Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước thách thức hạn mặn

Hạn hán gay gắt, nhiều con kênh, rạch tại ĐBSCL cạn trơ đáy

Hạn hán gay gắt, nhiều con kênh, rạch tại ĐBSCL cạn trơ đáy

Nhà máy nước canh giờ lấy nước

Mới đầu mùa khô, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gặp phải tình trạng thiếu nước ngọt do hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn lan rộng. Nhiều nơi như Bến Tre, Sóc Trăng do thiếu nước ngọt sử dụng, người dân phải “cắn răng” mua nước ngọt từ nơi khác chở đến với giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/m3.

Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Nắng hạn và xâm nhập mặn còn tiếp tục gay gắt đến giữa hoặc cuối tháng 4/2024 nếu không có mưa sớm. Những ngày gần đây báo chí liên tục đưa tin nước sông tại nhiều tỉnh ĐBSCL giáp biển như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau có nơi đã mặn hơn nước muối sinh lý!

Lãnh đạo nhiều công ty cấp nước cho hay: Nhà máy nước chỉ được trang bị công nghệ lắng, lọc, xử lý nước nhiễm tạp chất. Hiện tại chưa có nhà máy nước nào trang bị công nghệ xử lý nước nhiễm mặn. Khi độ mặn các cửa lấy nước đến mức giới hạn (4 phần ngàn) các nhà máy phải tạm dừng hoạt động.

Ông Đặng Văn Ngọ – Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng – cho biết, “Năm nay khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung cấp nước sạch thời gian qua. Xâm nhập mặn đang diễn biến rất phức tạp. Tại các cửa lấy nước của nhà máy nước, độ mặn đã vượt mức cho phép. Để có nước cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, nhà máy phải liên tục quan trắc kết hợp dự báo thời tiết, chờ khi nước thủy triều trên sông lên cao, nước mặn bị đẩy đi xa thì nhà máy ra sức tích nước. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.”

Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước thách thức hạn mặn- Ảnh 1.

Hồ dự trữ nước ngọt tại Bến Tre chuẩn bị cho tình huống xâm nhập mặn

Còn tại tỉnh Bến Tre, các con đập, ao hồ lớn đã được tích nước từ trước dự trữ cho các nhà máy sử dụng khi xảy ra xâm nhập mặn. Bên cạnh đó UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty CP Cấp Thoát nước Bến Tre chuẩn bị sà lan chở nước từ nơi khác đến cung cấp cho nhà máy nhằm duy trì hoạt động cấp nước phục vụ nhân dân.

Lãnh đạo các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đều có chung mong muốn: Chính phủ sớm đầu tư công trình cấp nước quốc gia, giúp người dân ĐBSCL sống chung an toàn với biến đổi khí hậu và nước mặn xâm nhập diễn ra hàng năm.

Nông nghiệp vét từng con mương lấy nước

Đó là thực tế đang diễn ra tại các tỉnh ĐBSCL, nặng nhất là: Bến Tre, Long An, Tiền Giang… nổi tiếng với vườn trái cây đặc sản giá trị kinh tế cao: sầu riêng, dừa, bưởi, xoài cát.

Trước diễn biến độ mặn ngày càng lên cao, theo các con sông nước mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng. Nhiều cống ngăn mặn, công trình thủy lợi trữ ngọt – ngăn mặn tại các cửa sông lớn đã được đóng kín nhằm bảo vệ hàng chục ngàn hecta cây ăn trái.

Chỉ riêng huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang đã có 20.000 ha sầu riêng, loại cây ăn trái xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Long An, Tiền Giang có hàng trăm ngàn hecta đất nông nghiệp với trên 1,1 triệu nông dân đang trực tiếp canh tác.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, địa phương có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, chủ yếu là sầu riêng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Để bảo đảm cho vườn cây từ đầu mùa hạn huyện đã chỉ đạo các xã tập trung kinh phí khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, dự trữ nước tưới chống hạn, bảo vệ vườn cây cho nông dân.

Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước thách thức hạn mặn- Ảnh 2.

Các công trình ngăn mặn, trữ ngọt tại ĐBSCL được đóng kín bảo vệ hàng chục ngàn hecta cậy ăn trái trong vùng ngọt hóa

Ở cấp xã, ông Nguyễn Văn Thật, Phó Chủ tịch xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho hay: Thực hiện kế hoạch chống hạn của tỉnh, của huyện, địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nạo vét nhiều tuyến kênh rạch chiều dài hàng chục km để nông dân lấy nước tưới cây chống hạn.

Sầu riêng và các loại cây ăn trái nói chung đều rất mẫn cảm với thời tiết và nguồn nước nhiễm mặn. Riêng cây sầu riêng bộ rễ chạm vào nước mặn là cây trụi lá, chết đứng. Mùa hạn sầu riêng ra hoa, thời tiết xuất hiện sương muối là hoa rung hết, nông dân thất mùa.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi với lãnh đạo các hợp tác xã, nhà nông cao tuổi: “Rủi ro cao vậy sao nhà nông vẫn chọn cây ăn trái kinh tế cao như sầu riêng để trồng khi mà hạn mặn đang diễn ra gay gắt hàng năm”?

Và thật bất ngờ khi những người được hỏi đều có câu trả lời tương tự: “Không trồng cây đó thì trồng cây gì khi mà các loại nông sản khác đều khó bán, giá thấp, đầu ra khó khăn”.

Thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gay gắt và thường xuyên, nhưng để nhà nông đánh cược với thời tiết, thiếu nước tưới là bài toán mang tầm quốc gia, cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Duy Chí

Các bài viết liên quan