Để nắm rõ hơn về tính cấp thiết và quan trọng trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA).
PV: VWW 2024 có chủ đề “Phát triển ngành Nước Việt Nam – an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập”. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề an toàn và an ninh ngành Nước hiện nay? Theo ông đâu là những giải pháp căn bản cho vấn đề này?
Ông Trần Anh Tuấn: Nước là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta và đóng vai trò vô cùng quan trọng; là một loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt không thể thay thế đối với đời sống con người và phát triển kinh tế xã hội.
Theo Viện Hải dương học Mỹ, tổng lượng nước trên thế giới khoảng 1.380 km3. Trong đó 97% nước mặn và khoảng 3% nước ngọt. Tuy nhiên con người chỉ tiếp cận được khoảng 1% lượng nước ngọt, lượng nước còn lại bị giữ lại dưới lòng đất.
Ở Việt Nam, lượng nước mặt sông suối tự nhiên có khoảng 80% đến từ nước ngoài dẫn vào Việt Nam. Các yếu tố quản lý nước theo lưu vực sông liên quốc gia và ảnh hưởng Biến đổi khí hậu, nước biển dâng (BĐKH, NBD) ngày càng có diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước mặt tự nhiên của Việt Nam.
Thực trạng hệ thống cấp, thoát nước của các đô thị và các khu dân cư tính đến 2023: Cấp nước khu vực đô thị có trên 250 doanh nghiệp cấp nước (750 nhà máy nước, công suất thiết kế 12,6 triệu m3/ngđ, tỷ lệ cấp nước sạch 95%; tỷ lệ thất thoát 16,5% còn nhiều đô thị tỷ lệ này trên 20%). Cấp nước khu vực nông thôn: trên 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trên 10 triệu công trình cấp nước quy mô hộ gia đình. Tỷ lệ cấp nước 92,5% đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT; Hệ thống thoát nước (HTTN) đô thị đa phần là HTTN chung, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chất lượng xuống cấp, tỷ lệ bao phủ khoảng 64%. Ảnh hưởng của BĐKH, NBD và ngập úng xuất hiện hầu hết các đô thị, đặc biệt là đô thị cửa sông, ven biển. Sạt lở, úng ngập đã xảy ra cả ở các đô thị trung du miền núi; Thoát nước và xử lý nước thải có 50 đô thị trên toàn quốc có 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị, công suất thiết kế khoảng 1,466 triệu m3/ngày, công suất vận hành thực tế 670.000 m3/ngày (chưa tính Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng khánh thành ngày 30/8/2024, nâng công suất xử lý nước thải lên 469.000m3/ngày đêm); tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt khoảng 15%. Các Khu công nghiệp có khoảng 262/291 khu đang có công trình xử lý nước thải tập trung, tổng công suất 1,2 triệu m3/ngày; tỷ lệ thu gom xử lý đạt 90%.
Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng ảnh hưởng an sinh xã hội và phát triển KT-XH. Nhưng chính sách về CTN hiện đang bị chi phối bởi nhiều luật liên quan, thiếu sự thống nhất trong quản lý phát triển ngành CTN cũng như những giải pháp phù hợp. Cần có luật chuyên ngành CTN đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và thu gom, xử lý nước thải từ chiến lược, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác, vận hành hệ thống CTN. Đó là lý do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam xác định chủ đề của sự kiện thường niên Tuần lễ nước Việt Nam 2024 – VWW 2024 là “Phát triển ngành Nước Việt Nam – an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập”
PV: Chủ đề của VWW năm nay là an ninh và an toàn nước, vậy với những thực trạng kể trên, trong Dự thảo Luật CTN sẽ có chính sách nào dành cho an ninh, an toàn nước không?
Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay, Bộ Xây dựng là cơ quan được chủ trì xây dựng Luật Cấp, Thoát nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự kiến vào kỳ tháng 10/2025 với 3 chính sách cơ bản được đề xuất bao trùm các vấn đề được xác định trong Luật:
Đầu tiên là phát triển Hệ thống cấp nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch:
(i) Xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải phục vụ công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển và quản lý, vận hành công trình (hệ thống);
(ii) Xây dựng chiến lược phát triển cấp, thoát nước phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng;
(iii) Nội dung quy hoạch hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất và ứng phó BĐKH, NBD trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn;
(iv) Xây dựng kế hoạch phát triển cấp, thoát nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và các đô thị tỉnh lỵ;
(v) Ưu tiên, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho cấp nước sinh hoạt; Đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước phù hợp quy hoạch, kế hoạch; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch và yêu cầu bảo vệ môi trường;
(vi) Thống nhất quản lý cấp, thoát nước về chiến lược, quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật.
