Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương chia sẻ về các hoạt động bình đẳng giới tại công ty
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương – một trong những nữ lãnh đạo nổi bật của ngành Cấp Thoát nước Việt Nam.
PV:Thưa bà, Cấp Thoát nước là một ngành kỹ thuật đặc thù, thường được nhận định sẽ phù hợp hơn với nam giới. Vậy thì nữ giới khi làm việc trong ngành này sẽ gặp phải những khó khăn như thế nào?
Bà Nguyễn Việt Hương: Ngành Cấp Thoát nước là ngành làm việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các cán bộ công nhân ngành Cấp Thoát nước rất vất vả, thường xuyên phải ứng trực, ra ngoài hiện trường. Chính vì thế, ngành nghề này đòi hỏi cần có sức khỏe tốt và vận dụng thành thạo các kỹ năng.
Thực tế, cán bộ công nhân ngành Cấp Thoát nước đa phần là nam giới do yêu cầu công việc phải hoạt động ngoài trời với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn. Do đó, lực lượng nữ học sinh, sinh viên ngành kỹ thuật nói chung là ít. Trong quá trình tuyển dụng, lực lượng nữ cũng không được nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, thực hiện các công tác quản lý, vận hành cũng như thực hiện công tác sản xuất kinh doanh, chị em phụ nữ cũng thể hiện rất xuất sắc. Các nữ cán bộ, công nhân viên luôn phát huy tốt năng lực sở trường cũng như luôn luôn cố gắng trau dồi các kỹ năng và trình độ chuyên môn dù trong điều kiện làm việc độc hại.
Tại Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trong số các Giám đốc xí nghiệp cũng có hai nữ Giám đốc xí nghiệp xuất sắc. Dù là nữ giới nhưng các chị đã thực hiện tốt năng lực và vai trò của mình khi điều hành số lực lượng lớn cán bộ, công nhân viên vào khoảng 150 đến 200 người/đơn vị.
Đối với các nữ Giám đốc xí nghiệp quản lý duy trì hồ, vào những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa bão, các chị sẽ phải điều hành hệ thống mực nước ngoài hồ để đảm bảo chống úng ngập. Ngoài ra, có những lúc xử lý ô nhiễm môi trường do sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự ảnh hưởng đến vi sinh vật, cá chết. Mặc dù công việc vất vả, song các nữ Giám đốc xí nghiệp đều điều hành kịp thời, nhanh chóng và khoa học.
Hơn nữa, các nữ giám đốc, lãnh đạo đều là những người hết sức tình cảm. Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là những lúc mưa bão, các chị luôn động viên, đồng hành cùng cán bộ, công nhân viên để mọi người phát huy hết tinh thần làm việc, tạo dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp. Qua đó, giúp cán bộ, công nhân viên phấn khởi cống hiến cho môi trường làm việc.
PV: Đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí và gắn bó lâu dài với nghề thoát nước, bà có thể chia sẻ những khó khăn cụ thể mà mình từng gặp phải? Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất, thưa bà?
Bà Nguyễn Việt Hương: Bản thân tôi đã làm việc trong ngành Cấp Thoát nước được hơn 33 năm. Từ lúc ra trường, bắt đầu công tác tại đơn vị, mình luôn sẵn sàng đi ra hiện trường cùng với các anh em.
Hồi đó, các phương tiện thiết bị còn rất thô sơ không được hiện đại như bây giờ, chỉ có những cái xe tải ben hoặc xe Trung Quốc. Đã có lần, tôi từng nói với anh lái xe là cho lên ngồi trên cabin để đi thực tế toàn bộ hệ thống xem như thế nào. Và cũng từng học hỏi xem là những dụng cụ mà người lao động đang làm là những dụng cụ gì.
Tôi cũng chú ý lắng nghe ý kiến người lao động, xem đâu là những vướng mắc có thể cải tiến để quá trình làm việc đỡ vất vả hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Nhờ đó, có thể thực hiện công tác đầu tư hoặc mua sắm chính xác, tạo điều kiện cho các cán bộ, công nhân viên trong quá trình lao động thực hiện công việc thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng hiệu quả.
