Hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau đã hoàn thành 82% khối lượng hợp đồng. Ảnh: Trọng Linh.
Hồ chứa nước ngọt rộng 102ha, thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Công trình được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2021, tại khu B3, B4 khu tái định cư – định canh xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, kế hoạch ban đầu, hồ được thi công trong 22 tháng. Song khi thực hiện có hai lần gia hạn. Việc gia hạn này là do nhà tài trợ yêu cầu phải lấy mẫu nước khu vực thí nghiệm vào cả mùa mưa và mùa khô. Do đó, thời gian thi công công trình kéo dài. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép kéo dài thời gian thi công đến ngày 30/5/2024.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thông tin, các điều chỉnh đều do lý do khách quan, bất khả kháng. Bên cạnh đó, sau bốn lần điều chỉnh, giá trị hợp đồng dự án là khoảng 248 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
“Nguyên nhân điều chỉnh là do phải thay đổi thiết kế cho phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng, như quy mô mặt đường 5km quanh hồ từ 3m lên 5m, phát sinh đường đấu nối từ hồ ra đường U Minh – Khánh Hội khoảng 500m; phát sinh áp mái thành rọ đá xung quanh hồ để đảm bảo không bị xói lở”, ông Vũ lý giải thêm.
Cũng theo ông Vũ, hiện tại hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau đã hoàn thành 82% khối lượng hợp đồng. Những phần việc còn lại là khâu hoàn thiện, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 5/2024.
Đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau với diện tích mặt thoáng 60ha, dung tích 3,85 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 11.300 người dân ở huyện U Minh.
Ngoài mục tiêu chính cung cấp nước sinh hoạt, công trình hồ chứa nước ngọt ở vùng đất rừng U Minh Hạ còn giúp trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp nước phục vụ sản xuất vào mùa khô. Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về, hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho người dân khu vực huyện Trần Văn Thời và Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được Chính phủ quan tâm. Hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An, huyện U Minh là công trình phục vụ đa mục tiêu. Ngoài mục tiêu chính là cung cấp nước sinh hoạt, còn có thêm mục tiêu là trữ nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 5% hộ dân còn rất khó khăn về nước sạch sinh hoạt. Như nhiều địa phương khác, Cà Mau có hơn 40% hộ gia đình ở nông thôn sử dụng nước chưa hợp quy chuẩn Việt Nam.
Cụ thể, qua rà soát số liệu báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Phân chia theo các nhóm đối tượng thiếu nước sinh hoạt, cụ thể như sau:
Nhóm 1, đối tượng sinh sống thưa thớt, phân tán: 613 hộ. Nhóm 2, đối tượng sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng: 1.106 hộ. Nhóm 3, đối tượng sinh sống khu vực có hệ thống nước nối mạng, nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt 298 hộ. Nhóm 4, đối tượng sinh sống tập trung, nhưng chưa có công trình cấp nước 603 hộ.
Qua rà soát, khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình với khoảng 1.719 hộ, do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt.