Chủ tịch HĐQT QUAWACO Vũ Văn Tuấn và đoàn công tác đã kiểm tra công các sản xuất cấp nước và phòng chống lụt bão tại tất cả các đơn vị trực thuộc
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 7/9/2024, bão số 3 đã đổ bộ vào vùng biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ. Thời gian gió mạnh cấp 10 -12 bắt đầu từ 10 giờ đối với khu vực ven biển và sẽ dịch chuyển dần vào các tỉnh đồng bằng, thời gian có mưa to đến rất to, kéo dài có thể đến 1 giờ ngày 8/9.
Để đảm bảo an toàn khi có bão, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần lưu ý: Theo dõi diễn biến của bão để chủ động ứng phó, nên ở trong nhà, nơi trú ẩn an toàn, hạn chế tối đa đi ra ngoài nếu không cần thiết; tắt các nguồn điện khi bão đổ bộ; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; không quay lại khi bão chưa tan.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý thời gian tâm bão vào vì sẽ có khoảng 30 phút đến 1 giờ lặng gió trước khi gió đổi hướng và gió sẽ mạnh trở lại; thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong trường hợp khẩn cấp; tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của cơn bão YAGI, các đơn vị trong ngành CTN đã tích cực, chủ động chuẩn bị ứng phó, xây dựng các phương án tối ưu, sẵn sàng ứng phó với “siêu bão” số 3, nhằm bảo đảm phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại đến hoạt động phục vụ và SXKD.
Tại Công ty CP Cấp nước Quảng Ninh (QUAWACO), trong các ngày ️5 và 6/9/2024, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ông Vũ Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty và đoàn công tác đã kiểm tra công các sản xuất cấp nước và phòng chống lụt bão tại tất cả các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo các đơn vị kịp thời xây dựng phương án chủ động phòng chống có hiệu quả với các diễn biến bất lợi của thời tiết.
Cụ thể, lãnh đạo QUAWACO đã yêu cầu các đơn vị: Kiểm tra và liên tục cập nhật tình hình tai các khu nhà tập thể, khu nhà có người ở tại các đơn vị; Kiểm tra các vị trí trọng yếu, các Nhà máy/Khu xử lý lớn, quan trọng, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, các tuyến ống có nguy cơ dễ xảy ra sự cố và thực hiện ngay các biện pháp gia cố; Thực hiện khơi thông cống, rãnh để đảm bảo tiêu thoát nước không bị tắc nghẽn, ngập úng khi mưa lớn tại các vị trí sản xuất; Kiểm tra và phát quang tuyến đường điện, cắt tỉa cành cây tại các Nhà máy/Khu xử lý, gia cố cây xanh mới trồng; Gia cố các bơm phà; Chuẩn bị sẵn công cụ, dụng cụ, nhân lực theo các phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng; Có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư quanh khu vực đang thi công; Bố trí lãnh đạo chủ chốt trực sản xuất, đội xung kích thường trưc 24/24h,…
Tại Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, Công ty đã theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo và thông tin về thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thông báo; Toàn bộ các đơn vị thuộc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt phòng, chống và sẵn sàng các phương án để ứng phó với các tình huống do bão gây ra, cụ thể:
– Đối với các Nhà máy, chi nhánh, trạm bơm, khu vực văn phòng: Kiểm tra kho tàng, nhà cửa, máy móc thiết bị; quét dọn, sửa chữa toàn bộ hệ thống mái che các công trình, thông tắc hệ thống thoát nước mưa; chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao dễ đổ gây ảnh hưởng tới các công trình; Kiểm tra hệ thống điện, máy phát điện dự phòng, đưa ra các tình huống để có biện pháp khắc phục nhanh nhất khi có sự cố về điện; Chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra đảm bảo khả năng vận hành của các dụng cụ, phương tiện phòng chống bão lụt, gia công lắp đặt cánh phai ngăn nước tràn vào các công trình; Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất đảm bảo cho sản xuất của các nhà máy được liên tục, ổn định.
– Đối với các đơn vị đang triển khai các công trình dự án hoặc sửa chữa: Chằng buộc, gia cố các công trình, vật tư, thiết bị, có rào chắn, biển báo, lấp tuyến ống và hố đào bằng mặt đường giao thông; Bố trí nhân lực trực bão, kịp thời triển khai máy móc nhân lực khắc phục sự cố, ngừng thi công khi có gió lớn, mưa to bảo vệ an toàn cho con người và tài sản.
Đồng thời Công ty đã bố trí lãnh đạo chủ chốt trực sản xuất, huy động lực lượng CBCNV là quân nhân dự bị sẵn sàng xử trí các tình huống khẩn cấp ứng phó cơn bão số 3.
Còn tại Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngay từ ngày 5 – 6/9, Công ty đã ban hành các văn bản thông báo về việc ứng phó, phòng chống úng ngập, giảm thiểu tác hại và phương án ứng phó, giải quyết thoát nước do cơn bão số 3 gây ra.
Theo đó sẽ tiến hành tổ chức trực ban 24/24h tại Văn phòng Công ty và trụ sở các đơn vị; Toàn bộ CBCNV Công ty thực hiện chế độ trực bão; Các thiết bị xe máy sẵn sàng nhận nhiệm vụ để giải quyết thoát nước; Các trạm bơm, cửa phai đã được kiểm tra, sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu; Các kho vật tư phòng chống lụt bão tại các cụm công trình đầu mối Yên Sở, cụm cống qua đê Hải Bối và các trạm bơm thoát nước đã được chuẩn bị, kiểm tra, sẵn sàng đưa vào sử dụng khi có yêu cầu…
Một phương án quan trọng nữa là hạ mực nước đệm trên hệ thống. Tính đến thời điểm 6h00 ngày 6/9, mực nước các sông, hồ điều hòa trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản được giữ ở mức thấp so với mực nước khống chế, sẵn sàng đón bão.
Đồng thời Công ty cũng tăng cường kiểm tra hệ thống thoát nước đảm bảo an toàn ga ghi thu trên các tuyến đường; Phối hợp với các chủ đầu tư các dự án thi công trên hệ thống thoát nước.
Công ty cũng xây dựng những kịch bản ứng phó cụ thể khi mưa bão về như: Vận hành hài hòa để tận dụng tối đa công suất điều hòa của các hồ (Hồ Tây, Linh Đàm, Ba Mẫu, cụm hồ điều hòa Yên Sở…), các tuyến mương sông (Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu…) đồng thời vận hành tối đa công suất các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống, giảm thiểu mức độ úng ngập.
Đến lúc này cơn bão số 3 YAGI sau khi đổ bộ vào bờ biển đã càn quét các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội…Với sức mạnh ghê gớm của nó, cơn bão được coi là lớn nhất trong hơn 10 năm nay tại Bắc Bộ đã gây ra nhiều thiệt hại khôn lường. Nhưng với sự tích cực, chủ động của các đơn vị Cấp Thoát nước phía Bắc, mà điển hình là ba đơn vị nêu trên, ngành CTN sẽ giảm thiểu được tối đa những hệ lụy, sự tàn phá mà cơn bão mang đến, bảo đảm phục vụ, đáp ứng tốt nhất thoát nước, cũng như nhu cầu cung cấp nước cho đời sống xã hội, cho SXKD, và sinh hoạt của người dân.
Thi Nga