Quân khu 9 cử Lữu đoàn vận tải vận chuyển 1.700m3 nước sạch cùng nhiều dụng cụ chứa, dự trữ nước cho người dân Cà Mau đang khó khăn về nguồn nước sinh hoạt
Kích hoạt gói cứu trợ người dân thiếu nước ngọt
Ngày 9/4/2024, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã kích hoạt gói cứu trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau.
Chương trình tập trung vào hoạt động cấp phát tiền mặt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kết hợp nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.
Nội dung công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đoạn: “Chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân”.
Bước đầu có hơn 1.000 hộ gia đình tại 4 xã: Khánh An, Khánh Thuận của huyện U Minh; Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch của huyện Thới Bình sẽ được hỗ trợ tiền mặt vào hai đợt. Đợt đầu trong tháng 4/2024 và đợt thứ hai trong tháng 5/2024 với tổng số tiền trên 5,4 tỉ đồng. Đối với hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên được hỗ trợ 6 triệu đồng.
Thống kê sơ bộ toàn tỉnh Cà Mau có hơn 2.600 hộ dân bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Trong đó có hơn 1.700 hộ đặc biệt khó tiếp cận nguồn nước do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, cầu đường bộ bị sụt lún, giao thông bị chia cắt
Kịp thời chia sẻ khó khăn với địa phương và người dân vùng bị thiếu nước sinh hoạt, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo cho Lữ đoàn Vận tải 659 – Cục Hậu cần Quân khu, tổ chức 3 tàu vận tải xuất phát từ TP Cần Thơ vận chuyển gần 1.700m3 nước sạch cùng các dụng cụ chứa, trữ nước như bồn nhựa, thùng nhựa, can để cung cấp miễn phí cho bà con.
Thượng tá Nguyễn Phú Khang, Chính ủy Lữ đoàn Vận tải 659, Cục Hậu cần Quân khu 9 cho biết: Trong đợt này có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ kết hợp cùng với lực lượng vũ trang, đoàn thể địa phương tổ chức vận chuyển nước sạch cùng các dụng cụ chứa, trữ nước như bồn nhựa, thùng nhựa, can để cung cấp miễn phí cho bà con.
Tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn
Cơ quan Dự báo thời tiết Quốc gia thông tin: Từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại ĐBSCL có thể xuất hiện 03 đợt xâm nhập mặn: Từ ngày 08 đến 13/4, từ ngày 22 đến 28/4 và từ ngày 07 đến 11/5/2024. Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra. Nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Trước diễn biến phức tạp và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất tại địa phương; Cùng với triển khai các giải pháp ứng phó hữu hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh vừa ký Quyết định số 556/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn làm thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, việc công bố sớm tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô lần này nhằm mục đích để các sở, ngành, địa phương chuẩn bị trước phương án ứng phó một cách hiệu quả, hợp lý.
Chủ động ứng phó và thích nghi với hạn mặn, không để bị động trong việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xây dựng và triển khai phương án dùng sà lan vận chuyển nước ngọt từ phía thượng lưu sông Tiền về trữ trong hai ao chứa ở huyện cù lao Tân Phú Đông có tổng dung tích 182.000 m3 nhằm cung cấp nước ngọt phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn 2023 – 2024.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Toàn vùng ĐBSCL hiện còn khoảng 30% trên tổng số 18.000 công trình nước sạch nông thôn hoạt động chưa hiệu quả. ĐBSCLcó khoảng 50.000 gia đình thiếu nước sạch và phải sử dụng rất nhiều giải pháp để đảm bảo có nước sinh hoạt. Vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nước hợp quy chuẩn quốc gia. Do đó, để đảm bảo bình đẳng trong sử dụng nước, người thành phố hay nông thôn đều phải có nước hợp quy chuẩn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Nước là nguồn tài nguyên hữu hạn. Việt Nam là quốc gia thiếu nước ngọt. Chúng ta phải biết sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong công tác tuyên truyền và hành động, chúng ta cần phải thống nhất nhận thức Việt Nam là một quốc gia thiếu nước. Nước không phải vô hạn mà là hữu hạn”.
Thứ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục đầu tư và hành động cụ thể hướng đến câu chuyện mục tiêu đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn đều được tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng về nước sạch cũng như môi trường.
Duy Chí