Chủ tịch Hội CTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp
PV: Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, sự kiện Vietnam Water Week 2023 diễn ra có ý nghĩa thế nào đối với doanh nghiệp ngành Nước?
Sự kiện được diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và của Việt nam nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành Nước nói riêng.
Cùng với đó, những vấn đề an ninh nước, ô nhiễm nguồn nước, năng lực quản lý ứng phó với những rủi ro, sự gia tăng dân số, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn và đặc biệt là tác động của đại dịch COVID19 trong 2 năm qua đã và đang là những khó khăn thách thức đặt ra cho ngành Nước của Việt nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Vietnam Water Week 2023 là sự kiện tiêu biểu và lớn nhất của ngành nước Việt Nam được tổ chức thường niên với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, sự ủng hộ của các cơ quan Chính phủ, Bộ ngành có liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp ngành nước Quốc tế và Việt Nam, đặc biệt, còn có sự hợp tác chặt chẽ của các hiệp hội ngành nước của nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm Vietnam Water Week đều chọn những vấn đề cấp bách của ngành Nước mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Tuần lễ ngành Nước Việt Nam là kênh để các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thiết bị, máy móc và các giải pháp công nghệ của lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam và quốc tế được giao lưu, tiếp cận, giới thiệu và chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhất của ngành Nước.
Đây là cơ hội để ngành nước các quốc gia học hỏi chia sẻ kinh nghiệm về thể chế chính sách, quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông minh, những tiến bộ mới trong ngành Nước… Tại diễn đàn này, người làm chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng nhau thảo luận những giải pháp phù hợp hướng tới một ngành ước phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như góp phần chung vào sự phát triển của ngành nước trong khu vực và thế giới.
PV: Nước đang là vấn đề thời sự đặc biệt quan tâm khi mùa hè năm nay nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Theo ông, Việt Nam cần ứng phó thế nào với tình trạng này và đâu sẽ là giải pháp phù hợp?
Thực tế, nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng vào mùa hè chỉ là một trong những khó khăn của ngành nước Việt Nam hiện nay. Nhìn một cách tổng thể, ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Thứ nhất, Luật Cấp Thoát nước hiện hành đang có những bất cập chưa được bổ sung sửa đổi gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai và thực hiện.
Trong khi cấp, thoát và xử lý nước thải là loại dịch vụ đặc biệt, nhu cầu thiết yếu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, dự thảo luật giờ mới đang được xây dựng và dự kiến đến 2025 ban hành dẫn đến hiệu bất cập.
Cụ thể, giá nước hiện đang áp dụng theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”.
Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành điều chỉnh Thông tư số 44/2021/TT-BTC hướng dẫn khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Tuy nhiên giá nước thực tế hiện nay ở nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận… và việc điều chỉnh giá còn bị kéo dài.
Hay như giá dịch vụ xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hiện đang theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP với nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 (có hiệu lực từ 01/01/2017) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã quy định, “Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng”. Như vậy mức thu này quá thấp không khuyến khích người dân đấu nối vào hệ thống thoát nước và cũng không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống thoát nước.
Giá dịch vụ được các địa phương chậm xây dựng và ban hành, hiện mới có khoảng 20/63 tỉnh thành phố ban hành giá dịch vụ thoát nước.
Quy định việc xây dựng các công trình đường ống cấp, thoát nước trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo Luật Luật Giao thông đường bộ 2008 và các nghị định hướng dẫn có các quy định liên quan đến “Cam kết di chuyển hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền; Không được yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kinh phí liên quan…” trong khi các công trình cấp nước được xây dựng theo quy hoạch, gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành nước khi hệ thống này đang hoạt động ổn định phải di dời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ.
Thứ hai, hiệu lực các văn bản pháp lý chưa cao, nhiều quy định về ưu đãi hỗ trợ chưa được thực hiện; các quy định về cổ phần hoá và quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn thiếu hoặc chưa hợp lý.
Tại điều 31 của Nghị đình số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 có quy định, UBND hoặc cơ quan được ủy quyền với doanh nghiệp thực hiện ký kết Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước. Tuy nhiên hình thức thỏa thuận thể hiện tính pháp lý không cao, đồng thời không có chế tài đi kèm cho đến nay mới chỉ có số ít địa phương thực hiện ký kết thỏa thuận này. Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương, việc không ký kết này có thể tiềm ẩn rủi ro về an toàn trong cấp nước.
Các quy định về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chính sách liên quan đến nhà đầu tư chiến lược trong NĐ 126/2017 chưa hợp lý, thể hiện: Tiêu chí cùng ngành nghề với doanh nghiệp cổ phần hóa không được quan tâm, nặng về tiêu chí “có năng lực tài chính”; không rõ trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư chiến lược (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước có liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài) đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa; thiếu chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện hoặc vi phạm các cam kết của mình…
Quá trình cổ phần hóa đang tiến hành theo lộ trình quy định. Tuy nhiên thiếu các văn bản quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt các công cụ để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên (đơn vị cung cấp nước và chính quyền địa phương) trong việc bảo đảm cấp nước cho người dân. Mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa được nghiên cứu, ban hành.
Thứ ba, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành cấp thoát nước chưa đầy đủ, chưa sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Đó là các tiêu chuẩn thiết kế cấp nước, thoát nước theo hướng quản lý thông minh, thoát nước bền vững, quy chuẩn xả nước thải vào hệ thống thoát nước, quy hoạch xây dựng cấp nước, thoát nước chậm đổi mới thiếu nội dung liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro.
