Phó Viện trưởng Viện CTN&MT Hạ Thúy Hạnh và Ban lãnh đạo Hội nước Philippines (PWWA) chụp ảnh lưu niệm
Năm nay, nhận thức mối quan tâm ngày càng tăng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, Hội nước Philippines (PWWA) đã chọn chủ đề: “Biến đổi khí hậu và môi trường bền vững: Thách thức đối với an ninh nước sạch và vệ sinh”.
Hội nghị và Triển lãm lần này nhằm mục đích tập hợp các nhà lãnh đạo ngành, các lĩnh vực kinh doanh và các chuyên gia trong ngành Nước để cùng cam kết thúc đẩy và phát triển nguồn nước và nước thải an toàn vì môi trường bền vững của đất nước thông qua việc sử dụng tài nguyên nước vì lợi ích của quốc gia, nền kinh tế và môi trường tự nhiên.
Theo Ban tổ chức, hơn 1.500 đại biểu đã tham dự sự kiện tại Boracay (Philippines). Bên cạnh không gian triển lãm giới thiệu vật tư thiết bị ngành Nước là các phiên hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều bài báo kỹ thuật do các chuyên gia trong và ngoài nước đã được trình bày tại sự kiện.
Hành động vì sự “sống còn” của ngành Nước
Cuối tháng 10/2024, những cơn mưa lớn do hệ quả của bão Trà My không ngừng trút xuống hòn đảo xinh đẹp Boracay (Philippines). Nhiều người nhận định đây là ví dụ gần nhất cho thấy sự cực đoan mà biến đổi khí hậu đang gây ra.
Ông Solomon M.Hermosura, Cố vấn luật dành cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp cho biết: Khi đặt cạnh các quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, chất lượng dịch vụ cấp nước của Philippines không hề bị đánh giá thấp. Nhiều năm trở lại đây, dịch vụ cấp nước tại quốc đảo Đông Nam Á còn đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, lượng nước sạch phung phí mà người dân sử dụng hiện nay vẫn chưa được hạn chế tới mức tối đa. Theo ông Solomon M.Hermosura, khoảng 60% xe hơi của các hộ gia đình trong cả nước được lấy từ nước ngầm. Trong khi, ước tính chỉ có 5% lượng mưa hàng năm bổ sung cho nguồn nước dưới lòng đất. Nước ngầm dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Vì vậy, việc sử dụng lượng lớn nguồn nước ngầm không được Chính phủ khuyến khích.
Mặt khác, Philippines hiện có 421 con sông và 59 hồ tự nhiên tạo ra một khối lượng tiềm năng về dự trữ nước mặt. Điều này tạo cơ hội cho người dân có thể giảm thiểu tối đa việc sử dụng nước ngầm dưới lòng đất.
Cũng tại hội thảo, ông Solomon M.Hermosura đã dẫn chứng về Indonesia – quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng nhất với Philippines trong khu vực. Theo ông Solomon M.Hermosura: “Mặc dù dân số Indonesia gấp 3 lần Philippines nhưng số lượng doanh nghiệp cấp nước tại Philippines là khoảng 700 công ty – gần gấp đôi Indonesia”. Do đó, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của luật pháp trong việc quản lý các doanh nghiệp hiệu quả.
Khép lại hội thảo trong ngày đầu khai mạc, gần 30 ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức Quốc tế đã góp phần làm sáng tỏ và đề xuất nhiều giải pháp công nghệ ứng dụng trong quản lý bảo đảm an toàn nguồn nước hiện nay.
Ông Atty. Vicente M. Joyas, Chủ tịch Hội nước Philippines (PWWA) thay mặt PWWA bày tỏ kỳ vọng Philwater2024 sẽ là điểm đến để các nhà sản xuất, đơn vị dịch vụ có thể tiếp cận và chia sẻ trao đổi các ý tưởng, giải pháp về ngành Nước.
Tại Philwater2024, đoàn công tác VWSA do Phó Viện trưởng Viện CTN&MT Hạ Thúy Hạnh làm trưởng đoàn đã có cuộc trao đổi nhanh với đại diện các hội nước quốc tế như Hội nước Malaysia, Hội nước Singapore,… và một số doanh nghiệp ngành cấp thoát nước. Bên cạnh nhiều nội dung về chuyên môn, các thông tin mới nhất về Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Vietnam Water Week 2024 cũng đã được giới thiệu với các bạn bè quốc tế.
Khiêm Anh