Hạn mặn, đi hay ở
Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2020. Toàn vùng không chỗ nào là không bị nhiễm mặn. Các con sông lớn nhỏ, kênh rạch, ao hồ, không nhiều thì ít đều bị mặn xâm lấn. Các tỉnh khác còn nhờ con nước thuỷ triều đẩy mặn ra xa, người dân còn có nước mặt, nước giếng để tích trữ sử dụng. Chứ toàn tỉnh Bến Tre thì độ mặn các con sông, kênh rạch, ao hồ đều trung bình trên 19 đến 21 phần ngàn, kể cả nước ngầm, khiến cây trái, hồ nuôi không chết liền cũng ngất ngư hoặc chết từ từ.
Các nhà khoa học dự báo hạn mặn không còn theo chu kỳ 4 năm một lần như trước đây mà sẽ xuất hiện thường xuyên, diễn biến cực đoan theo chiều hướng càng về sau mặn càng lấn sâu, lan rộng. Nguyên dân là do: Mực nước các con sông lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long mà chủ yếu là sông MeKong xuống thấp. Do đó mạch nước ngầm bị giảm áp lực tạo điều kiện cho nước mặn theo vào, ngấm sâu và lan rộng.
Mỗi vùng đất quê hương trên toàn đất nước Việt Nam này không chỗ nào an toàn với thiên nhiên mãi mãi. Nếu không bị nắng hạn cũng chịu cảnh mưa dầm, lũ cuốn, bão dông. Càng về sau thời tiết càng diễn biến cực đoan cùng nhiều hình thức thiên tai mới như lở núi, lở đất, mưa axit, vòi rồng…
Nếu không may sinh ra và lớn lên trên vùng đất bị nhiều thiên tai thì không ai nghĩ cách di dời quê hương mình đi nơi khác để được bình yên, mà tất cả đều phải tìm cách sống chung hoà bình. “Bến Tre là tỉnh nghèo, diện tích không lớn, lại bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai. Vì lẽ đó chúng tôi không chỉ tìm cách để người dân sống chung hoà bình mà còn phải vượt lên phát triển bền vững trên quê hương này”. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam thể hiện một cách dứt khoát.
Ý tưởng táo bạo
Một lần đi công tác tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, trong lúc giải lao, ra nhà mát cạnh bờ sông Sài Gòn hít thở không khí mát mẻ từ dưới sông lồng ộng thổi lên. Nước sông trong vắt dâng cao tràn bờ, lại khiến vị Chủ tịch tỉnh liên tưởng đến cảnh thiếu nước ngọt ở quê nhà. Bao nhiêu suy nghĩ, tính toán, giải pháp để người dân có nước ngọt sử dụng trong mùa hạn như bị đánh thức. Về đến cơ quan làm việc mà hình ảnh nước sông xanh mát tràn bờ cứ theo đuổi trong suy nghĩ. Tập trung tìm hiểu, nghiên cứu, Chủ tịch Trần Ngọc Tam so sánh: Sông Mekong là con sông chính như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long mà còn nuôi hàng triệu dân các nước Campuchia, Lào, Mianma.
Đây là vấn đề đại sự không dễ khai thông trong vài năm, nên phải “tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng cách phát huy tính chủ động, bảo đảm an toàn càng sớm càng tốt. “Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng đều là những con sông, hồ nội địa không bị ảnh hưởng bên ngoài và có nguồn nước mặt rất dồi dào. So sánh độ dốc địa hình từ Miền Đông về Miền Tây cũng rất thuận lợi cho dòng nước tự chảy. Như vậy chỉ cần đầu tư hệ thốg đường ống hoặc kênh tự chảy, kết nối nguồn nước từ các con sông, hồ từ Miền Đông về Miền Tây để các tỉnh tiếp nhận, cung cấp lại cho nhân dân sử dụng sẽ vừa giải quyết được bài toán đầu tư manh mún, thiếu quy hoạch và tiết kiệm được nguồn lực đầu tư rất lớn của nhà nước và nhân dân lại bảo đảm yêu cầu lâu dài, bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre diễn giải.
Cùng nhà nông làm giàu
Bên cạnh việc lo chủ động nguồn nước ngọt cho người dân toàn vùng, lãnh đạo các tỉnh còn tập trung giải bài toán “phát triển bền vững với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn”. Chủ tịch Trần Ngọc Tam chia sẻ thực tế: Qua cơn hạn mặn lịch sử năm 2020 Bến Tre phối hợp với các nhà khoa học thuộc các trường, viện nghiên cứu tổ chức hội thảo khao học “Giải pháp cho cây trồng thích ứng với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu”. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các sở, ban ngành và nông dân trên địa bàn. Hội thảo đã tập trung giải bài toán: “Bị nhiễm mặn cây có sống được không; tại sao có nhiều vườn cây bị ngập trong nước nhiễm mặn nhưng vẫn sống tốt khi cơn hạn đi qua”.
Câu hỏi này đã được các nhà khoa học lý giải cụ thể: Cây trồng không sống được khi nguồn nước bị nhiễm mặn. Sau hạn mặn có nhiều vườn cây sống tốt là do: Sức khoẻ của cây trồng tốt nên kháng được điều kiện cực đoan; đất trồng có nhiều vi sinh vật hữu ích giúp cây trồng có nguồn dinh dưỡng để tồn tại. Sau khi hạn mặn rút đi cần bồi dưỡng, cải tạo đất giúp cây trồng phục hồi nhanh…
“Các trường, viện nghiên cứu bảo đảm cung ứng giống cây trồng có sức đề kháng tốt. Đồng thời xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý theo hướng hữu cơ bền vững cùng nhà nông đứng vững, khá lên,tiến đến làm giàu từ sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tâm đắc cho biết.
Duy Chí