Kế tiếp là chính sách quản lý, vận hành khai thác hệ thống cấp, thoát nước:
(i) Nâng cao năng lực đơn vị cấp, thoát nước trong vận hành khai thác công trình và cung cấp dịch vụ (quy định điều kiện năng lực);
(ii) Quản lý vận hành công trình cấp, thoát nước ứng dụng công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế;
(iii) Nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đơn vị cấp, thoát nước trong quản lý, cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước (Hợp đồng thực hiện dịch vụ cấp, thoát nước);
(iv) Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp, thoát nước, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của đơn vị CTN và khách hàng sử dụng dịch vụ (Quy định chất lượng, quyền lợi, trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng);
(v) Quản lý rủi ro trong hoạt động cấp, thoát nước; đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước sạch và quản lý thoát nước an toàn, bền vững.
Chính sách thứ 3 là bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước:
(i) Huy động, tập trung các nguồn lực nhà nước và các nguồn lực khác cho đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải;
(ii) Quản lý giá dịch vụ cấp, thoát nước đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; (iii) Quản lý hiệu quả các nguồn lực và nguồn thu từ hoạt động, dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
PV: Được biết Dự thảo Luật CTN đang trong quá trình xây dựng và nhận góp ý nhằm hoàn thiện, dự kiến tháng 10/2025 sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét. Vậy những nội dung quan trọng nào trong Dự thảo Luật CTN sẽ được bàn thảo trong sự kiện VWW năm nay?
Ông Trần Anh Tuấn: Sự kiện thường niên Tuần lễ nước Việt Nam – VWW 2024 được tổ chức với 3 hội thảo chính: Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước; Quản lý vận hành hệ thống CTN bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản trị doanh nghiệp ngành Nước thông minh, hiệu quả và tăng khả năng chống chịu; cùng các hội thảo chuyên đề song song. Sự kiện VWW 2024 kết hợp Triển lãm các công nghệ thiết bị vật tư ngành Nước hiện đại, thân thiện với môi trường;
Tại phiên Hội thảo Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước, các nội dung được đề xuất thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề chuyên ngành CTN và xử lý nước thải (sinh hoạt, công nghiệp): Định hướng chiến lược, nội dung quy hoạch, kế hoạch phát triển CTN ứng phó BĐKH, NBD; tổ chức thực hiện và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ cho công tác quản lý phát triển ngành; Các vấn đề chính về đầu tư, hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư giữa cơ quan nhà nước và tư nhân (PPP); Cơ chế, chính sách tài chính, thu hút đầu tư, vận hành khai thác ngành nước, giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ CTN đảm bảo an toàn, an sinh, chất lượng nước; Công nghệ, kỹ thuật, nguồn nhân lực và các vấn đề liên quan ngành CTN.
PV: Ngành Nước của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với lũ lụt và úng ngập, vậy cần có những giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này và trong Luật CTN sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Như chúng ta đã thấy mức độ ảnh hưởng BĐKH, NBD cũng như các bất thường thời tiết “mưa cực đoan” bão lũ và thiên tai đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở tại các đô thị không chỉ vùng đồng bằng, cửa sông ven biển mà cả các vùng cao gây ảnh hưởng lớn đến anh sinh và phát triển KT-XH.
Hệ thống thoát nước mặt, thu gom xử lý nước thải (gọi chung là hệ thống thoát nước) các đô thị, khu dân cư cũng như cung cấp các dịch vụ thoát nước là dịch vụ công (công ích) thuộc quản lý của chính quyền theo phân cấp. Việc đầu tư xây dựng, bảo trì sửa chữa hệ thống thoát nước chủ yếu từ nguồn ngân sách thường hạn chế (và không theo kịp sự phát triển đô thị, dân cư đô thị hóa). Quản lý phát triển hệ thống thoát nước thiếu các cơ chế chính sách hấp dẫn, thu hút các nguồn lực đầu tư. Các yếu tố kỹ thuật, điều kiện khí tượng thủy văn tại các vùng miền không theo các quy luật trước đây là những yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến ngập úng đô thị,…
Dự thảo Luật CTN là một cơ hội chúng ta đề xuất các cơ chế, chính sách thống nhất từ định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện đồng bộ và đặc biệt đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước. Các yêu cầu quản lý, các điều kiện kỹ thuật, quy chuẩn/tiêu chuẩn và các vấn đề liên quan như cao độ nền đô thị, hồ điều hòa, vùng ngập, sạt lở,… cũng như tài chính, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và giá dịch vụ thoát nước được quy định quản lý thống nhất sẽ được thảo luận đưa vào nội dung Dự thảo Luật CTN.
Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Vietnam Water Week 2024
Sự kiện Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – VWW 2024 với chủ đề “Phát triển ngành Nước Việt Nam – an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập” được tổ chức từ ngày 6 – 8 tháng 11 năm 2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), số 01 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Tham dự sự kiện dự kiến có trên 1.000 đại biểu từ các đơn vị hội viên, các doanh nghiệp, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế,… các cơ quan quản lý cùng tham gia góp ý, xây dựng, kết nối, lan tỏa chủ trương, chính sách ngành Nước, các nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến và các lĩnh vực liên quan CTN tại các diễn đàn các hội thảo, trưng bày triển lãm các công nghệ mới tiên tiến, thích ứng BĐKH, NBD… của VWW 2024.
An Nhiên