Khai thác và phát huy tiềm năng nhân lực ngành Nước

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường (NC CTN&MT).

Khai thác và phát huy tiềm năng nhân lực ngành Nước- Ảnh 1.

Thưa bà, hiện nay, ngành Nước đang đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy điều này đã được thể hiện như thế nào trong năm 2023?

Nội dung về phát triển nguồn nhân lực của ngành Nước đặc biệt là ngành Cấp, Thoát nước Việt Nam hiện nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt trong những vấn đề về thích ứng BĐKH toàn cầu hiện nay. Theo đánh giá, trong năm qua, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã tổ chức triển khai nhiều khóa đào tạo tập huấn trong nước và quốc tế.

Năm 2023, Viện Nghiên cứu CTN&MT – Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã đào tạo hơn một ngàn cán bộ nhân viên đến từ 290 lượt đơn vị tham gia đào tạo tập huấn trong nước về những nội dung tập huấn liên quan tới thể chế chính sách cũng như những văn bản luật mới, các kiến thức kỹ thuật. Trong cuộc phỏng vấn này, tôi mong muốn tập trung vào phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ngoài.

Khai thác và phát huy tiềm năng nhân lực ngành Nước- Ảnh 2.

Khóa đào tạo cho lãnh đạo ngành Nước tại Phần Lan và Thụy Điển 2023

Thực tiễn ngành Cấp, Thoát nước là một ngành có truyền thống lâu đời. Việc đào tạo tập huấn ở nước ngoài vô cùng cần thiết. Không chỉ nâng cao kiến thức về các công nghệ mới trong ngành Cấp nước, Thoát nước và Xử lý môi trường; mà còn hỗ trợ cán bộ nhân viên kỹ thuật, các nhà quản lý có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng trong đó có các việc để xây dựng thể chế chính sách, cũng như công nghệ mới. Đặc biệt là trong năm 2023-2024, VWSA đã được phối hợp với Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) để xây dựng Luật Cấp thoát nước dựa trên 2 Nghị định cũ là Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định về Cấp Thoát nước. Theo đánh giá của chúng tôi, việc xây dựng thể chế chính sách về cấp thoát nước ở nước ta đa phần đã tiếp cận luật của quốc tế với nhiều nội dung phù hợp tiêu chuẩn của thế giới.

Các vấn đề biến đổi khí hậu, cam kết phát thải ròng “Zero Carbon” vào năm 2050 hay những kỹ thuật công nghệ mới trong vấn đề xử lý môi trường nhận được nhiều quan tâm. Qua thực tế, mặc dù mới bước đầu triển khai, song Viện nghiên cứu CTN&MT trực thuộc VWSA đã tổ chức khóa đào tạo tập huấn dành cho các cán bộ của một số các doanh nghiệp nhà nước tại nước ngoài.

Cụ thể trong tháng 8/2023, Viện đã tổ chức triển khai tập huấn tại Phần Lan và Thụy Điển. Đây là hai nước có truyền thống hợp tác lâu đời với Việt Nam trong các vấn đề về ngành nước. Trong đó, Phần Lan vốn là quốc gia đã có nhiều hoạt động đào tạo, giới thiệu nhiều công nghệ kỹ thuật cho Việt Nam. Tại Thụy Điển là nơi tổ chức Tuần lễ Nước Quốc tế. Vì vậy, đoàn công tác tập huấn đã có dịp tham dự Tuần lễ Nước Quốc tế; học hỏi kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề cộng đồng cũng như vấn đề về bình đẳng giới trong ngành Nước.

Sau khi kết thúc khóa tập huấn tại nước ngoài, Viện cũng tổ chức một số hội thảo tại Việt Nam để nhân rộng những kiến thức tiếp thu tại nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá số lượng tham gia so với tiềm năng doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành vẫn còn khiêm tốn. Trong khi các nội dung về hoạch định chính sách, doanh nghiệp; kỹ năng công nghệ mới xử lý nước, bổ trợ nguồn nước ngầm,… là hết sức quan trọng. Thêm vào đó, vấn đề thoát nước được các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm và có những quy định nhất định về thể chế. Tuy nhiên, vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm tại Việt Nam như kỳ vọng. Trong thời gian tới mà cụ thể là năm 2024 trình dự thảo Luật Cấp, Thoát nước chúng tôi sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo tập huấn nước ngoài, chúng tôi kỳ vọng vấn đề thoát nước sẽ được quan tâm hơn nữa. Bởi cấp và thoát nước phải thực hiện song song với nhau quan trọng như nhau cùng với thích ứng với BĐKH.

Theo bà, thực tế hiện nay còn tồn tại những vướng mắc nào khiến cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực gặp phải nhiều khó khăn? Các doanh nghiệp cần làm gì để tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên trau dồi và phát triển năng lực hơn nữa?

Theo tôi, để đào tạo năng lực cho các cán bộ, nhân viên doanh nghiệp ngành nước, trước hết phụ thuộc vào chiến lược phát triển và kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Thứ hai, phụ thuộc vào người đứng đầu doanh nghiệp có xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của đơn vị để tăng cường năng lực hay không dựa trên tình hình kinh doanh sản xuất và các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Nước.

