Chỉ có 18% nhân lực tại các cơ sở ngành Nước trên thế giới là phụ nữ

Hiện nay, tỷ lệ tuyển dụng phụ nữ làm việc trong ngành Nước tương đối thấp và ít có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Song, vẫn có nhiều cách tiếp cận tiềm năng nhằm tháo gỡ những rào cản này, đồng thời giúp cho ngành Nước trở nên đa dạng hơn.

Sáng ngày 9/1/2024, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội nước Australia (AWA) đã tổ chức khai mạc Chương trình Tập huấn Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập Xã hội (GEDSI). Chương trình mang tới cơ hội nâng cao hiểu biết, kiến thức và các phương thức áp dụng thực tiễn liên quan tới GEDSI trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường. 

Tham dự khai mạc có Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng; Chủ tịch Chi hội CTN miền Bắc, Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Phú Thọ Đoàn Thị Kim Quy; Đại diện Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Dương Tú Oanh; Chuyên gia GEDSI Phạm Thu Hiền; Giám đốc nghiên cứu, Viện nghiên cứu vì Tương lai bền vững (ISF), ĐH Công nghệ Sydney Melita Grant cùng các nhà lãnh đạo, chuyên gia và cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở ngành Nước ở Việt Nam. 

Chỉ có 18% nhân lực tại các cơ sở ngành Nước trên thế giới là phụ nữ- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng cho biết: “Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của mỗi đất nước. Trong thời gian qua, lĩnh vực cung cấp nước sạch đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vấn đề về Giới, các hoạt động lồng ghép về Bình đẳng giới và các nhóm người yếu thế trong xã hội vẫn chưa đạt nhiều kỳ vọng như mong đợi”. 

Do đó, Chương trình Tập huấn Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập Xã hội (GEDSI) được tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết về các vấn đề về Giới và nhóm người yếu thế trong xã hội nói chung và ngành Nước nói riêng.

 

Chỉ có 18% nhân lực tại các cơ sở ngành Nước trên thế giới là phụ nữ- Ảnh 2.

Chuyên gia GEDSI trong nước và quốc tế chia sẻ về vấn đề Giới, Bình đẳng giới và Hòa nhập xã hội

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe giới thiệu tổng quan về Giới, Bình đẳng giới và Hòa nhập xã hội. Chuyên gia GEDSI Phạm Thu Hiền cho biết gánh nặng công việc gia đình là một trong những thách thức mà các nhà lãnh đạo và người lao động là phụ nữ tại Việt Nam phải đối mặt. 75% công việc chăm sóc của họ không được trả lương, phụ nữ phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn nam giới. 

Xét riêng lĩnh vực cung cấp nước sạch, tỷ lệ cán bộ, nhân viên nữ chiếm khoảng 32% trong tổng số 70.000 cán bộ, nhân viên, người lao động tại các cơ sở ngành Nước. Có 7/125 Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc ngành Nước là phụ nữ (Theo số liệu của VWSA, trích trong Báo cáo nghiên cứu Bình đẳng giới trong các doanh nghiệp cấp thoat nước sau cổ phần hóa ở Việt Nam). 

Ở góc độ chuyên gia quốc tế, Giám đốc nghiên cứu, Viện nghiên cứu vì Tương lai bền vững (ISF), ĐH Công nghệ Sydney Melita Grant chia sẻ với những khó khăn và thách thức mà những người phụ nữ tại Việt Nam đang phải đối mặt. 

Bà Melita Grant cho biết, hiện nay ngành Nước đang vắng bóng phụ nữ. Chỉ có 18% nhân lực tại các cơ sở ngành Nước trên thế giới là phụ nữ; 23% phụ nữ là kỹ sư và 23% quản lý là phụ nữ. 

Trong khi xem xét GEDSI ở cấp độ quản lý, các nhà lãnh đạo nữ không chỉ cải thiện thước đo hiệu suất tài chính mà còn giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của công ty; cải thiện CSR và ESG. Thậm chí, các nghiên cứu còn cho thấy những doanh nghiệp có tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao hơn sẽ hoạt động tốt hơn. Vì vậy, các bên cần có những hoạt động lồng ghép cụ thể về giới để phụ nữ có thể yên tâm công tác và cống hiến trong công việc. 

 

Chỉ có 18% nhân lực tại các cơ sở ngành Nước trên thế giới là phụ nữ- Ảnh 3.

Chương trình Tập huấn Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập Xã hội (GEDSI) sẽ diễn ra trong 5 ngày

 

Cũng tại buổi tập huấn, Bà Kirsty Jones (AWA) đã trình bày một số vấn đề về giới trong cấp quản lý ngành Nước tại Australia cũng như cách thức, mô hình giữ chân, thu hút nhân viên nữ ngành Nước. Một trong số đó là Chiến lược Hòa nhập và đa dạng được Ban điều hành Melbourne Water thông qua và thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.

Từ những ví dụ cụ thể, Bà Kirsty Jones nhấn mạnh, sự đa dạng về giới sẽ mang tới nhiều lợi ích cho các công ty. Đồng thời bày tỏ mong muốn các bên có thể tích cực học hỏi, trao đổi những cách làm hay, giải pháp tốt hơn trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới ở mỗi địa phương, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới./.

Diễn ra dưới dạng các buổi tập huấn tại hội trường và trực tuyến trong 5 ngày, chương trình Tập huấn Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập Xã hội (GEDSI) có sự tham gia của các nhà lãnh đạo quản lý cấp trung và nhân viên kỹ thuật của các công ty cấp nước đô thị và nông thôn Việt Nam. Đây đều là các công ty tham gia Chương trình Đối tác ngành Nước thông minh và phục hồi nhanh với Biến đổi khí hậu, Chương trình Đối tác Công ty Cấp nước Nâng cao an toàn cấp nước và Khả năng phục hồi Cấp nước tại Việt Nam, được hỗ trợ bởi Chính phủ Australia.

 

Chung Anh

Các bài viết liên quan