Từ thực tế…
Tất cả mọi người đều cần có nước để tồn tại. Riêng với phụ nữ, nước còn có nhiều ý nghĩa hơn thế. Nước không chỉ dùng để uống, nấu nướng và tưới tiêu. Trong gia đình, phụ nữ thường phải đảm nhận vai trò tích đủ nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ngay cả khi tình hình đã được cải thiện hơn, phụ nữ vẫn thường phải di chuyển xa để lấy nước cho gia đình.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, “nước” còn là môi trường làm việc, lao động sản xuất của nhiều phụ nữ. Tại các cơ quan, doanh nghiệp ngành cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, phụ nữ trở thành người đưa ra các quyết sách quan trọng, lãnh đạo công ty.
Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng ADB, hiện nay tỷ lệ lao động nữ tham gia làm việc và lãnh đạo doanh nghiệp chưa chiếm đến 17%. Trong khi đó phụ nữ và trẻ em gái là những người tiếp xúc, am hiểu và có điều kiện nắm bắt thông tin, tầm nhìn quản trị khá tốt liên quan đến chương trình nước sạch và quản lý nước. Rào cản này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: văn hoá, tập quán, thể chế… Đây là các khoảng trống về bình đẳng giới cần được bổ sung, lấp đầy và phát huy nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong vận hành, phát triển ngành Nước.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường (NCCTN&MT) cho biết, ở Việt Nam, đối với vấn đề giới, Chính phủ đã có dành nhiều sự quan tâm với những chương trình, chiến lược phát triển quốc gia về bình đẳng giới. Song, thực tế triển khai bình đẳng giới còn tồn tại những hạn chế nhất định khi đưa vào áp dụng tại từng đơn vị.
Đáng chú ý theo kết quả khảo sát tổng quan tại Việt Nam về lao động nữ tại các doanh nghiệp ngành Nước của Viện NCCTN&MT, tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp cao hơn (34%) so với nam giới (2,5%). Trong khi mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động nữ tại các doanh nghiệp chiếm 27% đến năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Đi vào thực tiễn
Nhận thấy hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội (GEDSI) có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động ngành nước, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) và ADB đã phối hợp tổ chức các chương trình hợp tác cụ thể. VWSA xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong năm 2024.
Theo đó, tại Tuần lễ nước Việt Nam (Vietnam Water Week) diễn ra vào tháng 11/2024 tới đây, ADB sẽ tham gia thảo luận, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác, hội viên có nhiều kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới trình bày, chia sẻ thông tin tại hội thảo.
Song song với đó, VWSA và ADB phối hợp tổ chức tổ công tác nghiên cứu triển khai tập huấn, thảo luận chương trình “Xác định khoảng trống và cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Nước”.
Trong quý III năm 2024, đoàn công tác do TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện NCCTN&MT làm trưởng đoàn đã có chuyến đi khảo sát công tác Bình đẳng giới tại Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai.
Để tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công cụ đánh giá bình đẳng giới trong doanh nghiệp GEARS. Đây là công cụ được Cơ quan Bình đẳng Giới tại nơi làm việc của Chính phủ Úc (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) phát triển và được Tổ chức về Bình đẳng Giới tại Việt Nam (VBCWE) điều chỉnh theo thực tế tại Việt Nam. Bộ công cụ này từng được áp dụng tại một số doanh nghiệp lớn tại Philippines và Indonesia.
GEARS giúp xác định các khoảng trống trong 10 lĩnh vực ưu tiên liên quan tới quản lý, bồi dưỡng cán bộ, người lao động và các vấn đề giới tại doanh nghiệp và nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng. Doanh nghiệp tham gia đánh giá sẽ được tư vấn các vấn đề về xây dựng chiến lược, chính sách và giải pháp giúp nâng cao bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Sử dụng công cụ GEARS nhằm đánh giá bình đẳng giới trong lao động là bước đầu trong hành trình tiến tới bình đẳng giới tại nơi làm việc của doanh nghiệp – một trong những đánh giá sơ bộ giúp cung cấp thông tin cho tiến trình thực hiện chiến lược tổng thể về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Dữ liệu phân tích sẽ giúp doanh nghiệp nhìn lại về sự cân bằng giới và xu hướng chuyển dịch lao động trong doanh nghiệp. Đánh giá chính sách và thực thi chính sách của doanh nghiệp so với thực tiễn tại các công ty hàng đầu khác.
Quá trình đánh giá bằng công cụ GEARS bao gồm việc trả lời các câu hỏi “Có” hoặc “Không” xuyên suốt 10 lĩnh vực trọng điểm về bình đẳng giới và số điểm tổng kết sẽ chỉ ra hiện trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp. GEARS cũng thu thập dữ liệu về nguồn nhân lực để đánh giá tác động của chiến lược và thực tiễn áp dụng bình đẳng giới lên sự tham gia của các giới trong doanh nghiệp. VBCWE hỗ trợ doanh nghiệp phân tích dữ liệu và viết báo cáo về kết quả đánh giá, đưa ra các đề xuất, khung thời gian và nguồn lực cần thiết để cải thiện hiện trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp.
Với phương pháp này, đoàn công tác đã phỏng vấn các cán bộ lãnh đạo Công đoàn, Đảng uỷ, cán bộ khối kỹ thuật, khối kinh doanh, khối hành chính… cũng như một số cán bộ nữ khối kỹ thuật đang đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng và các cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động, cán bộ y tế, cán bộ ban nữ công…. để có cái nhìn tổng thể về công tác Bình đẳng giới.
Bà Hạ Thúy Hạnh bày tỏ mong muốn, thông qua phương pháp này, nhóm nghiên cứu có thể đánh giá sơ bộ thực tế triển khai các hoạt động bình đẳng giới tại các doanh nghiệp ngành Nước hiện nay. Từ đó tìm ra các giải pháp hướng tới xây dựng chiến lược bình đẳng giới trong lao động như: hướng tới cân bằng giới tính trong lực lượng lao động, cung cấp phúc lợi gia đình cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tạo ra văn hóa công ty thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền lợi quyền tiếp cận bình đẳng với phát triển chuyên môn, loại bỏ sự thiên vị trong tuyển dụng, quản lý nhân tài và lập kế hoạch kế nhiệm, ngăn chặn quấy rối và phân biệt đối xử, đào tạo và phổ biến về bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Khiêm Anh