
Nguy cơ băng tan nhanh do dòng hải lưu mạnh nhất thế giới suy giảm
Dòng hải lưu vòng Nam Cực (Antarctic Circumpolar Current) là một dòng chảy theo chiều kim đồng hồ, mạnh gấp 4 lần so với Gulf Stream và kết nối các đại dương Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Dòng hải lưu này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu, có ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ nhiệt và carbon dioxide của đại dương, đồng thời ngăn chặn nước ấm tiếp cận Nam Cực.
Các nhà khoa học đã sử dụng siêu máy tính Gadi – siêu máy tính mạnh nhất của Australia đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Access ở Canberra – để mô phỏng tác động của nhiệt độ, băng tan và gió lên dòng hải lưu này.
Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa lượng nước tan từ các thềm băng Nam Cực và sự suy yếu của dòng hải lưu vòng Nam Cực. Kết quả này được công bố chỉ vài ngày sau một nghiên cứu khác cảnh báo về sự suy giảm của các dòng hải lưu quan trọng tại Đại Tây Dương.
Phó Giáo sư Bishakhdatta Gayen từ Đại học Melbourne, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Kết quả này thực sự đáng lo ngại”. Ông Bishakhdatta Gayen giải thích, khi băng Nam Cực tan, nước lạnh và ít muối hơn sẽ chảy vào đại dương, làm thay đổi mật độ nước – yếu tố then chốt trong việc duy trì dòng hải lưu.
Cũng theo ông Gayen, nếu hệ thống hải lưu này suy yếu nghiêm trọng, hậu quả có thể rất lớn, bao gồm sự gia tăng biến động khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự suy giảm khả năng hấp thụ carbon của đại dương, làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Dòng hải lưu Nam Cực xác định ranh giới của Nam Đại Dương. Ảnh: Andrew Miller.
“Cấp cứu” giải băng chuyền đại dương
Dòng hải lưu quanh Nam Cực hoạt động như một “băng chuyền đại dương” khổng lồ, di chuyển một lượng nước lớn qua Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Mô phỏng cho thấy các tảng băng tan sẽ đổ một lượng lớn nước ngọt vào dòng hải lưu, làm thay đổi độ mặn của nước biển và khiến quá trình tuần hoàn nước lạnh giữa bề mặt và đáy đại dương trở nên khó khăn hơn.
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Taimoor Sohail, đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo rằng sự suy giảm của dòng hải lưu và băng tan sẽ tạo ra một “vòng luẩn quẩn”, trong đó nước ấm dễ dàng tiếp cận thềm băng Nam Cực hơn, đẩy nhanh tốc độ tan băng và làm yếu thêm dòng hải lưu. Điều này cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái đại dương và chuỗi thức ăn, do dòng chảy này có vai trò ngăn chặn các loài xâm lấn như tảo bẹ khổng lồ tiến sâu vào vùng biển Nam Cực.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc giảm lượng khí thải carbon là biện pháp thiết yếu để hạn chế hiện tượng băng tan ở Nam Cực, qua đó giúp duy trì sự ổn định của dòng hải lưu vòng Nam Cực.
Tiến sĩ Edward Doddridge, nhà hải dương học tại Đại học Tasmania, đánh giá nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng, bởi trước đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các phần phía bắc của dòng hải lưu vòng Nam Cực đang tăng tốc do nhiệt độ đại dương gia tăng.
Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Ariaan Purich từ Đại học Monash nhận định các thay đổi lớn đang diễn ra trong hệ thống đại dương quanh Nam Cực. Bà lưu ý rằng băng biển xung quanh lục địa này đã giảm xuống dưới 2 triệu km² vào mỗi mùa hè kể từ năm 2022 – lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận.
Bà Purich nhấn mạnh rằng việc hiểu rõ hơn về biến động của đại dương, cũng như khả năng hấp thụ nhiệt và carbon của nó, sẽ giúp con người dự báo chính xác hơn về khí hậu trong tương lai và thích ứng với những biến đổi này.
Khiêm Anh