Sự thay đổi liên quan đến việc rời xa tư duy tuyến tính trong cách lập kế hoạch, thiết kế và vận hành cơ sở hạ tầng nước trong môi trường đô thị để hướng tới cách tiếp cận tuần hoàn và khả năng phục hồi. Báo cáo được chuẩn bị bởi nhóm chuyên gia gồm Diego J. Rodriguez, Carlo Alberto Amadei, Midori Makino và Anna Delgado (các chuyên gia của WB).
Khi các thành phố phát triển, những thách thức về nước đô thị càng tăng. Người ta ước tính rằng dân số đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050, sự gia tăng này có tác động nghiêm trọng đến nhu cầu nước đô thị. Tăng sử dụng nước đô thị cũng sẽ dẫn đến nhiều nước thải và ô nhiễm nước hơn. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng về nước đã tồn tại từ trước và đã có tác động có thể đo lường được đối với chu trình nước đô thị, làm thay đổi số lượng, sự phân phối, thời gian và chất lượng của nước sẵn có.
Nhóm chuyên gia của WB đã xác định một số thách thức chính về khủng hoảng nước hiện tại, bao gồm: Dân số gia tăng, nền kinh tế đang phát triển và mô hình tiêu dùng thay đổi đã làm tăng nhu cầu về tài nguyên nước. Các dự báo cho thấy đến năm 2050, nhu cầu nước toàn cầu sẽ tăng từ 20% đến 30% trừ khi có mô hình tiêu thụ thay đổi đáng kể.
Nước rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội và là một yếu tố đóng góp trong hầu hết các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Tuy nhiên, nước bị định giá thấp và không có các biện pháp khuyến khích thích hợp để sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả.
Ô nhiễm nước do các hoạt động của con người gây ra làm tổn hại đến sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, đồng thời gây nguy hiểm hơn nữa cho tính bền vững của nguồn cung cấp nước. Khoảng 80% nước thải của thế giới – hơn 95% ở một số nước đang phát triển – vẫn được thải ra môi trường chưa qua xử lý (nguồn WWP- World Water Policy ). Biến đổi khí hậu đang làm cạn kiệt nguồn nước trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi các chu trình thủy văn và làm tăng thời gian, tần suất và cường độ của các hiện tượng cực đoan liên quan đến nước, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán, khiến nguồn nước trở nên khó dự đoán và quy hoạch nước rất khó khăn.
Về các thách thức của nước đối với khu vực thành thị, nhóm chuyên gia ngành nước của WB đánh giá bao gồm:
– (i) Các dự báo dân số đô thị trên toàn thế giới sẽ gần gấp đôi vào năm 2050, mức tăng có ý nghĩa nghiêm trọng đối với nhu cầu nước đô thị. Đô thị đang phát triển, sử dụng nước tang lên cũng sẽ dẫn đến nhiều nước thải hơn và ô nhiễm nước nhiều hơn. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm Áp lực nguồn nước tồn tại từ trước và càng tác động mạnh đối với chu trình nước đô thị, thay đổi về số lượng, phân phối, thời gian và chất lượng nước .
– (ii) Những thách thức liên quan đến nước ở khu vực đô thị có thể có tác động trên diện rộng, lan truyền trong nền kinh tế,
– (iii) Lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng bởi tính hay thay đổi, tính thời vụ và các hiện tượng thời tiết cực đoan trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu,
– (iv) Các nhà cung cấp dịch vụ cấp nước và vệ sinh đô thị, thường là các tổ chức dịch vụ công, phải đối mặt với những thách thức này, bên cạnh các vấn đề về hiệu suất và chi phí dịch vụ hiện có,
-(v) Nền kinh tế tuần hoàn và các nguyên tắc phục hồi mang lại cơ hội giải quyết những thách thức về nước đô thị này bằng cách cung cấp một cách tiếp cận có hệ thống và mang tính biến đổi để cung cấp các dịch vụ cấp nước và vệ sinh theo cách bền vững, toàn diện, hiệu quả và linh hoạt hơn.
Trước những thách thức về nước, nền kinh tế tuần hoàn đã nổi lên như một giải pháp hiệu quả. Trong nền kinh tế tuần hoàn, nước được coi là nguồn tài nguyên hữu hạn.
