Trong khuôn khổ chương trình Roadshow quảng bá SIWW (Singapore International Water Week) 2024, các khía cạnh về khủng hoảng khí hậu và nguồn nước đã được các chuyên gia thảo luận sôi nổi.
Thách thức đối với ngành nước Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội đã chỉ ra 3 thách thức đối với ngành nước Việt Nam. Đó là các hệ lụy từ quá trình công nghiệp hóa với các khu công nghiệp, Biến đổi khí hậu và Thiếu hụt nguồn lực đầu tư.
Theo ông, thách thức lớn nhất mà ngành Nước tại Việt Nam đang phải đối mặt là sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị. Nước là thành phần cốt lõi trong hạ tầng nhưng do sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, những dịch vụ thiết yếu trong đó có nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhiều người.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn. Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt,… Thậm chí có một số địa phương phải di chuyển sang địa phận tỉnh/thành phố khác để lấy nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất do chất lượng và nguồn nước tại địa phương của mình bị suy giảm và thiếu hụt nghiêm trọng.
Thêm vào đó, Việt Nam là nước đang phát triển nên ngành Nước đang rất thiếu nguồn lực và nguồn cung cấp nước có thể tư nhân hóa và huy động các nguồn lực để sinh lời. Tuy nhiên, nước thải hiện nay chỉ nhờ vào ODA và liên doanh để đầu tư, chưa thu hút được nguồn lực tư nhân.
Chia sẻ thêm về những thách thức của ngành Nước Việt Nam, Bà Halla Maher Qaddumi, Chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước, Ngân hàng Thế giới cho biết: Những thách thức được chia theo từng cấp độ và lĩnh vực có liên quan. Hiện nay, nguồn nước tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng và chất lượng. Thêm vào đó là việc hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp chưa được cải tạo chỉnh trang và thiếu nhiều sự tham gia của khu vực tư nhân.
Theo bà Halla, mặc dù Việt Nam vốn được cho là một đất nước có nguồn tài nguyên nước dồi dào, song đang phải đối mặt với tình hình căng thẳng về nước trong mùa khô tại các lưu vực sông trọng điểm, nơi mà cung cấp đến 80% GDP cả nước và tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu trong vài thập kỷ tới không đưa ra những phương pháp khắc phục thích hợp.
Vấn đề cạnh tranh tài nguyên nước ngày càng trầm trọng hơn do năng suất nước thấp trong các lĩnh vực sử dụng nước chính và đặc biệt là ngành công nghiệp tưới tiêu. Bên cạnh đó, việc quản lý nước kém trong nông nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên tác hại của hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. An toàn của đập thủy điện vốn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước cũng là mối quan tâm lớn.
Cũng theo bà Halla, ô nhiễm nguồn nước cũng là một thách thức lớn, đe dọa nền kinh tế quốc gia và mang tới những tác động xấu đến con người và môi trường. Điều này ước tính sẽ giảm 3,5% GDP mỗi năm ở Việt Nam nếu không có những hành động thiết thực để khắc phục tình trạng này. Phần lớn nguyên nhân của ô nhiễm nguồn nước là do nước thải vẫn chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, có rất ít các hộ gia đình có hệ thống thoát nước, trong đó chỉ có 15% nước thải đô thị được xử lý.
Sự biến đổi của khí hậu đang làm gia tăng rủi ro và chi phí do hạn hán và lũ lụt. Ngoài ra, sự thay đổi của dòng chảy môi trường suy giảm và sự gia tăng của khai thác mạch nước ngầm không kiểm soát cũng là mối đe dọa lớn. Khai thác nước ngầm không kiểm soát dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sụt lún đất và chúng đều có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Những thách thức trên cần sự điều phối cấp quốc gia, các tỉnh thành và các khu vực tư nhân, bà Halla cho biết thêm.
Cơ sở hạ tầng nước cũng như nước thải đang dần xuống cấp dẫn đến cung cấp dịch vụ kém và tạo ra những rủi ro mới. Hiện tại cũng đang thiếu nguồn vốn để cập nhật và xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Các khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới và cung cấp vốn cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng của ngành nước. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản khiến các khu vực tư nhân không thể phát huy được vai trò của mình.
Hiện tại, Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ dựa vào sự tăng trưởng nhanh hơn mà còn là tăng trưởng tốt hơn, cần quản lý bền vững tài nguyên nước và cải thiện cung cấp dịch vụ nước cho nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, sinh hoạt,…
Thách thức cũng chính là cơ hội
GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh cho biết, bên cạnh những thách thức là những cơ hội rộng mở cho ngành Nước của Việt Nam. Đó là sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp gắn liền với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng; cần tìm những giải pháp mới để mang nước sạch, nước thô đến các địa phương đang thị thiếu nước; sự cam kết của chính phủ và ý chí chính trị đối với ngành Nước của Việt Nam.
Về cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ông Nguyễn Việt Anh nhận định thị trường ngành Nước trong nhiều năm tới trị giá 20 tỷ USD đến 30 tỷ USD. Theo báo cáo của UNICEF, ước tính chi phí 8 tỷ USD đó là khả năng có thể huy động đầu tư cho nước sạch. Nhưng những dự án lâu dài đầu tư cho lĩnh vực nước cấp và nước thải trong công nghiệp hiện nay đang thiếu.
Cần tìm cách đưa nước thô và nước sạch từ các nơi khác đến các địa phương thiếu nước bên cạnh sử dụng các công nghệ mới. Sự cam kết của chính phủ và ý chí chính trị đối với ngành nước Việt Nam ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ. Hiện tại, bộ luật cho ngành Cấp Thoát nước đang được xây dựng và sang năm 2025 sẽ đưa vào có hiệu lực, ông Nguyễn Việt Anh chia sẻ thêm.
Có thể thấy rõ của ngành Nước của Việt Nam đang phải đối mặt với những cơ hội lớn song hành với những thách thức khó khăn. Do đó cần tìm ra những giải pháp cho những vấn đề còn tồn đọng và có phương án ứng phó với những khó khăn và hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
An Nhiên