, với hơn 733 triệu người (10% dân số thế giới) sống ở các nước có nguy cơ ở mức cao và đặc biệt cao. Dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn dẫn tới tình trạng khan hiếm nước và các xung đột vì tranh chấp nguồn nước.

Do đó, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là cải thiện chất lượng nước và giảm thiểu ô nhiễm, loại bỏ việc đưa các chất hóa học và vật liệu độc hại ra môi trường, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng cường tái chế và tái sử dụng an toàn trên toàn cầu. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nước sạch đến những vùng khan hiếm nước và giảm đáng kể số người thiếu nước sử dụng.

Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện cũng được ban tổ chức chú trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông quốc gia Indonesia sẽ điều động tổng cộng 1.530 nhân viên đến tỉnh Bali để hỗ trợ cảnh sát khu vực triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra WWF lần thứ 10. Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia (TNI) làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các đại biểu tham dự diễn đàn, đặc biệt là nguyên thủ các nước và đại diện tương đương.

An Nhiên

Các bài viết liên quan