Nước trong các cuộc chiến

Không chỉ cắt đường tiếp tế đồ ăn, mà ngay cả việc cắt đường tiếp tế nước cũng sẽ khiến cho địch thủ “thất điên bát đảo”. Như trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, quân ta bao vây nhiều ngày, đào hệ thống hào siết chặt trung tâm tập đoàn cứ điểm, chia cắt đường băng khống chế sân bay, khiến không quân Pháp không thể hạ máy bay tiếp tế, thả dù cũng phần nhiều rơi vào trận địa của ta. Do đó, sức chiến đấu của quân Pháp giảm sút, tinh thần cũng nhanh chóng kiệt quệ.

Nước trong các cuộc chiến - Ảnh 1.

Trong hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, do kho lương thực của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm bị pháo kích ta bắn nổ tung, bộ chỉ huy của tướng Christian de Castries phải công bố từ ngày 29/4/1954 khẩu phần của mỗi thành viên phải giảm xuống một nửa. Quân Pháp đã lâm vào cảnh chịu đói.

Hồi ký của Đại tướng viết: “Sau khi khép chặt vòng vây, các tổ bắn tỉa thiện xạ tìm những vị trí bất ngờ, không tha bất cứ một tên địch nào ló đầu ra khỏi công sự. Việc đi lấy nước dưới sông Nậm Rốm trở thành vô cùng khó khăn. Có những tên địch ở ngay bờ sông cũng không dám xuống lấy nước. Chúng ngồi trong công sự quăng những chiếc can xuống sông, rồi dùng dây kéo lên. Chiến sĩ ta bắn tỉa bắn vào can. Chúng chỉ thu về chiếc can rỗng”. Không có nước, tất yếu quân Pháp phải sống trong cảnh khát nước, thiếu nước sinh hoạt, rất khổ sở.

Hiện ở Bảo tàng chiến thắng Điện Biên vẫn đang trưng bày chiếc bồn tắm của tướng de Castries, với chú thích hiện vật này thu được trong hầm chỉ huy, nên chúng ta đoán rằng de Castries hàng ngày đã phải tắm ngay trong hầm ngầm sâu dưới lòng đất. Có lẽ vì là tướng chỉ huy, ông ta được ưu tiên phục vụ đủ nước cho các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, kể cả tắm rửa. Nhưng với binh lính, suốt cả ngày đêm phải chui nhủi dưới chiến hào, trong các căn hầm, thiếu ăn, thiếu nước, nên số phận của họ đã như cá nằm trên thớt, chỉ đếm ngược đến ngày 7/5/1954 thất bại hoàn toàn trước sức tấn công vũ bão của bộ đội Việt Nam.

Việc bao vây chặn đường lấy nước của đối phương được quân sử Việt Nam ghi lại khá nhiều. 

Thời chiến tranh giữa chúa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn giai đoạn 1771-1802, bộ sử nhà Nguyễn “Đại Nam thực lục” cho biết, năm 1787 Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân đánh Ngự úy của Tây Sơn là Nguyễn Văn ở Ba Lai. Nguyễn Ánh đã cử thêm Hồ Văn Bôi, Nguyễn Văn Trị, Trương Phước Giáo và Nguyễn Văn Tồn cùng đi với Lê Văn Quân đến ngoài đồn Ba Lai, phục kích dưới gầm cầu. 

Khi trời tối, quân Tây Sơn có vài người ra lấy nước, Lê Văn Quân cho vây bắt tra hỏi, biết được tên họ và mật hiệu xong, đã giết họ đi, rồi cùng với bọn Hồ Văn Bôi dùng mật hiệu đó mà vào được đồn. Đến đêm, khi binh lính đối phương đang uống rượu, nhóm của Lê Văn Quân ở trong đồn phóng lửa đốt, khiến quân Tây Sơn rối loạn. Lê Văn Quân nhân cơ hội đó, chạy thẳng vào trướng chủ tướng chém chết Nguyễn Văn. Quân chúa Nguyễn bên ngoài cũng ập đến đánh, quân Tây Sơn tan vỡ, quân Nguyễn thu được ghe thuyền khí giới rất nhiều, bèn thừa thắng tiến đóng ở Mỹ Tho.

Nước trong các cuộc chiến - Ảnh 2.