Tiêu chuẩn vật tư thiết bị ngành nước vừa thiếu vừa lạc hậu hoặc không phù hợp với thực tế những chưa được điều chỉnh; thiếu công cụ kiểm tra, giám sát theo hướng thông minh hiện đại.
Thứ tư, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải chưa được quan tâm đúng mức trong khi tỷ lệ nước thải được xử lý đạt rất thấp, hầu hết xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của nhân dân; việc đầu tư lại thiếu đồng bộ.
Đến nay, cả nước mới có 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị đã được xây dựng và đang hoạt động tại hơn 50 đô thị/ 860 đô thị; tổng công suất thiết kế là 1,466 triệu m3/ngày nhưng công suất thực tế vận hành khoảng 670.000 m3/ngày (đạt gần 50%) trong khi mới chỉ có 15% nước thải được xử lý.
Đây là một nghịch lý do chỉ tập trung vào xây dựng công trình nhà máy xử lý nước thải, mà thiếu đầu tư đồng bộ mạng lưới thu gom nước thải dẫn đến tình trạng nước thải không được thu gom đủ để dẫn về nhà máy xử lý nước thải và nhà máy hoạt động không hết công suất, cá biệt có những nhà máy xử lý nước thải xây dựng xong không có nước thải chảy đến.
Vốn đầu tư vào lĩnh vực thu gom và xử lý nước thải tới nay hầu hết đều từ nguồn Ngân sách (Ngân sách và ODA). Dự kiến cần tới 8,3 tỷ USD để cung cấp đủ dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 -38 triệu người dân sống tại đô thị (tính theo dân số đô thị năm 2025) nhưng nguồn lực đầu tư thì rất hạn chế. Thực tế khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân do thiếu cơ chế chính hấp dẫn, hu hút đầu tư, vốn lớn, thời gian đầu tư dài (đầu tư nhà máy xử lý nước thải chỉ 1-2 năm nhưng mạng lưới thu gom nước thải các đô thị hiện hữu kéo dài 10-15 năm thậm chí dài hơn, mà khó khăn nhất là mức thu còn quá thấp).
Thứ năm, cơ sở dữ liệu ngành nước thiếu, các tiêu chí và chỉ tiêu chưa đồng bộ và còn có cách hiểu chưa thống nhất. Thiếu cơ sở pháp lý trong việc cung cấp, công bố thông tin về ngành Nước.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về quản lý, xây dựng, điều tra, lưu trữ, cơ sở dữ liệu của hệ thống cấp, thoát nước, chưa có quy định về việc lập bản đồ điều tra thông tin về thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải. Một số chỉ tiêu yêu cầu trong báo cáo thường chỉ là: Tổng công suất cấp nước, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, tổng công suất xử lý nước thải đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định,…
Thứ sáu, quản lý hoạt động cấp nước và thoát nước hiện nay theo NĐ 117/2007, quản lý cấp nước được giao cho nhiều Bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên cấp nước sạch cho người dân (đô thị, nông thôn) giao cho 2 Bộ Xây dựng và Nông nghiệp & PTNT, việc giao này là thiếu đồng bộ và thống nhất thể hiện từ quy hoạch cấp nước, kế hoạch và chương trình đầu tư, đầu tư xây dựng, giá nước và cả quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Thứ bảy, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Ước tính hiện mỗi năm cần khoảng hơn 2 tỷ USD trong khi khả năng nguồn lực chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 20%.
Hạn chế về nguồn lực đầu tư là khó khăn lớn đối với các đơn vị Hội viên trong việc đầu tư nâng cấp mở rộng, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao nguồn nhân lực để cao năng cao năng suất lao động trong sản xuất kinh doanh…
PV: Nội dung quan trọng cần thảo luận và góp ý cho dự thảo luật cấp thoát nước tại sự kiện Vietnam Water Week 2023 là gì? Nếu Luật cấp thoát nước được đưa vào đời sống, vấn đề nước sạch và tiêu chuẩn nước sạch, giá nước sạch có được giải quyết không, thưa ông?
Như chúng ta biết nước sạch là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa là nhu cầu cơ bản hàng ngày, vừa tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Ngày 28/7/2010, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận việc tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh là một quyền cơ bản của con người.
Nước thải là sản phẩm được thải từ các đối tượng sử dụng nước, trong nước thải có thể chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh… nếu không xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm cũng như dịch bệnh khôn lường nhất là khi có thiên tai xảy ra. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nhất là hạn chế về nguồn lực, việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở hầu hết các địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; việc giám sát, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải chưa được thực hiện một cách có hệ thống và chặt chẽ.
Vì vậy lộ trình xây dựng Luật Cấp Thoát nước là khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam cấp bách hơn bao giờ hết. Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cấp thoát nước và đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành có liên quan và Hội Cấp thoát nước Việt Nam trong quá trình soạn thảo.
Tại sự kiện Vietnam Water Week 2023 sẽ thảo luận một số nội dung chính của dự thảo Luật Cấp Thoát nước với mong muốn nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện chính sách về cấp thoát nước, nhằm giải quyết các vấn đề, bất cập của ngành nước Việt Nam.
Cùng với đó, xây dựng được chính sách thu hút đầu tư cho lĩnh vực cấp thoát nước, từ đó góp phần giúp doanh nghiệp ngành nước nâng cao chất lượng quản lý vận hành và dịch vụ cấp thoát nước cũng như hoàn thành chính sách quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!