Sáng 3/3/2024, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện.
Cuộc gặp mặt này là dịp để lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, với tinh thần mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn.
Trong số 130 doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu tham dự hội nghị, ngành Cấp Thoát nước có 10 đại diện, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Công ty CP Cấp nước Sông Chu Thanh Hoá, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty CP – Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương, Công ty CP Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu.
Doanh nghiệp nhà nước là động lực tăng trưởng kinh tế
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị nhằm bàn các công việc liên quan tới hoạt động của danh nghiệp nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2024 và các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta chỉ còn 2 năm để thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ này và trong năm 2024 là năm tăng tốc phát triển, chủ đề điều hành được Chính phủ xác định là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”.
Theo Thủ tướng, năm 2023 là năm khó khăn chung của thế giới, trong đó có Việt Nam và của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhà nước nói riêng do hậu quả COVID-19 kéo dài, các cuộc xung đột, cạnh tranh chiến lược gay gắt, chính sách tiền tệ nhiều nước thay đổi, lạm phát tăng cao, cầu giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy… Mặt khác, Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế nhưng độ mở cao, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong vòng kiểm soát. Quy mô nền kinh tế tăng lên khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực, những kết quả đạt được của các doanh nghiệp nhà nước, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của đất nước. Các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã phát huy vai trò trong khó khăn, thách thức, trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn; bảo toàn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn; bảo đảm đời sống người lao động và tham gia bảo đảm an sinh xã hội…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình liên quan phát triển doanh nghiệp nhà nước, những thuận lợi và khó khăn hiện nay; phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước góp phần để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo; các giải pháp để khai thác hiệu quả hơn nữa tài sản, nguồn vốn rất lớn đang có tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là giải pháp đầu tư; làm mới các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để doanh nghiệp nhà nước đi đầu, dẵn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức) để phát huy tối đa khả năng của các doanh nghiệp nhà nước; đóng góp thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước về 3 nội dung lớn (về quản trị, con người, bộ máy; về sử dụng nguồn vốn; về chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào); cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nhau phát triển chứ không triệt tiêu lẫn nhau; làm tốt hơn nữa việc tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội (như phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc sắp tới); đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Nắm giữ tổng tài sản 3,82 triệu tỉ đồng
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước là 3,82 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2022; tổng vốn chủ sở hữu là 1,8 triệu tỉ đồng. Khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con có tổng tài sản 3,51 triệu tỉ đồng; vốn chủ sở hữu là 1,6 triệu tỉ đồng.
Tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp là 1,69 triệu tỉ đồng. Tổng doanh thu đạt 1,6 triệu tỉ đồng, lãi phát sinh trước thuế là 125.847 tỉ đồng, nộp ngân sách là 166.218 tỉ đồng.
Tuy vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Một số doanh nghiệp bị thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp quy mô lớn còn hạn chế. Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm. Các dự án mới của doanh nghiệp Nhà nước được triển khai và thực hiện còn ít, hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng./.
Khiêm Anh