Thúc đẩy công tác Bình đẳng giới trong ngành Nước

TS. Hạ Thúy Hạnh chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong Hội thảo BDG tại Vietnam Water Week 2024

TS. Hạ Thúy Hạnh chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong Hội thảo BDG tại Vietnam Water Week 2024

Đối với các ngành kỹ thuật đặc thù như ngành Nước, phần lớn nam giới được cho là phù hợp hơn nữ giới do tính chất công việc đặc biệt. Do đó, khi nữ giới hoạt động và làm việc trong lĩnh vực này sẽ có những rào cản nhất định cản trở vai trò, năng lực của nữ giới và hạn chế tiềm năng tối đa của họ. 

Trong khi đó, các chuyên gia về giới cho biết, đã có những bằng chứng cụ thể về sự phát triển hiệu quả của kinh tế doanh nghiệp tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng nữ giới giữ những vai trò quan trọng trong quản lý và sử dụng cán bộ ngành Nước.

Để làm rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của BDG trong ngành Nước, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có trao đổi với TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường thuộc Hội Cấp Thoát nước Việt Nam.

PV: Thông qua khảo sát chuyên sâu về Bình đẳng giới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA), bà thấy còn có những vấn đề nào đang tồn đọng?

TS. Hạ Thúy Hạnh: Trong năm 2024 vừa qua, VWSA đã ký kết hợp tác với ngân hàng ADB thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về khoảng trống về BDG tại các doanh nghiệp ngành nước. Từ đó đưa ra đánh giá và đề xuất giải pháp, đây là vấn đề vô cùng quan trọng vì hiện tại, VWSA đang trong quá trình tham gia xây dựng Luật Cấp thoát nước. Tôi cho rằng công tác nghiên cứu chuyên sâu đóng vai trò quan trọng vì thông qua các đánh giá sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp về BDG và góp tiếng nói trong việc triển khai xây dựng Luật Cấp thoát nước. Đồng thời hy vọng các giải pháp kiến nghị về BĐG trong ngành Nước sẽ được luật hóa để phổ biến và triển khai ở các doanh nghiệp và địa phương.

Khảo sát chuyên sâu đã được thực hiện trên 45 công ty, doanh nghiệp ngành Nước. Thông qua khảo sát cho thấy, tại các doanh nghiệp, chưa có nhiều hoạt động cho thúc đẩy BĐG, chưa xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể hằng năm cho thúc đẩy BDG.

Ngành Cấp Thoát nước là ngành bị ảnh hưởng và tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu. Việc áp dụng công nghệ vào công tác sản xuất nước mặt, nước ngầm là một trong những giải pháp mới trong sự phát triển của Ngành. Tuy nhiên, điều đó đã khiến cho nữ giới gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị công nghệ và chưa có đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng về thiết bị công nghệ. Vì thế, chưa có chính sách, chiến lược BDG là một sự thiệt thòi dành cho phụ nữ.

Theo khảo sát tại các doanh nghiệp, tỷ lệ lãnh đạo nữ tại các doanh nghiệp ngành Nước chỉ chiếm 12,3%. Với tỷ lệ đó thì vẫn chưa cân đối trong chiến lược BDG quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng và có chính sách thúc đẩy BĐG hằng năm, đưa ra các chỉ số đánh giá của BĐG và không phân biệt giới trong vấn đề phân công lao động cũng như là các vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm.

Chúng tôi cũng đánh giá rằng VWSA nên xây dựng khung chiến lược BDG cho ngành Nước, để cho các công ty, doanh nghiệp trong ngoài nước làm cơ sở thực hiện. Đồng thời chỉ số về giới là chỉ số rất quan trọng để mà đánh giá tác động xã hội trong sản xuất cũng như kinh doanh nước hiện nay. Vì vậy chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, có lẽ là cũng nên ưu tiên để xây dựng các chỉ số giới, coi chỉ số giới như là một chỉ số ưu tiên trong vấn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ cho người lao động. Chẳng hạn, trong việc hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng như ADB hay World Bank (WB) thì chỉ số giới cũng nên là một chỉ số đưa vào trong việc đánh giá năng lực của các doanh nghiệp.

Vừa qua, trong khuôn khổ sự kiện Việt nam Water Week 2024, Câu lạc bộ Lãnh đạo nữ ngành Nước đã được thành lập. Tôi nghĩ rằng đây là một điểm sáng trong vấn đề tổ chức triển khai thực hiện những chương trình về BDG và gắn với các khung đánh giá về BDG. Chúng tôi hy vọng xây dựng kế hoạch cũng như là các quy chế hoạt động để làm sao nâng cao vai trò, hiệu quả của các lãnh đạo nữ ngành Nước; Đồng thời đó cũng là cơ sở để đề xuất cho các lãnh đạo về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm các nữ cán bộ, viên chức để lựa chọn vị trí lãnh đạo; Thông qua đó chúng tôi hy vọng là nhiều hoạt động triển khai cũng như những hoạt động chia sẻ và giao lưu giữa các tỉnh với nhau sẽ mang lại những hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Thúc đẩy công tác Bình đẳng giới trong ngành Nước- Ảnh 1.

