Ngành Cấp Thoát nước có đặc thù là tính kết nối. Để làm tốt nhiệm vụ cấp thoát nước, ngoài xây dựng nhà máy tốt, đủ khả năng cấp nước; xử lý nước thải cần phải có hệ thống đường ống cấp nước cũng như thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý. Hệ thống hạ tầng này cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, khác biệt khá xa so với mặt bằng tài chính, tín dụng thông thường. Cụ thể vốn vay thương mại thường chỉ giải ngân trung hạn, lãi suất cao, trong khi các công trình hạ tầng cấp thoát nước luôn cần nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn lâu dài, lãi suất ưu đãi…
Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), bà Halla Maher Quaddumi cho biết: Thể chế tài chính đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp tiếp cận như hiệu quả sử dụng vốn, hồ sơ tài chính doanh nghiệp…trong khi đó yêu cầu, trách nhiệm của ngành Cấp Thoát nước khá lớn. Trên 95% người dân đô thị được tiếp cận nước sạch, nhưng con số này ở nông thôn chỉ là trên 50%. Trong khi tỷ lệ thu gom xử lý nước thải tại đô thị chỉ đạt 15%, khu vực nông thôn còn đang bỏ ngõ. Để giải quyết khoảng trống này, WB dự đoán cần đến 10 tỷ USD đến năm 2030 để đầu tư, vận hành hệ thống này.
Để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đáp ứng yêu cầu vượt qua thách thức đã nêu, nhiều năm qua WB và Chính phủ Việt Nam đã hợp tác giải ngân nhiều dự án lớn và đã mang lại hiệu quả rõ nét. Để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dài hạn, WB và các tổ chức tài chính quốc tế lớn cần doanh nghiệp thể hiện được khả năng cân đối chi phí với khả năng hoàn vốn, cùng với giải quyết tốt các bài toán an sinh xã hội, trách nhiệm cộng đồng…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thiền – Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã chia sẻ với các đại biểu kinh nghiệm tiếp cận vốn và chuyển đổi doanh nghiệp từ quản lý tuyến tính (theo trình tự phân cấp) sang chuyển đổi số, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn bằng các con số cụ thể:
Năm 2023 BIWASE đã tự sản xuất 150 MW điện mặt trời sử dụng vừa đủ cho hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch (không sản xuất dư thừa vì không được đấu nối mạng lưới gây lãng phí đầu tư) góp phần giảm phát thải 1.500 tấn khí nhà kính CO2.
Ngược lại, trong quá trình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, BIWASE đã thu hồi 50.000 tấn bùn thải hữu cơ từ hoạt động xử lý rác thải, nước thải để sản xuất ra 5 triệu viên gạch xây dựng, thu về cho công ty trên 20 tỷ đồng. Hiện BIWASE đã chuyển đổi số và sản xuất tuần hoàn, tự động hóa 95%.
Để tiết kiệm chi phí thực hiện các dự án cần số vốn khổng lồ với hàm lượng công nghệ, khoa học, kỹ thuật cao, ông Thiền chia sẻ: Các tổ chức tín dụng lớn đòi hỏi doanh nghiệp rất nhiều vấn đề. Chúng ta không được nóng vội mà phải kiên trì theo đuổi và đi dần từ nhỏ đến lớn. các dự án được giải ngân đều đặt ra yêu cầu đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, đây là cơ hội để doanh nghiệp “biết” sử dụng vốn vay hiệu quả vừa tăng năng lực quản trị để có thể tiếp cận các dự án khác lớn hơn…
Phát biểu kết luận hội thảo TS. Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã cảm ơn các tham luận, chia sẻ kinh nghiệm quý báo, có giá trị của các diễn giả, các nhà khoa học đã đóng góp hiệu quả cho ngành Cấp Thoát nước Việt Nam và cầu nối giữa Việt Nam với thế giới.
Duy Chí