Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng đã có buổi làm việc với bà Maria Zandt, Phó Giảm đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (TVET)
“Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” là chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) phối hợp thực hiện.
Năm 2017, VWSA và Chương trình TVET đã ký kết hợp tác chương trình Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, hỗ trợ tập huấn cho đội ngũ cán bộ đào tạo VWSA để nâng cao chuyên môn, kỹ năng sư phạm cũng như phương pháp phát triển đề thi và cách chấm thi nghề.
Nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch hợp tác về đào tạo sắp tới, bà Maria Zandt, Phó Giám đốc TVET đã có buổi làm việc và trao đổi với lãnh đạo VWSA. Tiếp bà Maria Zandt có Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng ngành Nước Việt Nam (VWTC) Phạm Xuân Điều, Phó Giám đốc VWTC Nguyễn Văn Tiến.
Tại buổi làm việc, Bà Maria Zandt, Phó Giảm đốc Chương trình TVET trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của VWSA và nhấn mạnh vai trò kết nối doanh nghiệp sâu rộng của Hội.
Bà Maria Zandt cho biết, TVET mong muốn có sự hợp tác thực chất hiệu quả tại Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Vietnam Water Week 2024 với những hoạt động cụ thể. Đồng thời, thay mặt GIZ, trao đổi và tìm hiểu sâu hơn về thực tế đào tạo nhân lực lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam hiện nay để cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo mới.
Trên cơ sở đó, Giám đốc VWTC Phạm Xuân Điều đã trình bày khái quát kết quả thực hiện Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam với sự phối hợp giữa TVET và VWSA cũng như chia sẻ những thuận lợi và khó khăn hiện nay trong công tác đào tạo nhân lực.
Theo đó, từ năm 2016 đến 2020, VWTC đã tổ chức 24 khóa học với gần 1000 học viên các doanh nghiệp thoát nước trong phạm vi cả nước. Các khóa học tập trung 8 chuyên đề: Vận hành nhà máy xử lý nước thải (XLNT); Vận hành hệ thống thoát nước; Khử nitơ, phốtpho; Vận hành và xử lý sự cố; Quản lý và vận hành hệ thống thoát nước; Xử lý bùn; Tự động hóa và quản lý năng lượng; Làm việc trong phòng thí nghiệm.
Thêm vào đó, các bên đã xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề, chương trình đào tạo và đào tạo Kỹ thuật thoát nước và XLNT. Nhân rộng chương trình ở 2 trường Cao đẳng Xây dựng số 1 (Hà Nội) và Trường Cao đẳng Công nghệ Huế (miền Trung).
Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho doanh nghiệp chất lượng, bài bản. Đây đều là những giáo viên và cán bộ kỹ thuật ở các doanh nghiệp Thoát nước từng được cấp chứng nhận tại khóa học do các chuyên gia Đức đào tạo tại Việt Nam và CHLB Đức.
Tuy nhiên, thực tế 10 năm trở lại đây đã có những sự thay đổi rõ rệt. Do đó, phía Việt Nam đề xuất, tiếp tục rà soát đánh giá lại chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và XLNT các cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp và ngắn hạn; Chương trình học theo mô đun với tình hình cụ thể ở Việt Nam. Đồng thời, đào tạo lại, cập nhật các công nghệ mới cho giảng viên đã được phía Đức đào tạo.
Ngoài ra, việc hỗ trợ các trường thông qua tuyên truyền về ngành nghề để thu hút học sinh vào học nghề Kỹ thuật thoát nước & XLNT và Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ các doanh nghiệp thoát nước với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đức cũng là những nội dung cần chú trọng.
Bà Maria Zandt ghi nhận những đề xuất từ phía Việt Nam và bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo theo hướng bền vững, chi phí hợp lý, hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng đề xuất hai bên sẽ tiến tới ký kết MOU dựa trên nền tảng hợp tác trước đây để tiếp tục hỗ trợ ngành Nước của Việt Nam và CHLB Đức.
Chung Anh