Toàn cảnh cuộc họp
Chiều 25/9 vừa qua, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có buổi họp đánh giá hiệu quả áp dụng bình đẳng giới với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong khuôn khổ cuộc họp, phía đại diện EVN đã trình bày kết quả áp dụng và kế hoạch bình đẳng giới sắp tới tại các công ty trực thuộc.
Tham dự cuộc họp có bà Hạ Thúy Hạnh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (trực thuộc VWSA), bà Châu Mỹ Linh, chuyên gia giới của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
Phía EVN có sự tham dự của ông Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam – Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ EVN (VSTBPN EVN) và bà Nguyễn Thị Hạnh An, chuyên viên cao cấp ban Tổ chức nhân sự – Thư ký Ban VSTBPN EVN.
Trong khuôn khổ cuộc họp, bà Hạ Thúy Hạnh đã có bài trình bày giới thiệu về công cụ bình đẳng giới GEARS cũng như nhấn mạnh vai trò của bộ công cụ đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, bên phía EVN cũng đã có bài báo cáo về hiệu quả cũng như kế hoạch áp dụng bình đẳng giới trong tập đoàn và các công ty trực thuộc.
Áp dụng hiệu quả bình đẳng giới trong tập đoàn và các đơn vị trực thuộc
Ngành điện là một ngành đặc thù (đây là ngành kỹ thuật liên quan đến năng lượng, được coi là ngành công nghiệp nặng) nên không thu hút nhiều nữ giới muốn làm công việc này. Hiện tại tỷ lao động nữ làm việc tại EVN chỉ chiếm 20% – 21% (tính đến năm 2023). Theo số liệu của tập đoàn, lao động nữ chủ yếu làm ở các bộ phận hành chính, văn phòng, truyền thông, kinh doanh,… mà chưa có nhiều lao động nữ làm công việc kỹ thuật trong tập đoàn.
Khi Ban VSTBPN được thành lập và đưa ra những chính sách và kế hoạch bình đẳng giới, các công ty, đơn vị đã và đang thực hiện nghiêm túc các quy định cũng như tiêu chí đánh giá bình đẳng giới. EVN đã áp dụng cả hai bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới là GEARS và EDGE. Tập đoàn đã áp dụng hiệu quả và có báo cáo kết quả cũng như kế hoạch bình đẳng giới cho các công ty triển khai.
Các hoạt động, chính sách, dự án về bình đẳng giới được EVN triển khai và chú trọng. Tập đoàn luôn tích cực tổ chức các buổi tọa đàm về bình đẳng giới, tập huấn, đào tạo về bình đẳng giới cho cán bộ nhân viên của tập đoàn. Qua đó, cán bộ nhân viên sẽ có cái nhìn rõ ràng và công bằng về bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Bên cạnh những chính sách dành cho nữ giới, EVN phối hợp với Hội đồng Quốc tế Công nghiệp Thụy Điển (NIR) tổ chức chức chương trình đào tạo “Nam giới và bình đẳng giới” cho các đơn vị thành viên thuộc EVN khu vực phía Nam. Tập đoàn luôn công bằng và minh bạch trong mọi hoạt động tuyển dụng, luật và đánh giá. Tất cả tiêu chí đánh giá, tuyển dụng hay luật đều không có điều khoản ưu tiên cho giới tính, tất cả sẽ được đánh giá minh bạch theo quy định và hiệu quả công việc. Về lãnh đạo của các đơn vị, công ty hiện tại có 12.000 lãnh đạo và quản lý, trong đó có 1.600 – 1.700 nữ lãnh đạo và quản lý. Đây là tín hiệu tích cực trong bình đẳng giới đối với EVN và các công ty điện lực.
Ngoài ra, EVN có hệ thống quản lý nhân sự rõ ràng, minh bạch và có số liệu thống kê hàng tháng của các công ty, đơn vị trực thuộc. Từ đó sẽ có đánh giá và xây dựng chính sách bình đẳng giới phù hợp cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 4 tổng công ty đạt chứng chỉ bình đẳng giới quốc tế EDGE, đó là: Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng Công ty phát điện (EVNGENCO3).
Kế hoạch và giải pháp thực tiễn cho bình đẳng giới
EVN xây dựng kế hoạch bình đẳng giới 5 năm/lần dành cho các công ty, đơn vị thành viên, sau đó có báo cáo kết quả và đánh giá, từ đó sẽ có những phương án và giải pháp được đề ra. Ngoài ra, vấn đề bình đẳng giới cần sự quan tâm của các lãnh đạo, quản lý trong công ty, đơn vị, như vậy công tác bình đẳng giới sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.
Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ đã được lãnh đạo các đơn vị quan tâm, tạo điều kiện. Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu theo Kế hoạch bình đẳng giới trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (cán bộ quản lý là nữ đến năm 2025 chiếm 15% so với tổng số cán bộ quản lý) cần có sự chỉ đạo sát sao và quan tâm hơn nữa của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị.
Về chính sách tuyển dụng, hiện nay, tập đoàn đang áp dụng chính sách 1/4 (4 ứng viên tham gia tuyển dụng phải có ít nhất 1 ứng viên là nữ) cho khối lao động trực tiếp (sửa chữa đường dây, dựng cột) và cả mảng kỹ thuật điện cũng sẽ áp dụng chính sách tuyển dụng này. Chính sách trên nhằm mục đích đảm bảo duy trì tỷ lệ lao động nữ ở mức 20% – 21% .
Trong thời gian tới, EVN sẽ thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031, đồng thời nghiên cứu, xem xét, ưu tiên bổ nhiệm cán bộ nữ tại các vị trí cán bộ nữ có thế mạnh.
Ngoài ra, EVN sẽ phát động phong trào thi đua, chương trình tham gia đánh giá năng lực theo vị trí chức danh trong nữ cán bộ, công nhân viên lao động, trên cơ sở đó sẽ công nhận chức danh đối với các chị em đạt tiêu chuẩn năng lực theo Bộ tiêu chuẩn năng lực trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã ban hành; nghiên cứu và thuê tư vấn xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đương chức và trong quy hoạch… với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có chuyên môn cao trong các lĩnh vực.
Kết thúc cuộc họp, bà Hạ Thúy Hạnh cũng giới thiệu về sự kiện Vietnam Water Week 2024 với hội thảo về Bình đẳng giới. Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã có lời mời phía EVN sẽ có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm áp dụng bình đẳng giới trong các Doanh nghiệp ngành Điện lực. Đồng thời, bà Hạnh bày tỏ mong muốn sẽ có sự hợp tác giữa hai lĩnh vực ngành Nước và ngành Điện lực về bình đẳng giới cùng với ngân hàng ADB.
Tường Thư