Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các bộ, ngành liên quan.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, điều chỉnh hoạt động cấp nước sạch, thoát nước (bao gồm thoát nước mưa, thoát nước thải và xử lý nước thải) chưa được quy định trong các văn bản Luật hiện hành; chỉ được quy định bằng văn bản dưới Luật là các Nghị định (quy định trực tiếp). Tuy nhiên, quá trình thực thi pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã đạt được một số kết quả về phát triển cấp, thoát nước; về quản lý vận hành, bảo đảm an toàn dịch vụ cấp, thoát nước; chuyển đổi số, quản lý nước thông minh, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cấp, thoát nước.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.
Cụ thể, pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực cấp, thoát nước chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ cung cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải. Hoạt động đầu tư phát triển cấp, thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chưa đầy đủ, khó khăn trong việc đánh giá tình hình, lập quy hoạch, định hướng, đầu tư và quản lý nhà nước. Việc ban hành giá nước sạch gặp nhiều khó khăn. Quản lý nhà nước về cấp, thoát nước còn chồng chéo, chưa thống nhất… Do đó, việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước là cần thiết.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, xây dựng Luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế, khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải theo phân bố dân cư, lưu vực sông, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội…
Dự thảo Luật Cấp, thoát nước gồm 8 chương, 65 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm những quy định chung; chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước; đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước; quản lý vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; dịch vụ cấp, thoát nước; giá nước sạch và giá dịch vụ thoát nước…
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao hồ sơ, nội dung dự án luật; đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo, những nội dung giải trình rất nghiêm túc, thỏa đáng. Đại diện các cơ quan liên quan khẳng định họ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc rà soát các quy định pháp luật liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn… Ngoài ra, một số thành viên đề nghị chỉnh sửa một số câu từ trong dự thảo Luật cho bao quát, đầy đủ hơn; bổ sung thêm danh mục một số dự án, công trình ưu tiên và mong dự án Luật sớm đi vào cuộc sống…
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đây là một luật khó, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và là luật mới trong bối cảnh các luật khác có liên quan đã đã được ban hành. Khi xây dựng Luật, Bộ Xây dựng bám sát đặc thù của nước bởi ngành nước là ngành an sinh, an ninh, an toàn để xây dựng chính sách giá phù hợp, vừa có hỗ trợ, vừa có khuyến khích tiết kiệm, phát triển; đảm bảo cấp nước sạch, cấp nước an toàn; lập quy hoạch việc cấp thoát nước; cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải trong các Khu Công nghiệp, Khu Chế suất và vấn đề xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, thoát nước…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Xây dựng. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Bộ Xây dựng cân nhắc, chỉnh sửa lại một số điều liên quan đến quản lý việc cấp, thoát nước cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh đây là Luật rất quan trọng, tác động đến từng người dân, doanh nghiệp, tác động đến an ninh nguồn nước nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư một cách mạnh mẽ; có những cơ chế đặc biệt, hỗ trợ những vùng khó khăn, những người yếu thế, người tàn tật… Bên cạnh đó, cần đưa thêm một số quy định liên quan đến việc tuyên truyền tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước; cần quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án liên quan tới quy hoạch cấp, thoát nước…/.