Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Do đó, để các giải pháp thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn đáp ứng mục tiêu, cần xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về cấp nước.
Để các giải pháp thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn đáp ứng mục tiêu, cần xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về cấp nước.
Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc ngày 28/7/2010 đã thông qua Nghị quyết công nhận việc tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh là một quyền cơ bản của con người. Nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định sử dụng nước sạch là quyền của con người. Ở Việt Nam, cùng với điều kiện kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được quan tâm nhiều hơn thì đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch an toàn, bền vững đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng thể chế, quy hoạch đến huy động các nguồn lực nhà nước, xã hội cho đầu tư phát triển và quản lý vận hành công trình cấp nước, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội.
Thực trạng quản lý và phát triển cấp nước
Đối với khu vực đô thị trên cả nước có khoảng hơn 250 doanh nghiệp cấp nước, đang vận hành trên 750 nhà máy nước và mạng đường ống cấp nước bao phủ khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn lân cận; tổng công suất các nhà máy nước khoảng 12,6 triệu m3/ngđ, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 95%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch 16,5%. Đối với khu vực nông thôn có khoảng 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, 10 triệu công trình cấp nước quy mô hộ gia đình (sử dụng giếng khoan, giếng đào, bể trữ nước mưa, công trình lắng lọc sơ bộ); tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,5%, trong đó gần 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, khoảng 44% dân số nông thôn (hơn 28,5 triệu người) được cấp nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, 56% dân số nông thôn còn lại (36,3 triệu người) sử dụng nước cho sinh hoạt từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.
Về quản lý cấp nước, Chính phủ giao Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về cấp nước khu vực đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý cấp nước khu vực nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nguồn nước; Bộ Y tế quản lý, giám sát chất lượng nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức, phát triển dịch vụ cấp nước trên địa bàn do mình quản lý.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ngày 01/02/2021 của Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng các chỉ tiêu đến năm 2025: tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 – 100%, nông thôn là 93 – 95%.
Kết luận số 36/KL-TW của Bộ Chính trị ngày 26/3/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030 xác định mục tiêu “Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017; trong đó tại Mục tiêu 6.1 “Đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ, công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người”, mục a, b: Giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật, công nghệ xử lý… về cấp nước, đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và nước sạch an toàn.
Việc cung cấp nước sạch khu vực đô thị và khu vực nông thôn đang được quản lý khác nhau từ công tác quy hoạch, chất lượng đầu tư xây dựng, khai thác vận hành, chất lượng dịch vụ. Đối với khu vực đô thị, việc kiểm soát chất lượng và lưu lượng nước sạch cho các khu đô thị mới, khu dân cư cuối mạng còn hạn chế. Đối với khu vực nông thôn, nhiều công trình cấp nước có chất lượng nước không đảm bảo quy định, công trình hư hỏng, không bền vững do nguồn nước nhỏ lẻ bị ô nhiễm, cạn kiệt, thiếu nguồn lực cho vận hành, bảo trì, cải tạo công trình.
Luật Quy hoạch năm 2017 và văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể nội dung cấp nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Các đồ án quy hoạch tỉnh được lập trong thời gian qua có nội dung rất khác nhau; nhìn chung quy hoạch cấp nước tỉnh chưa đủ nội dung lập các dự án đầu tư, chưa đáp ứng tính chuyên ngành. Theo Luật Quy hoạch đô thị (Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn) và Luật Xây dựng, bao gồm quy hoạch cấp nước trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, vùng huyện nhưng không bao gồm phạm vi toàn tỉnh; do đó, nội dung quy hoạch cấp nước trong các quy hoạch này thiếu tính liên kết vùng và bị giới hạn trong phạm vi đô thị, nông thôn, vùng huyện. Từ việc phân giao quản lý cấp nước, nội dung quy hoạch cấp nước thiếu tính gắn kết khu vực đô thị, nông thôn, thiếu tính vùng; chủ yếu tập trung huy động nguồn lực tư nhân đầu tư lấp kín khu vực cấp nước còn thiếu; dẫn đến phát triển cấp nước manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, hạn chế hỗ trợ phát triển cấp nước nông thôn.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhu cầu đầu tư công trình cấp nước quy mô vùng từ 02 tỉnh cần lựa chọn nguồn nước bền vững, dẫn nguồn nước từ xa khó thực hiện do chi phí đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư thấp, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ.
Mô hình quản lý cấp nước khu vực nông thôn đa dạng bao gồm: Ủy ban nhân dân xã, hợp tác xã, thôn, bản, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty cổ phần hoặc tư nhân; năng lực vận hành công trình cấp nước nông thôn (cộng đồng, UBND xã, tư nhân…) chưa đáp ứng yêu cầu hoặc thiếu kiểm soát, không bảo đảm chất lượng dịch vụ cấp nước và tính bền vững của công trình. Chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước nông thôn (công trình cấp nước phân tán) chưa đáp ứng quy chuẩn chất lượng nước sạch, quy chuẩn kỹ thuật cấp nước.
Đầu tư công trình cấp nước nông thôn chi phí cao nhưng giá nước sạch quá thấp không đảm bảo đủ chi phí tái đầu tư, thậm chí cả chi phí vận hành, bảo trì công trình.