Hội thảo về Bình đẳng giới do TS. Hạ Thúy Hạnh chủ trì thu hút đông đảo sự quan tâm của các đại biểu và khán giả

PV: Theo bà, cần có những chính sách gì dành cho BDG trong ngành Nước nói riêng và với những ngành kỹ thuật đặc thù nói chung?

TS. Hạ Thúy Hạnh: Qua khảo sát tại một số các doanh nghiệp ngành Nước vừa qua, chúng tôi thấy rằng công tác BDG cũng đã được phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức triển khai vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, chúng tôi đề nghị rằng thời gian tới, vấn đề BDG cần được quan tâm hơn nữa từ công tác bồi dưỡng, đào tạo đến bổ nhiệm cán bộ nữ sao cho đảm bảo tỷ lệ nữ giới tham chính.

Tiếp đến, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch BDG hằng năm. Xây dựng các tiêu chí, chỉ số đánh giá là cơ sở để xây dựng chiến lược BDG. Việc xây dựng và tham gia thực hiện kế hoạch BDG không chỉ dành cho các lao động nữ mà còn bình đẳng cho các lao động nam và các lãnh đạo nam tại nơi làm việc. Vì vậy, việc các cơ quan, đơn vị ngành Nước thúc đẩy thực hiện các chính sách, dự án BDG trong thời gian sắp tới là điều vô cùng quan trọng. Hiểu được tầm quan trọng đó thì VWSA sẽ có sự hỗ trợ cũng như vấn đề xây dựng chiến lược và kế hoạch BDG hằng năm cho các đơn vị, doanh nghiệp.

PV: Với vai trò là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Lãnh đạo nữ ngành Nước Việt Nam, bà mong muốn như thế nào về vai trò của CLB trong công tác thúc đẩy BDG trong các doanh nghiệp ngành Nước?

TS. Hạ Thúy Hạnh: Với vai trò là Phó Chủ tịch CLB Lãnh đạo nữ ngành Nước Việt Nam vừa được ra mắt trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Water Week 2024 vừa qua, tôi thấy đây là một điều may mắn dành cho lao động nữ cũng như lãnh đạo nữ trong ngành Nước. 

CLB được thành lập dựa trên cơ sở các CLB Lãnh đạo nữ ngành nước tại các khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Bắc và miền Nam. CLB lựa chọn các nữ lãnh đạo tại các đơn vị, doanh nghiệp ngành Nước tại từng khu vực. Thành viên của câu lạc bộ là các lãnh đạo nữ với nhiều vị trí khác nhau: Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, CEO,… của các doanh nghiệp ngành Nước. Tôi cùng các Chủ tịch CLB hy vọng CLB sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm và tham gia của các lãnh đạo nữ tại các doanh nghiệp, đơn vị ngành Nước tại nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam.

Về vai trò của CLB, đầu tiên là vai trò kết nối. Kết nối để làm sao thấu hiểu được những nguyện vọng CLB sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy sao cho các lãnh đạo nữ thể hiện vai trò tại nơi làm việc cũng như có tiếng nói với các đồng nghiệp nam. Từ đó sẽ phát huy hơn nữa vai trò của lãnh đạo nữ tại cơ quan, đơn vị. Bởi thông qua khảo sát, nhóm nghiên cứu thấy rằng các doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ nếu triển khai tốt công tác thúc đẩy BDG thì không chỉ hoàn thành tốt công tác sản xuất kinh doanh mà công tác xã hội hóa cũng sẽ hoàn thành tốt. Quan trọng hơn nữa là nếu hoàn thành tốt công tác bình đẳng giới thì hiệu suất kinh tế sẽ được nâng cao vì lượng khách hàng nữ sử dụng nước rất nhiều. Các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh nước thì đều có đối tượng khách hàng là nữ giới. Vì thế, việc lao động nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo thì sẽ dễ dàng thấu hiểu được những nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng nữ.

CLB sẽ là nơi kết nối giúp cho các nữ cán bộ, lãnh đạo có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi sao cho các nữ lãnh đạo sẽ được học hỏi nhiều hơn nữa cả về kiến thức và kỹ năng cũng như vấn đề quản lý. Bên cạnh đó, CLB cũng sẽ lên kế hoạch luân phiên kết nối và tổ chức họp thường niên 3 tháng 1 lần nhằm xây dựng những chương trình nhằm kết nối và tạo ra một diễn đàn dành cho cán bộ nữ, lãnh đạo nữ; khuyến khích, khích lệ lao động nữ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý trong đơn vị ngành Nước. Điều này đã phần nào động viên lao động nữ mạnh dạn bày tỏ chính kiến cũng như khả năng của mình trong lĩnh vực được cho là dành cho nam giới như ngành Nước.

Việc thành lập CLB đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy BDG tại nơi làm việc. Đồng thời là cơ sở để cho lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn xem xét và bổ nhiệm lao động nam nữ vào các vị trí cao hơn như quản lý, lãnh đạo cần có sự đánh giá công bằng. Từ đó, lãnh đạo nữ và lao động nữ sẽ có tiếng nói hơn tại nơi làm việc.

Cuối cùng, thông qua các hoạt động của CLB thì các hoạt động giao lưu, kết nối và hợp tác quốc tế trong vấn đề BDG sẽ được tổ chức và phát triển trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tường Thư

Các bài viết liên quan