Đoàn công tác VWSA do Phó Chủ tịch Hạ Thanh Hằng dẫn đầu tham dự Diễn đàn nước Indonesia.
INDONESIA WATER là Triển lãm và Diễn đàn lớn nhất về công nghệ tái chế nước thải và sản xuất nước sạch tại Indonesia. Triển lãm quy tụ hơn 10.000 khách tham quan thương mại và các chuyên gia trong ngành; cùng hơn 550 nhà triển lãm đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là “Chuyển đổi ngành nước hướng tới mục tiêu vàng của Indonesia đến năm 2045”. Ngoài ra, còn có các hội thảo quốc tế đi sâu giải quyết các vấn đề thời sự như: Chuyển đổi quản trị Cấp nước; Các nguồn tài chính thay thế cho ngành nước; Chia sẻ các bài học về giảm thất thoát, thất thu và chuyển đổi quản lý về nước thải… Đây là cơ sở các chuyên gia trong ngành cập nhật những xu hướng cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác có giá trị. Đồng thời, các doanh nghiệp cấp thoát nước, nhà tư vấn, nhà thầu, chuyên gia xử lý nước thải công nghiệp và các nhà quản lý có thể cùng nhau tìm kiếm giải pháp và tiếp cận công nghệ tiết kiệm chi phí.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới. Thống kê đến tháng 8/2024, Indonesia có trên 280 triệu dân, chiếm 3,45% dân số thế giới. Đất nước này cũng có diện tích rộng lớn trên 1,8 triệu km2 nhưng chỉ có 2% dân số được tiếp cận hệ thống thoát nước thải ở khu vực thành thị.
Ông Firdaus Ali, Cố vấn Tài nguyên nước của Bộ Công trình công cộng và Nhà ở Indonesia cho biết: Hiện tại phạm vi dịch vụ nước máy tại Indonesia chỉ đáp ứng khoảng 21,69% còn lại chủ yếu sử dụng nước giếng khoan và nước sông, suối tự nhiên. Riêng tại thủ đô Jakarta, nước máy chiếm tỷ lệ 65,85%. Dân số tại Jakarta hiện nay là 10,6 triệu người.
Ngành xây dựng và sản xuất thép Indonesia đang phát triển đi đôi với kế hoạch đón đầu làn sóng đầu tư mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tề tuần hoàn. Do đó, Indonesia đang phải giải quyết hệ thống cấp nước và xử lý nước thải công nghiệp. Trong đó, ngành Xây dựng Indonesia, nguồn cung cấp nước và xử lý chất thải ngày càng trở thành mối quan tâm vì hai nội dung này đều được yêu cầu trong quá trình sản xuất các loại vật liệu như bê tông và thép. Hiện tại, có rất nhiều dự án xây dựng đang được thực hiện trong nước, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu rất lớn về cung cấp nước và quản lý xử lý chất thải.
Trong Kế hoạch phát triển quốc gia trung hạn 2020-2024, Indonesia đặt mục tiêu đưa 10 triệu liên kết đường ống dẫn nước sạch đến các hộ gia đình. Để làm được điều này, dự tính cần 123.400 tỷ rupiah (hơn 8 tỷ USD). Vì vậy Chính phủ Indonesia mong muốn tận dụng cơ hội từ Diễn đàn Nước Indonesia 2024 để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chuyên ngành cấp thoát nước; các nhà cung cấp giải pháp, thiết bị khoa học công nghệ nhằm cải thiện tình hình cung cấp nước sạch, thu gom, xử lý nước thải, bảo đảm nguồn nước cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Đoàn công tác VWSA đã có bài phát biểu quan trọng khái quát quá trình phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với chủ trương Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam. Từ đó ngành Cấp Thoát nước Việt Nam cũng từng bước trưởng thành với nhiều kinh nghiệm được tích lũy như huy động vốn, tìm kiếm giải pháp, công nghệ , quản trị tối ưu; kiểm soát tốt thất thoát, hướng đến phát triển bền vững.
Trong quá trình phát triển VWSA luôn sát cánh, đồng hành và mang đến nhiều giải pháp quan trọng cho hội viên từ nghiên cứu khoa học, tư vấn giải pháp, quy hoạch và được các bộ ngành liên quan phân công chủ trì nghiên cứu, xây dựng, góp ý Dự thảo Luật Cấp Thoát Nước, trình Quốc Hội xem xét thông qua vào năm 2025.
VWSA đã kết nối giới thiệu nhiều doanh nghiệp ngành Nước của Việt Nam và Indonesia trong khuôn khổ sự kiện.
Duy Chí