Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước

Thủy điện Hòa Bình mở một cửa xả đáy về phía hạ lưu. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Thủy điện Hòa Bình mở một cửa xả đáy về phía hạ lưu. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Với nhiều điểm mới, Luật thể hiện một bước tiến lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Bốn nhóm chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, với 10 Chương và 86 Điều, Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Trong đó, Chính phủ hướng dẫn chi tiết 21 nội dung, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết 7 nội dung của Luật.

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Luật được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra; quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng; điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời, Luật hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế là một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều các nước tiên tiến trên thế giới như: Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Ngoài ra, một nội dung không thể không nhắc đến trong Luật Tài nguyên nước 2023 là khát vọng làm sống lại các “dòng sông chết” ở Việt Nam. Theo đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Một trong những đột phá của Luật nằm ở việc cải cách hành chính. Vì vậy, để tạo ra chuyển biến đột phá trong cải cách hành chính, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh khẳng định, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên nước, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính về tài nguyên nước.

Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh…).

Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong triển khai khi Luật Tài nguyên nước chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng loạt ban hành 2 Nghị định: Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất).

Ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

Để phù hợp với Luật mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phân công các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Tài nguyên nước. Trong đó, Bộ giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước trình Bộ xem xét, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tổ chức các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước tại 3 miền Bắc – Trung – Nam với sự tham gia của 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ. nhằm chỉ rõ những điểm mới, trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên nước…

Nguồn: baotintuc.vn

Các bài viết liên quan