Lãnh đạo VWSA gặp gỡ và làm việc với đại diện chương trình TVET
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA; bà Hạ Thanh Hằng, Phó Chủ tịch VWSA cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc VWSA: Viện nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng ngành Nước và Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.
Phía TVET có bà Maria Zandt – Phó Giám đốc Chương trình TVET Việt Nam và ông Phạm Văn Nhân – Cán bộ chương trình tham dự cuộc họp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp đánh giá cao hiệu quả hợp giữa VWSA với TVET trong thời gian vừa qua, đồng thời đánh giá cao nội dung hợp tác lần này về Xử lý nước thải (XLNT). Mặt khác, ông cho biết thêm vấn đề XLNT là vấn đề trọng điểm trong ngành Nước nhưng kiến thức về nó chưa được phổ biến rộng rãi. Do đó, ông kỳ vọng lần hợp tác này với TVET về phổ biến kiến thức về XLNT cho cộng đồng sẽ thuận lợi và hiệu quả. Ngoài ra, VWSA sẵn sàng hỗ trợ TVET thực hiện triển khai công tác đào tạo và phổ biến kiến thức XLNT tại Việt Nam.
Chương trình hợp tác kỹ thuật chung Việt Nam – Đức “Đổi mới Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam II” (Chương trình đào tạo nghề) nhằm mục tiêu điều chỉnh Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam phù hợp hơn so với sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức và nguồn vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Các cơ quan thực hiện là Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MoLISA). Một trong những hợp phần của chương trình là hỗ trợ Việt Nam đưa mô hình hợp tác đào tạo nghề của Đức vào áp dụng tại Việt Nam. Nghề “Kỹ sư thoát nước và XLNT” là một trong những ngành nghề được lựa chọn để áp dụng mô hình này.
Chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật nước thải được xây dựng và thí điểm từ năm 2014-2020. Chương trình đào tạo này hiện đang được triển khai tại 3 trường đối tác: Trường Cao đẳng Công nghệ II (HVCT), Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Xây dựng số 1 (CTC1).
Chương trình đào tạo được thực hiện với sự hợp tác của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XLNT. Sinh viên dành thời gian học thực hành trong khuôn khổ các kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng gửi nhân viên của mình tham gia đào tạo nâng cao tại các trường dạy nghề, nơi cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn và đào tạo ở trình độ sơ cấp và trình độ cao đẳng.
Xây dựng các chương trình về “xử lý nước thải” hướng tới cộng đồng
Xử lý nước thải ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước. Đây không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp, đơn vị ngành nước mà còn cần sự quan tâm của cả cộng đồng.
Trao đổi tại cuộc họp, phía TVET giới thiệu 2 chương trình hướng tới hai đối tượng đó là chương trình “Cộng đồng thực hành” trong XLNT hướng tới các doanh nghiệp ngành Nước và Cuộc thi “Anh hùng nước” hướng tới đối tượng học sinh phổ thông.
Giới thiệu về chương trình “Cộng đồng thực hành” trong XLNT, bà Maria Zandt cho biết, Cộng đồng thực hành (CoP) là một nhóm người “có cùng mối quan tâm hoặc niềm đam mê đối với điều gì đó họ làm và mong muốn được học cách làm điều đó tốt hơn khi họ tương tác thường xuyên”.Các hoạt động của CoP có thể được coi là một phần thiết yếu của quản lý tri thức.
CoP trong quản lý nước thải là cộng đồng tham gia tự nguyện của các đơn vị vận hành cơ sở XLNT hoặc các tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và bảo trì mạng lưới nước thải trong một khu vực và được tổ chức, điều phối hoạt động bởi một hiệp hội phù hợp. Cộng đồng này nhằm mục đích thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển quản lý nước thải, vận hành chuyên nghiệp và an toàn của các cơ sở quản lý nước thải.
Bên cạnh chương trình “Cộng đồng thực hành” trong XLNT, TVET cũng tổ chức Cuộc thi sáng tác truyện tranh “Anh hùng nước”. Cuộc thi Vẽ truyện tranh nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ Việt Nam về chủ đề ô nhiễm nước và tầm quan trọng của tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Học sinh cũng sẽ học thông qua công việc sáng tạo của mình về ‘Trở thành anh hùng nước’ về cơ hội làm việc trong lĩnh vực nước. Thông qua cuộc thi học sinh được nâng cao nhận thức về trách nhiệm và tính chất công việc trong lĩnh vực nước và nước thải. Sinh viên phát triển những ý tưởng và giải pháp cụ thể về cách bảo vệ, làm sạch và tái sử dụng tài nguyên nước, xây dựng môi trường xanh, sạch và đẹp.
Hai chương trình trên của TVET đã cho thấy sự quan tâm của TVET đối với vấn đề XLNT và mong muốn phổ biến kiến thức về XLNT cho cộng đồng. Điều này góp phần giúp cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của XLNT và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo VWSA đã đánh giá cao nội dung và thông điệp của hai chương trình trên và sẵn sàng hỗ trợ TVET thực hiện triển khai. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo về XLNT là vấn đề mà Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng ngành nước Việt Nam thuộc VWSA luôn quan tâm và mong muốn thực hiện nhằm phổ biến kiến thức về xử lý nước thải tới các hội viên của Hội.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Hạ Thanh Hằng, Phó Chủ tịch VWSA đã chỉ ra 3 nhiệm vụ chính trong việc hợp tác lần này với TVET. Đầu tiên là về phía các công ty hoạt động trong lĩnh vực XLNT cần được tìm hiểu và chia sẻ về các công nghệ, thiết bị tiên tiến. Tiếp đến là cần lan tỏa rộng khắp những kiến thức về XLNT đến với cộng đồng. Cuối cùng, cần tổ chức, xây dựng những chuyến tham quan, thực địa tại các nhà máy, cơ quan sẽ thực hiện triển khai chương trình. Mặt khác, phía TVET cần xây dựng một lộ trình thực hiện cụ thể, sau đó sẽ đưa ra đề xuất và từ đó, hai bên sẽ bàn bạc thêm và đưa ra thống nhất cụ thể trong việc triển khai chương trình.
Phía TVET đã bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ và hợp tác với VWSA, đồng thời bày tỏ mong muốn sự hợp tác này sẽ diễn ra suôn sẻ và thuận lợi, hiệu quả. Về phía VWSA, Hội sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ TVET trong quá trình thực hiện và triển khai các chương trình tại Việt Nam.
Tường Thư