Nước mặn xâm nhập sâu, nhiều tỉnh miền Tây tính chuyện dùng xà lan chở nước ngọt về nhà máy xử lý

Bình Dương sử dụng xà lan chở nước ngọt cứu trợ người dân Bến tre  bị nhiễm mặn năm 2020

Bình Dương sử dụng xà lan chở nước ngọt cứu trợ người dân Bến tre bị nhiễm mặn năm 2020

Nước mặn xâm nhập sâu, nhiều tỉnh miền Tây tính chuyện dùng xà lan chở nước ngọt về nhà máy xử lý- Ảnh 1.

Xà lan chở nước ngọt từ Bình Dương về hỗ trợ người dân Bến Tre bị thiếu nước ngọt do hạn mặn xâm nhập sâu và lan rộng ra toàn tỉnh năm 2020

Nước mặn xâm nhập sâu và lan rộng

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre thông báo độ nhiễm mặn cao nhất đo vào những ngày đầu tháng 3/2024 tại các Trạm Bình Đại, An Thuận và Bến Trại lần lượt là 22.9‰, 23.5‰ và 19.6‰.

Cụ thể Trên sông Cửa Đại, độ mặn đo được là 4‰ xâm nhập đến ấp Long Quới, xã Long Định (huyện Bình Đại), cách cửa sông 37km.

Trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Phú Lợi, xã Bình Phú (TP Bến Tre) – ấp Thanh Sơn 3, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 49,5km.

Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Tân Phong, xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 38km. Độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Giồng Đắc, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 55km.

Ông Bùi Văn Thắm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre – cho biết: “Dự báo của các cơ quan chức năng, nguồn nước về mùa khô năm 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước; xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất rơi vào tháng 2 và tháng 3/2024. Ngoài ra, độ mặn sẽ lên xuống theo triều”.

Nhiều tiệm rửa xe trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải mua nước ngọt từ bên ngoài để sử dụng và treo bảng “rửa xe nước ngọt”. Do nước cấp từ một số nhà máy nước đã bị nhiễm mặn. Sử dụng nước nhiễm mặn rửa xe sẽ làm rỉ sét, ăn mòn kim loại…

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, trong tháng 2, trên địa bàn tỉnh có 2 lần nước mặn xâm nhập mạnh và vào sâu các kênh rạch. Ông Đỗ Tấn Lập, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng – thông tin: Ngay từ những ngày đầu tháng 2/2024, nước mặn theo sông Hậu xâm nhập gần 50km vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Điển hình tại huyện Trần Đề, độ mặn cao nhất là 22,4‰, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) là 18,4‰ và thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú) là 7,7‰…

Tỉnh Vĩnh Long, địa bàn được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, lại xa biển nhưng nước mặn đã liên tục xâm nhập vào các con sông lớn. Ông Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đỉnh điểm xâm nhập mặn lên cao vào tháng 3 tháng 4 tới. Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp các giải pháp ứng phó, cùng người dân thích nghi với hạn mặn.

Nước mặn xâm nhập sâu, nhiều tỉnh miền Tây tính chuyện dùng xà lan chở nước ngọt về nhà máy xử lý- Ảnh 2.

Cống ngăn triều tại cửa sông các tỉnh miền Tây đã được đóng, nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào nội địa

Nước ngọt khan hiếm, 100.000 đồng/m3

Là tỉnh ven biển, Bến Tre chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhất là lúc gió biển thổi mạnh vào đất liền đưa nước mặn xâm nhập sâu vào các con sông. Một số nơi hệ thống cấp nước do nhà máy nước cung cấp đã bị nhiễm mặn. Nhiều tiệm rửa xe trên địa bàn phải mua nước ngọt từ bên ngoài chở vào để sử dụng. Do chi phí tăng các tiệm rửa xe sử dụng nước ngọt đã treo bảng “Rửa Xe Nước Ngọt” để tránh gây hỏng hóc, rỉ sét do nước nhiễm mặn gây ra.

Hiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt. Người dân phải chờ ghe hoặc xe chở nước từ nơi khác đến để đổi với giá 100.000 đồng/m3 nước giếng và 120.000 đồng/m3 nước mưa.

Nước mặn xâm nhập sâu, nhiều tỉnh miền Tây tính chuyện dùng xà lan chở nước ngọt về nhà máy xử lý- Ảnh 3.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tình hình xâm nhập mặn và hoạt động cấp nước tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre sau khi kiểm tra tình hình nhiễm mặn các các con sông và hoạt động tại các nhà máy nước trên địa bàn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị kế hoạch sử dụng xà lan chở nước ngọt từ nơi khác về các nhà máy để lọc và bơm cho người dân sử dụng, không để xảy ra lúng túng bị động như trước đây.

Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng – cho biết: “Năm nay khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung cấp nước sạch của đơn vị. Tại vị trí Nhà máy nước mặt khu công nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) không thể lấy nước mặt do xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, độ mặn nguồn nước mặt liên tục tăng. Độ mặn của nước sông khu vực này dao động 630 – 660mg/lít đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của nhà máy, lưu lượng nước cấp giảm đáng kể”.

Để ứng phó, thích nghi với hạn mặn, UBND tỉnh Sóc Trăng đang tính đến kế hoạch vận động người dân sử dụng lu khạp, chứa nước ngọt sử dụng trong thời gian cao điểm mặn xâm nhập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Cấp Thoát Nước về tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, lãnh đạo các công ty cấp thoát nước cho biết: Cao điểm nước mặn xâm nhập sâu lan rộng vào đất liền là lúc nước triều xuống. Áp lực lên hệ thống nước ngầm giảm. Theo nguyên tắc cân bằng nước mặn sẽ theo mạch nước ngầm đi sâu vào đất liền. Nên khi các con sông nhiễm mặn thì nước ngầm cũng bị nhiễm mặn. Trong khi đó các nhà máy cấp nước có thể xử lý tốt nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm tạp chất , nhưng chưa có nhà máy nào trang bị, đầu tư công nghệ xử lý nước nhiễm mặn.

Kế hoạch vận chuyển nước ngọt bằng xà lan, dẫn nguồn nước ngọt từ nơi khác về các nhà máy xử lý cung cấp cho người dân trước diễn biến ngày càng phức tạp của xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu đang được các địa phương lựa chọn triển khai, nếu tình hình xâm nhập mặn còn lên cao và kéo dài.

Tác giả:

Duy Chí

Các bài viết liên quan