Thứ ba, chúng tôi nghĩ rằng nguyên nhân lớn nhất đến từ việc nguồn kinh phí chưa được dồi dào đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp ngành Nước có tính đặc thù hơn so với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác. Bởi nước sạch là sản phẩm thiết yếu cho xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Giá nước sạch sinh hoạt đã được định giá nhưng vẫn cần được hỗ trợ các cơ chế chính sách đặc thù nhằm phục vụ cộng đồng tốt hơn. Điều đó thể hiện rõ vai trò sứ mệnh của các công ty thay vì chỉ tính tới bài toán kinh tế trong sản xuất và giảm thất thoát.

Khai thác và phát huy tiềm năng nhân lực ngành Nước- Ảnh 3.

Hội thảo “Giải pháp công nghệ và quản lý nước – kinh nghiệm nhìn từ Phần Lan, Thụy Điển và các đối tác quốc tế”

Mặt khác, chúng tôi đánh giá khó khăn của các đơn vị hiện nay một phần đến từ việc chưa được tiếp cận với công nghệ mới, phù hợp với từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nước ở các vùng miền thường sẽ có tính chất khai thác nguồn nước hay khai thác nước mặn ở điều kiện khí hậu, sinh khái cũng rất khác nhau. Vì vậy các doanh nghiệp ngành Nước cần lựa chọn công nghệ phù hợp, đảm bảo yếu tố về kinh tế – xã hội và môi trường.

Dự kiến trong năm 2024, Viện NC CTN&MT sẽ có những hoạt động gì để phát huy, đánh thức những tiềm năng sẵn có, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường trong và ngoài nước, thưa bà?

Bên cạnh việc tư vấn các vấn đề quy hoạch ngành Nước ở các địa phương, Viện NC CTN&MT trực thuộc VWSA còn tư vấn các vấn đề về xây dựng thể chế chính sách, đặc biệt tham gia cùng VWSA góp ý, thảo luận chính sách và đồng hành trong các sự kiện bên lề của Vietnam Water Week 2024. Viện hy vọng nhiều chương trình hội thảo, hội nghị sẽ có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và thế giới.

Trong năm 2024, Viện tiếp tục thực hiện tổ chức chương trình đào tạo tập huấn ở nước ngoài cho nguồn nhân lực ngành Nước. Từ kinh nghiệm rút ra từ những lần trước đó, Viện sẽ lựa chọn những quốc gia phù hợp cho việc đào tạo và những công nghệ phù hợp. Tạo mạng lưới kết nối, thuận tiện cho hội thảo trực tuyến. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối các giáo sư các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn ngành Nước trên toàn thế giới, họ có thể quan tâm đến Việt Nam hoặc đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam về các vấn đề mang tính thời sự.

Dự kiến trong năm 2024, Viện sẽ tổ chức các khóa đào tạo ở Phần Lan, Thụy Điển, Hungary, Đức và một số nước khác. Đây là một số quốc gia có nhiều hợp tác với VWSA. Tiếp đó là tổ chức đào tạo ngắn hạn cho 2 nhóm đối tượng chính: cán bộ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp ngành Nước và nhóm kỹ thuật. Đối với nhóm kỹ thuật, Viện sẽ tăng cường thời gian đào tạo tập huấn mang tính chất thực hành nhiều hơn. Các nội dung về Số hóa và Bình đẳng giới cũng là nội dung chúng tôi quan tâm.

Năm 2024, VWSA sẽ hợp tác với ADB về hoạt động Bình đẳng giới trong các nhóm đối tác ngành Nước trong đó có nội dung đào tạo Bình đẳng giới và lồng ghép giảm Giới trong các hoạt động ngành Nước. Viện sẽ xây dựng các chương trình làm việc với ADB để khảo sát, đánh giá lại các công tác giới trong nước như tỷ lệ lãnh đạo giới trong các doanh nghiệp ngành Nước, vấn đề phân công lao động theo giới, tỷ lệ của giới và những thứ ưu tiên của giới trong vấn đề phát triển ngành Nước hiện nay đặc biệt trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, biến đổi khí hậu,…

Chúng tôi hy vọng vào năm 2024, Viện tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cũng như sự đồng hành của các Hội viên, Doanh nghiệp ngành Nước để góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành Nước phục vụ cho kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam tiếp cận với Chương trình quản lý doanh nghiệp toàn cầu; Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường, trực thuộc VWSA, giới thiệuChương trình tập huấn lãnh đạo toàn cầu SI Global Executive Programme 2024của Viện Thuỵ Điển (SI)

Nội dung đào tạo:Chương trình cung cấp các công cụ và kiến thức đã được kiểm chứng từ các chuyên gia, nhằm đặt tính bền vững vào trọng tâm xây dựng chiến lược doanh nghiệp và nâng khả năng lãnh đạo lên tầm cao mới, gắn với “Chuyển đổi xanh”

Thời gian:Từ tháng 5-11/2024, với một mô-đun (01 tuần) tại Thụy Điển (tháng 10/2024).

Kinh phí:được tài trợ kinh phí hoàn toàn bởi Chính phủ Thụy Điển

Cách đăng ký online tham dự khoá học:

· Link: Đăng ký tham dự khóa học tại https://si.se/sigep.

· Thời gian nộp đơn: 12/02 – 12/03/2024

· Quy trình tuyển chọn: Cán bộ đăng ký tham dự khóa học sẽ được đánh giá chi tiết qua hồ sơ đăng ký online.

Chung Anh

Các bài viết liên quan