Thành phố đang tập trung xây dựng đề án tổng thể phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan bốn dòng sông nội đô.
Vấn đề này lại tiếp tục trở thành đề tài “nóng” tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 diễn ra từ ngày 09 đến 12/12.
Chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở TN&MT, đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ huyện Thường Tín) nêu vấn đề,UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu dự án xây dựng đường ống riêng để bổ trợ nước sông Hồng qua hồ Tây cho sông Tô Lịch, còn giải pháp đối với các sông khác thì ra sao?
Trước đó, thành phố đã giao các đơn vị triển khai đề án phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan bốn sông nội đô, gồm sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhưng tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu. Khó khăn, vướng mắc do đâu?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét nằm trong khu vực đô thị khoảng 17,5 km 2 . Về giải pháp, toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; nước thải của sông Kim Ngưu, Sét được thu về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Để bổ cập nước cho sông Tô Lịch, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng các đơn vị triển khai đồng bộ với các sông còn lại, do đây là nhiệm vụ nằm trong tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành. Trong đó, giải pháp chính được thống nhất đưa ra là tập trung cải thiện toàn bộ nguồn thải và bổ cập nước bằng hai nguồn chính, gồm nguồn nước thải sau khi xử lý quay ngược lại cho các dòng sông và nguồn nước từ bên ngoài như từ sông Hồng để bổ cập cho các sông.
Cùng tham gia trả lời đại biểu về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở đã triển khai đồng bộ các nội dung của đề án, nhiều lần báo cáo thành phố, nhưng vẫn còn một số nội dung bất cập trong quá trình thực hiện cần hoàn thiện. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các giải pháp cần phải tổng thể hơn, xin thêm ý kiến của các chuyên gia về các giải pháp triển khai.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để bảo đảm công tác quy hoạch kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho bốn con sông nội đô cả về giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường sinh thái đô thị, theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám đốc Sở TN&MT cho biết thêm, các nội dung, giải pháp đưa ra được đề xuất theo hướng cải thiện chất lượng nước, duy trì dòng chảy sinh thái, tăng cường quá trình làm sạch tự nhiên của các con sông, bổ cập nước tự nhiên; quy hoạch môi trường thoát nước, cảnh quan bảo đảm trên nguyên tắc thu gom triệt để nước thải, mở rộng lòng sông, cây xanh hai bên bờ… Đơn vị đang hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến dự án và dự kiến hoàn chỉnh trình UBND thành phố ngay trong tháng 01/2025.
Theo nhận định của các chuyên gia quy hoạch, việc cải tạo các sông trong địa bàn Thủ đô là nhu cầu tất yếu và cấp bách nhằm bảo đảm nguồn nước, môi trường nước không chỉ trên sông mà còn liên quan đến diện tích tưới tiêu của các công trình thuỷ lợi, an toàn trước thiên tai và làm đẹp cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội.
Việc xây dựng quy hoạch tổng hợp, đa mục tiêu, tăng nguồn nước, dòng chảy mùa kiệt, chống lũ lụt và gắn kết với quy hoạch giao thông, xây dựng, vui chơi giải trí và văn hoá, lịch sử của Thủ đô sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh hài hòa, gắn kết giữa thiên nhiên và con người; đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông, tạo thêm nguồn lực lớn xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.