Vùng Tây Bắc gồm sáu tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, quê hương của những thửa ruộng bậc thang. Không chỉ góp phần tạo nên thắng cảnh giúp thu hút du lịch, hạng mục nông nghiệp này còn mang giá trị lịch sử và văn hóa của các dân tộc thiểu số, được tạo nên một cách nghệ thuật từ lao động của con người.
Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác độc đáo của đồng bào vùng cao. Đây là biểu hiện sinh động sự thích nghi trọn vẹn của con người vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với thiên nhiên trong sự tôn trọng, bảo vệ môi trường.
Những thửa ruộng bậc thang được hình thành và duy trì qua hàng trăm năm, là phương thức canh tác lúa nước với kỹ thuật được truyền dạy theo thế hệ và là sản phẩm trí tuệ, minh chứng cho sự sáng tạo trong thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của các dân tộc ở miền núi.
Nhóm đất xám (acrisols) có diện tích lớn nhất ở Tây Bắc, với 82,95% diện tích điều tra toàn vùng, phân bố ở tất cả các tỉnh, bài đăng tháng 9/2017 tại trang web Con người và Thiên Nhiên dẫn kết quả điều tra đất nông nghiệp năm 2014 của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho hay. Ở Lai Châu, Lào Cai và Sơn La sản xuất nông nghiệp dựa trên đất tầng mỏng (leptosols). Cả hai loại đất trên đều thuộc nhóm chịu tác động mạnh của xói mòn.
Do ở các vùng núi cao, hiếm đất bằng để canh tác, khi trồng lúa nước người ta chọn các vạt đất ở sườn núi bạt thành các tầng bậc, rồi dẫn nước từ các vùng núi cao, tạo thành ruộng bậc thang.
Hiện có nhiều dân tộc nắm giữ kỹ thuật làm ruộng bậc thang, điển hình là người Mông, Dao, Hà Nhì, La Chí, Nùng… Những chân ruộng cũ luôn được trao truyền lại cho những thế hệ sau.
Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang thích hợp cho gieo trồng, người dân phải chọn những vùng đất không có đá trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Dựa theo địa hình, người dân tạo hệ thống ruộng bậc thang theo một mẫu, gồm bờ viền đắp bằng đất, đá ăn khớp với địa hình; mặt ruộng bằng phẳng như ruộng ở đồng bằng, nhưng do độ dốc nên những thửa ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp chỉ vài đường bừa, nhằm giữ đất bùn, giữ nước và chất dinh dưỡng tốt nhất.
Công việc được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, dùng cuốc, xẻng đào đắp khai phá, dẫn nước về ruộng.
Mùa nước đổ Tây Bắc hay còn gọi là ‘mùa đổ ải’ thường diễn ra trong tháng 5 và tháng 6. Khi những cơn mưa đầu hè bắt đầu trút xuống cũng là lúc bà con vùng cao ra đồng, chuẩn bị cho một vụ mùa mới, và những cơn mưa lớn sẽ giúp tưới đẫm những thửa ruộng khô bỏ không từ vụ trước.
Có thể cấy sớm hoặc muộn tùy theo lượng mưa từng khu vực. Các thửa ruộng được đổ ải, cày bừa tăng dần theo lượng mưa đổ xuống, sau đó là cấy mạ.
Sử dụng nguồn nước thông minh
Ruộng bậc thang sử dụng nguồn nước tự nhiên nên đồng bào vùng cao chỉ có thể gieo trồng một vụ trong năm.
Kinh nghiệm làm ruộng bậc thang của người Tây Bắc rất phong phú, yếu tố đầu tiên mà họ quan tâm là chọn mảnh đồi có nguồn nước mạch, hoặc gần nguồn nước mạch có thể đào rãnh dẫn nước tới ruộng.
Nguồn tài nguyên nước chủ yếu ở đây là nguồn nước tự nhiên, nước mạch chảy ra từ các sườn núi, khe núi, nước suối, nước mưa và hầu như không có nước sông, hồ, người dân cũng không đào giếng lấy nước.
Để dẫn nước về ruộng bậc thang, người ta đào rãnh, tạo dòng chảy dẫn nước từ cao xuống thấp, nước chảy từ khe núi, dẫn qua những ống nứa xuống ruộng, rồi đổ từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, tạo ra hệ thống thủy lợi phức tạp. Bên cạnh hệ thống rãnh dẫn nước cũng có hệ thống rãnh thoát khi cần.
Với khả năng sáng tạo, người dân Tây Bắc đã phát minh ra ‘cọn nước’, hay bánh xe nước, với cơ chế hoạt động độc đáo, được sử dụng như chiếc máy dẫn nước vào ruộng, hoặc dùng trong chăn nuôi, hoặc dẫn nước về bản làng để sinh hoạt.
Để cọn lấy được nước, phải cần tới những gầu múc được lựa kỹ càng từ những đốt trên thân cây vầu to, chặt vát một đầu và gắn vào vòng cố định của cọn. Khi gầu chìm xuống sẽ múc đầy nước, sau đó theo vòng xoay gầu sẽ quay nghiêng theo chiều quay của cọn rồi đổ nước vào máng dẫn. Cứ như thế, người dân Tây Bắc khéo léo kết nối các cây vầu lại với nhau thành những ống dẫn nước đến ruộng bậc thang.
Phía trên ruộng, người ta đào giao thông hào để phòng mưa lớn, nước tràn từ đỉnh nương xuống ruộng làm gẫy lúa, trôi màu trên ruộng, đồng thời đây cũng là hàng rào ngăn cản trâu bò, dê vào ruộng phá hoại lúa. Hệ thống tưới tiêu ruộng bậc thang được coi là hệ thống thủy lợi sơ khai nhất nhưng rất hợp lý và khoa học.
Việc chia nước dẫn ra các tầng ruộng cũng là một nghệ thuật. Đối với mương dẫn nước nằm sát đầu ruộng và có độ dốc vừa phải thì mỗi thửa ruộng có một cửa chia nước riêng. Kích thước của cửa chia nước to hay nhỏ tỷ lệ thuận với diện tích thửa ruộng. Vào mùa vụ, ruộng của nhà nào ở đầu nguồn thì mở cửa cho nước vào nhỏ, ruộng càng ở phía cuối nguồn thì càng được mở cho nước vào nhiều.
Nếu mương dẫn nước cách xa bờ ruộng vài mét, người ta phải bắc nước về ruộng bằng các ống mai. Bên cạnh ruộng của mỗi hộ đều có một mương phụ để dẫn nước cho chủ ruộng phía dưới. Người ở ruộng trên cấy xong, thả nước vào mương phụ cho người bên dưới, mọi người cùng chia sẻ nguồn nước để canh tác, đảm bảo các thửa ruộng đủ nước.
Những năm hạn hán, khi không đủ nước để cày cấy, các hộ sẽ tự thống nhất luân phiên lấy nước, để hộ nào cũng đủ nước canh tác.
Trong các kinh nghiệm sử dụng nước của người Tây Bắc, kinh nghiệm sử dụng nước cho ruộng bậc thang khiến công trình này trở nên ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp.
Bên cạnh những giá trị trong phát triển du lịch, ruộng bậc thang ở Đông Nam Á nói chung và ở Tây Bắc Việt Nam nói riêng đã mang lại cho người dân vùng cao một cuộc sống tương đối ổn định, giúp họ định cư lâu dài.