Xử lý nước thải cần được quan tâm và đầu tư

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Ngày 26/7/2024, tại Hà Nội, Lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với ông Yang Zhen Wu, Chủ tịch HĐQT Công ty China Gezhouba. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty China Gezhouba đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thị trường cấp thoát nước của Việt Nam, nhất là những khó khăn trong lĩnh vực thoát nước, công tác xử lý nước thải tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự quan tâm khi nhận được lời mời tham dự Tuần lễ ngành nước Việt Nam 2024 (Vietnam Water Week 2024), sự kiện tâm điểm của ngành Cấp Thoát nước được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 06-08/11/2024.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo VWSA đã giới thiệu với Công ty China Gezhouba về hiện trạng ngành Cấp Thoát nước tại Việt Nam. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của Việt Nam rất nhanh chóng. Điều này trở thành một thách thức lớn trong việc xử lý nước thải đô thị. Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung cũng như hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu hụt dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa môi trường và trở thành khó khăn lớn cho các đô thị Việt Nam.

Theo VWSA, hiện nay có nhiều công ty và doanh nghiệp ngành nước quốc tế đang tìm đến thị trường Việt Nam để đầu tư cho hoạt động thu gom, xử lý nước thải. Chỉ tính riêng khu vực đô thị, cấp nước hiện đang sản xuất được 14 triệu m3/ ngày đêm. Tuy nhiên, thoát nước và xử lý mới được hơn 1 triệu m3 (khoảng 10%) và 90% còn lại xả trực tiếp ra môi trường. Một số nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên có thể kể đến như: các doanh nghiệp ngành nước tại Việt Nam vẫn do Nhà nước quản lý, giá xử lý nước thải vẫn còn thấp (khoảng 10%) chỉ đủ cho vận hành hệ thống, không đủ cho đầu tư nâng cao chất lượng xử lý nước thải.

Xử lý nước thải cần được quan tâm và đầu tư- Ảnh 1.

Đoàn Công ty China Gezhouba lắng nghe giới thiệu về VWSA

Cũng theo lãnh đạo VWSA, “hướng đi” cho xử lý nước thải đầu tiên là Chính phủ cần thay đổi quan điểm, cần quan tâm và đầu tư cho công tác xử lý nước thải. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty ngành Nước đầu tư cho xử lý nước thải. Các công ty, doanh nghiệp cần đầu tư theo mô hình PPP (Public – Private Partnership) cho hoạt động thu gom và xử lý nước thải.

Tiếp theo, cần đẩy mạnh chính sách thu phí dịch vụ xử lý nước thải của người dân. Chính sách này cần sự quan tâm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến năm 2030, Việt Nam cần 9 tỷ USD cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, trong đó cần 3 tỷ USD dành riêng cho xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quốc tế khi muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường Việt Nam, đề ra chính sách phát triển và đầu tư lâu dài. Pháp luật cần đưa ra chế tài rõ ràng để các nhà đầu tư quốc tế nắm được trước khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Xây dựng lộ trình rõ ràng cho việc tăng giá dịch vụ xử lý nước thải. Vấn đề xử lý bùn cặn trong quá trình xử lý nước thải tại Việt Nam hiện nay đang rất cần thiết và rất cần các thiết bị, công nghệ cho xử lý bùn cặn, bùn thải.

Việt Nam hiện nay đang có nguồn vốn lớn đầu tư cho xây dựng nhà máy xử lý nước từ nguồn vốn ODA, WB, ADB, Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và một phần đầu tư của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nguồn đầu tư của nhà nước không nhiều trong khi những khu vực đô thị nhỏ, nơi ô nhiễm nhiều cần gấp hệ thống xử lý nước. Các nhà đầu tư theo mô hình PPP sẽ đầu tư nhiều hơn cho các khu công nghiệp bởi chi phí dịch vụ xử lý nước thải do các khu công nghiệp chi trả có thể đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống xử lý nước thải.

Kết thúc buổi họp, phía China Gezhouba  bày tỏ niềm vinh dự khi được gặp gỡ, trao đổi với VWSA và cho rằng đây là một cơ hội lớn để tìm hiểu và nắm bắt được thị trường Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, công ty ngành Nước tại Việt Nam.

An Nhiên

Các bài viết liên quan