Đến năm 1794, xảy ra tình hình ngược lại, khi tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu vây quân Nguyễn ở thành Diên Khánh (Khánh Hòa ngày nay) và cắt đứt đường lấy nước của quân trong thành. Tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh sai quân phản công, nhưng quân Tây Sơn vẫn lăn sát vào để lên thành, rồi vì bị ở trong bắn ra rát qua, đã ở ngoài đắp lũy cao vây bốn mặt. 

Do đó, quân trong thành không chỉ thiếu nước mà còn thiếu muối, tướng sĩ ăn uống rất khổ. Võ Tánh lấy điều trung nghĩa mà khuyến khích, mọi người đều xin cố chết chống cự, rồi sau đó ông cho mộ những người cảm tử, nhân đêm lọt vây đi cầu cứu Nguyễn Ánh.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bộ đội Việt Nam vẫn luôn có những biện pháp sáng tạo để đem nước theo phục vụ sinh hoạt, từ đựng vào túi da, túi nilon, ống tre, nứa, cho đến gùi mây lót nilon. Đặc biệt, chiếc mũ cối gắn bó với “bộ đội Cụ Hồ” vẫn thường được nhớ đến như một dụng cụ lấy nước rất tiện lợi mỗi khi hành quân qua sông, suối… Chiếc mũ cối không chỉ giúp bộ đội múc nước uống, lấy nước về nồi nấu cơm canh, mà còn có thể làm vật dụng để tắm rửa, gội đầu.

Một vật dụng nữa gắn bó mật thiết với người lính Trường Sơn là chiếc bi đông. 

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện trưng bày nhiều bi đông gắn với các nhân vật, câu chuyện khác nhau. Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam Lê Mã Lương cũng lưu giữ cho mình một chiếc bi đông gắn với những kỉ niệm thời chinh chiến. Chiếc bi đông đựng nước này ông đã trao cho Đại đội trưởng Đinh Đình Bình uống giữa Chiến dịch Thượng Đức năm 1974.

Nước trong các cuộc chiến - Ảnh 3.

Khi đó, ông Lê Mã Lương là Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 2, Sư đoàn 304, còn Lê Đình Bình là Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, đang nỗ lực chốt giữ vị trí trước sự tấn công quyết liệt của quân địch. 

Ông Lương kể lại, khi thấy bi đông nước của Đinh Đình Bình đã bị đạn địch bắn thủng, ông đã trao chiếc bi đông nước của mình cho anh, nhưng anh chỉ uống từng ngụm nhỏ một rồi nói: “Em hết khát rồi. Anh kiểm tra ai khát sẽ cho anh em uống”, khiến Lê Mã Lương vô cùng cảm động, liên tưởng ngay đến những câu trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Đến sáng ngày 6/11/1974, cả đơn vị bàng hoàng nghe tin Đại đội trưởng Đinh Đình Bình đã hy sinh khi chỉ huy đại đội phản kích quân dù. Chiếc bi đông từng được anh Bình và Đại đội 10 chuyền tay nhau uống, ông Lê Mã Lương đã giữ như báu vật suốt cả cuộc chiến tranh.

Từ thực tế của cuộc chiến khốc liệt, chiếc bi đông đã đi vào thơ ca. Một cựu chiến binh chống Mỹ từng vượt dải Trường Sơn đã viết cho cháu những vần thơ tình cảm như sau:

Chuyện kể cái bi đông

Ngày xưa ông ra trận

Bên hông thắt bi đông

Hành quân khát, ông uống

Dẻo dai, nước mát lòng.

Thuở ấy ở Trường Sơn

Đựng đường ướp dâu quả

Bên mình vẫn bi đông

Thành rượu uống thơm nồng.

Bi đông chứa trong lòng

Phúng phính má căng phồng

Rượu ngon như thế đó

Béo tròn bi đông nhôm.

Liên hoan vui tưng bừng

Bi đông tuôn rượu mừng

Chiến công reo vang dội

Rung đại ngàn Trường Sơn!

Chuyện vậy đó cháu ơi

Cái bi đông đẹp đời

Tầm thường mà kỳ diệu

Kể lại còn thấy vui!

Cháu nghe có thích không

Chuyện kể cái bi đông

Thả hồn cháu mơ tưởng

Người xẻ dọc Trường Sơn!

Tác giả:

Lê Tiên Long

Các bài viết liên quan