Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam 2024, chiều 06/11, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Dự thảo Luật Cấp Thoát nước.
Vẫn còn những vướng mắc…
Theo bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước được xây dựng theo hướng từ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, dịch vụ và trách nhiệm thực hiện, thanh tra kiểm tra nhằm thể chế hóa 03 chính sách về cấp, thoát nước trong 8 Chương và 75 Điều.
Theo kế hoạch dự án Luật sẽ được trình Quốc hội có ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.
Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo Luật Cấp, Thoát nước đã tích cực tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia để hoàn thiện dự án Luật. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục tham vấn ý kiến của các quý vị đại biểu trong đó tập trung một số vấn đề lớn bao gồm: (1) Xem xét cách tiếp cận xây dựng Luật theo hướng giữ nguyên về tổ chức quản lý cấp nước, phân theo khu vực thành thị và nông thôn; (2) Sửa đổi, bổ sung các điều khoản phù hợp với Luật Giá 2023; (3) Điều chỉnh quy hoạch cấp thoát nước phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; (4) Quản lý tài sản công về hạ tầng cấp. thoát nước; (5) Huy động nguồn lực tư nhân tham gia dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Đề xuất nhiều giải pháp
Ở góc độ là tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành Cấp Thoát nước, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam chia sẻ những khó khăn trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Cấp, Thoát nước.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, Ban soạn thảo Luật cần xem xét cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh, quy định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các hoạt động liên quan đến cấp thoát nước trên lãnh thổ Việt Nam thông qua việc giải thích từ ngữ và làm rõ các khái niệm.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn một số nội dung như: Đồng bộ thống nhất các pháp luật hiện hành; chiến lược – quy hoạch – kế hoạch phát triển cấp thoát nước; quản lý đầu tư, phát triển hệ thống cấp thoát nước; quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước; giá nước sạch, dịch vụ thoát nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước….
Chia sẻ định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành Nước, GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ quan ngại khi công tác tuyển sinh ngành Cấp Thoát nước ngày càng gặp khó khăn.
Lý giải nguyên nhân, GS.TS.NGƯT Việt Anh nhận định, do xã hội ít biết đến dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh thấp, chất lượng đầu vào không cao. Ngoài ra, hiện chưa có điều khoản nào liên quan đến nội dung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ ngành Cấp thoát nước, chưa nêu rõ được trách nhiệm của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ liên quan đến nội dung xây dựng nguồn nhân lực và phổ biến, tuyên truyền, truyền thông, cũng như nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về cấp thoát nước….
GS.TS.NGƯT Việt Anh đề xuất, Nhà nước cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Nước một cách bài bản, dài hạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; quy định doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch xây dựng đội ngũ một cách bài bản, dài hạn, gắn với chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh, phù hợp với bối cảnh và xu thế mới; quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo ngành Nước để đáp ứng nhân lực cho các địa phương, vùng miền.
Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch và phân bổ nguồn lực cho tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo ngành Nước; bổ sung đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về ngành nước…
Khép lại hội thảo, gần 20 tham luận đã được trình bày. Các đại biểu đã nêu bật một số nội dung liên quan đến thực trạng giá nước sạch, giá dịch vụ thoát nước và nước thải; thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam, một số nội dung về quy hoạch trong Luật Cấp, Thoát nước./.
Khiêm Anh