Người dân Nga buộc phải đi sơ tán vì trận lũ lụt lịch sử. Ảnh: Reuters
Trận lũ lụt đã buộc hơn 110.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở dãy núi Ural, Siberia và Kazakhstan của Nga, khi nước trên các con sông lớn như Ural – chảy qua Kazakhstan vào Biển Caspi – tràn các bờ kè.
Người dân ở thành phố Orenburg cho biết nước sông Ural dâng lên rất nhanh, gần như gấp đôi và vượt xa điểm vỡ đê, buộc họ phải sơ tán ngay lập tức chỉ cùng con cái, vật nuôi và một ít đồ đạc thiết yếu nhất.
“Nó đến rất nhanh vào ban đêm” – Taisiya, 71 tuổi, nói với Reuters ở Orenburg, thành phố có 550.000 dân, cách thủ đô Moscow khoảng 1.200 km (750 dặm) về phía đông – “Khi tôi chuẩn bị xong, tôi không thể ra ngoài được”.
Toàn bộ khu vực của thành phố Orenburg đều chìm trong nước. Mực nước sông Ural tăng thêm 32 cm, lên 10,54m, cao hơn 124 cm so với mức được chính quyền địa phương coi là an toàn. Giới chức địa phương cảnh báo mực nước sông sẽ tiếp tục dâng cao hơn nữa.
Lũ lụt đã tấn công vùng Ural của Nga và miền Bắc Kazakhstan ở mức tồi tệ nhất, trong khi nước lũ cũng đang dâng lên ở các khu vực phía Nam của vùng Tây Siberia – lưu vực hydrocarbon lớn nhất thế giới – và ở một số vùng gần sông Volga – con sông lớn nhất châu Âu.
Mực nước cũng dâng cao ở Tomsk – Siberia, nằm trên sông Tom, một nhánh của sông Ob, và ở Kurgan – nằm giữa sông Tobol.
Trận lụt nghiêm trọng trong suốt 70 năm qua. Ảnh: The Moscow Times
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Putin đã và đang được cập nhật thường xuyên về tình hình nhưng hiện tại không có kế hoạch tới thăm khu vực này, trong khi các cơ quan khẩn cấp Nga đang cố gắng đối phó với tình trạng nước dâng cao.
Lũ lụt mùa xuân diễn ra hàng năm tại Nga – quốc gia có diện tích bằng cả Mỹ và Australia cộng lại, khi tuyết mùa đông dày đặc tan chảy, làm nước dâng cao một số con sông hùng vĩ ở Nga và Trung Á.
Tuy nhiên, theo các nhân viên cứu hộ, hiện chưa rõ tại sao tuyết tan năm nay lại khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng như vậy. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn trên toàn thế giới. Họ cho biết đất bị úng trước mùa đông và sau đó bị đóng băng sau những đợt tuyết rơi dày đã tan rất nhanh khi nhiệt độ mùa xuân tăng cao và mưa lớn diễn ra.
Các nhà nghiên cứu khí hậu từ lâu đã cảnh báo rằng nhiệt độ tăng có thể làm tăng tỷ lệ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tại Kurgan, khu vực nằm dọc sông Tobol, mực nước ở Zverinogolovkoye đã dâng cao vượt quá mốc 10m, Thống đốc Vadim Shumkov cho biết khi đến thăm các gia đình sơ tán.
Không chỉ Nga, Kazakhstan cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập lụt. Bộ Tình trạng khẩn cấp Kazakhstan cho biết vào sáng 11/4, số người sơ tán tránh lũ là hơn 97.000 người, và tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực ở 8 khu vực của nước này.
Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Kazakhstan, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp đã bơm hút, điều hướng 8,8 triệu m3 nước khỏi các khu vực bị ngập lụt. Chính phủ Kazakhstan thông tin việc di chuyển bị hạn chế trên hàng trăm km đường ở các khu vực Aktobe, Akmola, Atyrau, Kostanai, Mangistau và Bắc Kazakhstan.
PV