PV: Thưa bà, theo chuyên gia về Giới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chỉ có khoảng 33% người lao động nữ làm trong ngành Cấp Thoát nước tại Việt Nam. Vậy với vai trò là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới tại công ty của mình?
Bà Nguyễn Việt Hương: Đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, công tác bình đẳng giới nói chung được thực hiện và quan tâm tương đối tốt. Trong quy chế dân chủ của công ty, chúng tôi đã đưa vào quy chế bình đẳng giới và một số nội dung tạo điều kiện cho các lao động nữ được học tập, cống hiến, phát huy năng lực của mình.
Trong Ban Thường vụ – đơn vị cơ quan cao nhất của công ty, có 2 nữ cán bộ trong tổng số 5 người. Trong Ban Giám đốc có 3 đồng chí thì cũng có 1 đồng chí là nữ. Còn trong Ban Điều hành có 6 đồng chí thì cũng có 50% là nữ. Tuy nhiên, nếu xét tỉ lệ trong một số nội dung thì lực lượng lao động nữ của công ty mới chỉ chiếm hơn 30%. Dẫu vậy, nếu so với mặt bằng chung được chế độ chính sách ưu tiên thì công ty cũng thuộc danh mục được ưu tiên vì là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.
Chúng tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, ban lãnh đạo công ty sẽ đồng hành sâu sát hơn với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để thu hút sự quan tâm của các nữ học sinh, sinh viên. Từ đó, tạo dựng nguồn cán bộ lành nghề, công nhân lành nghề, các kỹ sư lành nghề với tỷ lệ nữ nhiều hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, khi công ty nhận thấy trong quá trình tuyển dụng, người lao động nữ thể hiện năng lực rất tốt không thua kém nam giới.
Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng đặc biệt quan tâm nữ giới trong từng chính sách của Đảng và chính quyền. Tuy nhiên, có một số ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại nên không được bố trí lao động nữ theo quy định của pháp luật. Ví dụ như công nhân cống ngầm thì chúng tôi không bố trí lao động nữ làm việc. Dẫu vậy, nếu việc ứng dụng công nghệ hiện đại được thực hiện tốt hơn trong tương lai thì chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng lao động nữ. Với công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ sử dụng máy móc nhiều hơn và tự động hóa nhiều hơn; lao động nữ sẽ phát huy tốt những phẩm chất vốn có như năng lực chuyên môn sâu, tính kiên trì bền bỉ, tính phân tích kỹ lưỡng.
PV: Tại khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam 2024, CLB Lãnh đạo Nữ ngành Nước Việt Nam đã được ra mắt. Bà kỳ vọng CLB khi đi vào hoạt động sẽ có những đóng góp như thế nào cho ngành nước Việt Nam hiện nay, thưa bà?
Bà Nguyễn Việt Hương: Sự ra mắt CLB Lãnh đạo Nữ ngành Nước Việt Nam là hành động cụ thể thể hiện sự quan tâm của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, đông đảo doanh nghiệp trong ngành, các nữ lãnh đạo, nữ lao động. Thông qua CLB, tiếng nói của các nữ lao động sẽ được tiếp thu, đưa lên các cấp chính quyền, các tổ chức.
Từ đó đưa vào các cơ chế chính sách bình đẳng giới; cụ thể hóa hơn, thực tế hơn vào các quy định, nghị định của Chính phủ để áp dụng vào đời sống thực tiễn. Vì thực tế, dù đã đưa vào một số chính sách nhưng vẫn còn khoảng cách với thực tế. Việc cụ thể hóa sẽ đưa vào các tiêu chí, các quy định đánh giá các doanh nghiệp. Trong đó, tiêu chí bình đẳng giới sẽ là một trong số các tiêu chí quan trọng đánh giá vai trò, năng lực của doanh nghiệp trong sự phát triển của xã hội.
Trân trọng cảm ơn bà!
Khiêm Anh