Cần 9 tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu về cấp thoát nước đến năm 2030 tại Việt Nam

Sáng 04/6/2024, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo trực tuyến Giới thiệu khóa học về Chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp ngành Nước và hỗ trợ học viên Việt Nam tham gia khóa học. Đây là một trong số những hoạt động được VWSA triển khai trong năm 2024 nhằm tiếp nối và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa VWSA và WB.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA; ông Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam; bà Hạ Thanh Hằng, Phó Chủ tịch VWSA; bà Đoàn Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường; bà Halla Maher Qaddumi, Chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành Nước của WB.

Cùng tham dự hội thảo có đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, Cục Thủy Lợi – Bộ Nông nghiệp & Phát  triển  Nông thôn cùng hơn 80 đại biểu từ các doanh nghiệp cấp thoát nước trên toàn quốc.

Tại buổi hội thảo, nhiều nội dung mới trong Dự thảo Luật Cấp, thoát nước liên quan đến quản lý vốn đầu tư và nguồn đầu tư cho hoạt động cấp thoát nước, kinh nghiệm quốc tế trong việc huy động tài chính, tài trợ cho các dịch vụ cấp thoát nước đã được trình bày. 

Cần 9 tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu về cấp thoát nước đến năm 2030 tại Việt Nam- Ảnh 1.

Hơn 80 đại điện các Bộ ban ngành, doanh nghiệp ngành Nước tham gia chương trình

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu mới đây, bà Halla Maher Qaddumi, Chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước WB cho biết, “Ước tính Việt Nam cần huy động 9 tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu về cấp thoát nước đến năm 2030”. 

Hiện nay, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức về hành lang pháp lý và thể chế trong dịch vụ cấp thoát nước. Về cấp nước, chất lượng dịch vụ thấp do không thể duy trì các dịch vụ cấp nước chất lượng, chưa tiếp cận với tất cả người dân. Trong khi ở khu vực đô thị có 94,2% người dân được sử dụng nước máy; thì tại khu vực nông thôn chỉ có 88,5% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và 51% đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT. 

Về thoát nước, phạm vi dịch vụ xử lý và thoát nước còn thấp. Hầu hết mạng lưới thoát nước chưa được hoàn thiện, còn tồn tại nhiều hạn chế khi đưa vào thực tế tại các nhà máy xử lý. Chỉ có 50% nhà máy xử lý nước thải hoạt động đúng với công suất dự kiến. 

Do đó, cần có nguồn vốn và tài chính cụ thể để giải quyết những bất cập tồn đọng nêu trên. Phía WB nhận định, Luật Cấp Thoát nước sẽ mang lại cơ hội tối ưu hóa doanh thu từ giá, nghiên cứu các nguồn vốn thay thế và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp ngành Nước. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Cấp nước Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng đã trình bày tham luận về định hướng nguồn vốn đầu tư được đề cập trong dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Trong đó, có nhấn mạnh nội dung về đầu tư vận hành nhà máy xử lý nước thải và thu hồi vốn thông qua hợp đồng PPP. 

Cần 9 tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu về cấp thoát nước đến năm 2030 tại Việt Nam- Ảnh 2.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội

Cảm ơn những đóng góp và trình bày từ các chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA kỳ vọng khóa học sẽ cung cấp nhiều kiến thức hữu ích xoay quanh việc huy động tài chính, tài trợ cho các dịch vụ cấp thoát nước tại doanh nghiệp. 

Đồng thời, mong muốn VWSA và WB sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả trong thời gian tới với những chương trình hoạt động thiết thực.

“VWSA sẽ là cầu nối giữa WB và các doanh nghiệp thuộc ngành Cấp Thoát nước Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh.

Chung Anh 

Các bài viết liên quan