Để đạt được đầy đủ lợi ích, một hệ thống nước tuần hoàn cần phải có khả năng phục hồi và tính toàn diện. Khả năng phục hồi nên được tích hợp vào bất kỳ chiến lược tuần hoàn nào để chuẩn bị cho các thành phố đối phó với những cú sốc và yếu tố gây căng thẳng không chắc chắn nhằm tránh những tác động không mong muốn của sự gián đoạn hoặc thất bại của các dịch vụ cấp nước. Khi các nước đang phát triển tiếp tục phát triển và đô thị hóa, cần phải được hỗ trợ khi chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn để các nhóm dễ bị tổn thương cũng được hưởng lợi từ những can thiệp sau đó.
Khung về nước trong nền kinh tế tuần hoàn và khả năng phục hồi (WICER) đã được nhóm chuyên gia đề xuất trên cơ sở các bài học rút ra từ các nghiên cứu điển hình và kinh nghiệm có liên quan. Khung WICER phục vụ hướng dẫn việc kết hợp các nguyên tắc trong chính sách và chiến lược, lập kế hoạch, ưu tiên đầu tư, thiết kế và vận hành.
Khung WICER mô tả các hành động chính (màu xanh đậm) để đạt được ba kết quả chính đối với ngành nước đô thị và các thành phố, gồm: (1) Cung cấp các dịch vụ bền bỉ và toàn diện; (2) Loại bỏ chất thải và ô nhiễm; và (3) Bảo tồn và tái tạo các hệ thống tự nhiên.
Đầu ra 1. Cung cấp các dịch vụ bền bỉ và toàn diện. Các dịch vụ cấp nước và vệ sinh được thiết kế, lập kế hoạch và thực hiện theo cách đảm bảo khả năng phục hồi lâu dài và tính toàn diện của chúng.. Các dịch vụ thiết lập để đảm bảo rằng tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tầng lớp xã hội và kinh tế, đều được tiếp cận với nguồn cung cấp nước và vệ sinh. Ngay cả các nhóm dễ bị tổn thương cũng không bị ảnh hưởng, đồng thời cũng có những lợi ích từ nền kinh tế tuần hoàn.
Kết quả 2. Loại bỏ chất thải và ô nhiễm. Các công ty cung cấp nước và vệ sinh chuyển đổi sang sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tạo nhiều đầu ra hơn (nước, năng lượng, chất dinh dưỡng và các tài nguyên và dịch vụ khác) với ít đầu vào hơn (ít năng lượng hơn, ít hóa chất hơn), khép kín các vòng lặp của vật liệu và tài nguyên càng nhiều càng tốt và giữ tài nguyên trong tái sử dụng, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.
Kết quả 3. Bảo tồn và tái tạo các hệ thống tự nhiên. Một ngành nước tuần hoàn và có khả năng phục hồi không chỉ giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tích cực khôi phục các hệ thống tự nhiên quý giá, nhận ra tầm quan trọng của chúng đối với một tương lai bền vững. Giá trị của tài nguyên nước được công nhận đầy đủ, các tầng chứa nước và lưu vực sông được quản lý, bảo tồn, tái tạo và phục hồi cẩn thận. Các giải pháp dựa trên tự nhiên là không thể thiếu trong hệ thống giải pháp tổng thể trong Kinh tế tuần hoàn.
Rõ ràng, áp dụng Khung WICER không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn cả lợi ích về xã hội, kinh tế và tài chính. Khung WICER có thể đóng góp vào việc đạt được một số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), phù hợp với chương trình nghị sự về khí hậu. Áp dụng Khung WICER giúp thu hút khu vực tư nhân và cải thiện khả năng tiếp cận các hình thức tài chính khác nhau. Một hệ thống nước tuần hoàn và có khả năng phục hồi giúp giảm vốn và chi phí vận hành, đồng thời tăng doanh thu, tạo ra một môi trường hấp dẫn hơn cho khu vực tư nhân. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể đi tắt đón đầu và áp dụng Khung WICER để thiết kế và triển khai các hệ thống nước tuần hoàn và có khả năng phục hồi ngay từ giai đoạn khởi đầu thực hiện.
Một hệ thống nước tuần hoàn và có khả năng phục hồi thúc đẩy việc sử dụng nước, năng lượng và các nguồn tài nguyên khác một cách bền vững và có trách nhiệm, góp phần giảm chất thải và ô nhiễm (chẳng hạn như phát thải khí nhà kính và nước thải), giúp cung cấp các dịch vụ nước bền bỉ và toàn diện, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn tài nguyên nước và môi trường.
TS. Hạ Thúy Hạnh
Phó Viện trưởng Viện NC CTN&MT Hội CTN Việt Nam
(Tổng hợp và lược dịch theo WB và GWSP – Global Water Security and Sanitation Partnership)