SAWACO là một trong những đơn vị được vinh danh tại Vietnam Water Week 2024
Đơn vị tối ưu hóa vận hành, bảo trì và dự báo nhu cầu nước qua phân tích dữ liệu, kiểm soát toàn diện hệ thống theo thời gian thực, điều phối hiệu quả nhà máy và mạng lưới cấp nước.
Khách hàng luôn là trung tâm
Theo Phó Tổng Giám đốc SAWACO Đặng Đức Hiền, SAWACO là đơn vị sản xuất và cấp nước cho hơn 11 triệu người dân sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Hiện nay, năng lực sản xuất nước sạch của đơn vị là 2,4 triệu m3/ngày. Tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước sạch là 2,5 triệu hộ dân (đạt tỷ lệ 100%). Đến nay, chiều dài mạng lưới cấp nước của ngành cấp nước thành phố gần 11.000km.
Nhằm đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia, SAWACO đã tiến hành xây dựng và sử dụng phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025. Đơn vị triển khai giám sát chất lượng nước online từ nguồn nước thô, tại nhà máy và trên mạng lưới cấp nước. SAWACO cũng nâng cấp công nghệ xử lý nước, hướng tới mô hình thân thiện môi trường với công nghệ lọc sinh học, than hoạt tính, và khử trùng UV. Ngoài ra, các nhà máy còn áp dụng mô hình tuần hoàn, tái sử dụng nước, như tái tuần hoàn nước rửa lọc và nước sau xử lý bùn thải.
“Đơn vị hiện đại hóa hệ thống cấp nước bằng SCADA, NOC và chuẩn bị khánh thành Trung tâm vận hành tổng thể. Đồng thời, ứng dụng công nghệ như SAWAGIS, phần mềm thủy lực, đồng hồ nước thông minh, và phân vùng tách mạng DMA giúp giảm thất thoát nước. Nhờ vào việc không ngừng phấn đấu nỗ lực, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp tỷ lệ thất thoát nước hiện chỉ còn khoảng 13%”, ông Hiền cho biết.
Cùng với quan điểm lấy khách hàng là trung tâm, SAWACO đã xây dựng các Trung tâm chăm sóc khách hàng, phát triển mạnh mẽ các ứng dụng dịch vụ khách hàng, hợp đồng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khi có nhu cầu giao dịch với đơn vị cấp nước.
Hướng tới tầm nhìn dài hạn
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Cấp Thoát nước sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025. Phó Tổng Giám đốc SAWACO Đặng Đức Hiền đánh giá đây là cơ hội phát triển cho các đơn vị cấp nước Việt Nam, cũng chính là tạo ra hành lang pháp lý để ngành cấp nước hoạt động và phát triển thuận lợi. Đồng thời giúp nâng tầm vị thế ngành cấp nước trong tổng thể các hoạt động kinh tế – xã hội tại Việt Nam, trong đó có SAWACO.
Nhằm thích ứng với điều kiện thực tính và đời sống kinh tế – xã hội, SAWACO đã xây dựng tầm nhìn dài hạn qua nhiều thế hệ và đạt nhiều thành tựu trong phát triển hạ tầng cấp nước. Cùng với đó, SAWACO đạt được một số kết quả chính trong phát triển hạ tầng cấp nước TP.HCM.
Tuy nhiên, đơn vị cũng phải đối mặt với các thách thức như đảm bảo an ninh nguồn nước trước biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước thô. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, yêu cầu cao về chất lượng sống và dịch vụ cấp nước, cùng hệ thống cấp nước chưa đồng bộ cũng đặt ra nhiều áp lực.
“SAWACO đã định hướng sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm đến năm 2030 như: điều chỉnh quy hoạch cấp nước đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để phù hợp thực tiễn và bối cảnh phát triển”, ông Hiền chia sẻ.
Được biết, cùng với đó là hướng đến khai thác nước bền vững thông qua tăng công suất cấp nước lên 3,6 triệu m3/ngày (đến năm 2030), thì đơn vị đã xây dựng thêm 4 nhà máy nước mới. Tăng năng lực ứng phó, dự trữ nguồn nước gồm: xây dựng các cụm hồ chứa nước thô (dung tích đến 10 triệu m3); trạm bơm nước thô (630.000m3/ngày); tuyến truyền tải nước thô 15-20km.
“Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với tất cả các hoạt động như công nghệ quản lý nước thất thoát thất thu; mở rộng khu vực đồng hồ nước thông minh cũng đã và đang được đơn vị triển khai thực hiện”, ông Hiền thông tin.
Hiện nay, SAWACO cũng định hướng phát triển mạng lưới cấp nước gồm xây dựng các hệ thống truyền tải nước sạch khoảng 80km; xây dựng hệ thống các bể chứa nước sạch và trạm bơm tăng áp để thực hiện điều tiết và dự trữ, dung tích từ 1,6-2,1 triệu m3; hoàn thiện hệ thống phân phối như phân vùng tách mạng, kiểm soát tỷ lệ nước thất thoát, cải tạo hướng đến uống nước trực tiếp tại vòi.
PV