Giải pháp thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn
1. Giải pháp nguồn nước
Kết hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị và nông thôn, xác định nhu cầu sử dụng nước sạch, khả năng đáp ứng của nguồn nước hiện có; xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước, khu vực nguồn nước chịu tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn, khu vực chịu tác động ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch tài nguyên nước, xác định nguồn khai thác nước bền vững (có lưu lượng, chất lượng bảo đảm theo thời gian và tác động biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội), có khả năng dẫn nước thô, nước sạch đi xa, phát triển vùng cấp nước theo một hoặc một số nhà máy nước quy mô lớn.
2. Giải pháp quy hoạch, phân vùng cấp nước
Quy hoạch cấp nước phải hình thành một số vùng cấp nước theo một hoặc một số nhà máy nước có quy mô công suất cấp nước lớn, phạm vi cấp nước rộng không phụ thuộc địa giới hành chính trên địa bàn một tỉnh hay nhiều tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển cấp nước bền vững, vùng cấp nước và nội dung quy hoạch cấp nước phải được xác định trong quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư cấp nước. Đề xuất giải pháp quy hoạch theo hướng:
Phương án 1: Quy hoạch cấp nước là một nội dung trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn. Bổ sung quy định cụ thể về nội dung quy hoạch cấp nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; trong đó xác định cụ thể các vùng cấp nước theo từng nhà máy nước quy mô lớn, truyền dẫn nước đi xa và kết nối hệ thống mạng đường ống truyền tải nước sạch cho đô thị và nông thôn toàn tỉnh.
Phương án 2: Quy định quy hoạch chuyên ngành cấp nước tỉnh được lập riêng cho các tỉnh nhằm cụ thể hóa nội dung cấp nước trong quy hoạch tỉnh và được cụ thể hóa trong đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn.
3. Giải pháp quản lý vùng phục vụ cấp nước
Một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước. Quy định về vùng phục vụ cấp nước, các yêu cầu đối với vùng phục vụ cấp nước; điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước khi không đáp ứng chất lượng dịch vụ và không bảo đảm cấp nước an toàn.
Quản lý vùng phục vụ cấp nước theo hướng phát triển mở rộng theo vùng cấp nước đã được xác định trong quy hoạch cấp nước; kết hợp giao đơn vị cấp nước đang thực hiện dịch vụ cấp nước khu vực đô thị, khu chức năng thực hiện dịch vụ cấp nước đối với vùng cấp nước thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhằm kết nối cấp nước đô thị và nông thôn; hỗ trợ đầu tư và bù chéo giá nước sạch cho dân cư khu vực nghèo.
4. Giải pháp tổ chức quản lý, vận hành công trình
Định hướng sắp xếp, tổ chức mô hình quản lý cấp nước; trong đó mô hình Công ty cổ phần, TNHH MTV đáp ứng yêu cầu phát triển; có lộ trình chuyển đổi Trung tâm nước sạch nông thôn sang Công ty TNHH MTV hoặc Công ty cổ phần; từng bước nâng cao năng lực hoặc thay thế mô hình cộng đồng, UBND xã đang vận hành công trình nhà máy nước, trạm xử lý nước sang hình thức thuê quản lý vận hành. Đối với mô hình hợp tác xã, tư nhân cần kiểm soát đảm bảo năng lực quản lý vận hành và thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn.
5. Giải pháp thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đầu tư, vận hành công trình cấp nước và chất lượng nước sạch
Thống nhất ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đầu tư, vận hành công trình cấp nước; bảo đảm chất lượng đầu tư công trình cấp nước tập trung hay phân tán khu vực đô thị hay nông thôn đáp ứng yêu cầu bền vững; ứng dụng công nghệ xử lý nước hiện đại, công nghệ thông tin trong vận hành khai thác công trình.
Quy định chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích ăn uống đã được ban hành thống nhất tại Quy chuẩn QCVN 01:2018/BYT; việc áp dụng quy chuẩn này còn gặp khó khăn đối với công trình cấp nước phân tán do công tác đầu tư, phát triển cấp nước từ nhiều năm trước để lại.
6. Giải pháp quản lý nhà nước về cấp nước
Để đảm bảo quản lý thống nhất về cấp nước cần rà soát, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các cơ quan từ Trung ương tới địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cấp nước với mục tiêu thống nhất quản lý Nhà nước về cấp nước; cụ thể:
Tại Trung ương, giao 01 Bộ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cấp nước trên phạm vi cả nước;
Tại địa phương, giao 01 Sở tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý phát triển cấp nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về cấp nước
Để các giải pháp thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn được thực thi và đáp ứng mục tiêu đặt ra cần phải xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về cấp nước, cụ thể là Luật Cấp, Thoát nước và các văn bản dưới Luật.
Thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nghiên cứu Đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước trình Chính phủ tháng 12/2023; Chính phủ đã thông qua tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01/12/2023 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023. Dự kiến Luật Cấp, Thoát nước sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất vào tháng 5/2025 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025.
Trong quá trình nghiên cứu Đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước, giải pháp thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn đã được nghiên cứu đồng thời và được thể hiện trong Đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước. Luật Cấp, Thoát nước được ban hành là cơ sở pháp lý cho thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn.
Nguyễn Minh Đức
Trưởng phòng Quản lý cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng