Nước trong phong thủy và trong đạo đức học

Nước trong phong thủy và trong đạo đức học - Ảnh 1.

Trong phong thủy học, trong đời sống

Trong phong thủy, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn nguồn năng lượng sống của mọi vật. Nước, hay Thủy, là cội nguồn cho sự phát triển, sinh sôi, hưng thịnh về sức khỏe và tài lộc.

Thực tế cho thấy, nước chiếm 75% trọng lượng cơ thể con người và chiếm từ 50-95% trọng lượng cơ thể các loài sinh vật khác. Con người có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể sống nếu không có nước.

Ngoài ra, nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất công, nông nghiệp hiện nay. 

Trong nông nghiệp, tất cả các cây trồng, vật nuôi đều cần có nước để phát triển. Đây cũng là hoạt động tiêu thụ phần lớn lượng nước của con người mỗi năm. Ấy vậy mà người xưa từng nói: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để thấy nước giữ vai trò tối quan trọng trong sự phát triển của con người.

Trong công nghiệp, nước giúp làm mát hệ thống máy móc, nhà xưởng, là nguyên liệu quan trọng cho lò hơi công nghiệp. Có thể nói, nước hiện hữu một cách vô hình ngay cả trong những vật dụng thường ngày.

Nước là một mắt xích, có nhiều tác động quyết định tới môi trường sống. Con người và các loài sinh vật khác bao đời nay vẫn luôn sử dụng và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên nước sẵn có trên Trái Đất. 

Song, áp lực do dân số thế giới ngày càng tăng đã dần đẩy nguồn tài nguyên có hạn này đến bờ vực cạn kiệt.

Nước trong phong thủy và trong đạo đức học - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Phương Đông Nguyễn Quang Minh

Từ xa xưa, trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển theo từng cấp độ khác nhau, con người đã phát hiện ra rằng, mọi hành vi của loài người đều liên quan đến trật tự sáng – tối của Mặt trời – Mặt trăng, hay của hệ thống các vì sao. 

Bằng việc xác định vị trí các chòm sao mà người xưa có thể đưa ra dự báo thời tiết của năm sắp tới. Sao Bắc Cực phía bên trái có Chùm Thanh Long, bên phải là Chùm Bạch Hổ. Nếu như Chùm Thanh Long này ở đầu xuân mà hạ xuống thì năm đó nắng hạn. Nếu Chùm Bạch Hổ bên tay phải mà ngẩng lên thì năm đó mưa nhiều.

Từ những yếu tố được đúc kết qua nhiều năm, người Á Đông có thể đưa ra phương án canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết trong năm ấy.

Người xưa cũng đã nhận ra rằng, muốn xây dựng một thể chế trường tồn, bền vững và dân sinh hưởng thái bình, ắt phải dựa trên những nguyên tắc cấp vào – thoát ra, hay theo quy luật của dân gian là “vào cha, ra mẹ”.

Điều này được áp dụng tương tự trong ngành Cấp – Thoát nước. Khi xây dựng các công trình cấp nước, thi công và kết thúc phải vào buổi sáng, còn các công trình thoát nước sẽ được thi công và kết thúc trong buổi chiều, bởi theo những căn cứ người xưa quan sát được, buổi sáng là mở, là vào, là cấp, là tiến, còn buổi chiều là lui, là thoát.

Như vậy, cấp thoát nước theo quan niệm của người xưa là một hệ thống xương sống chi phối mọi hoạt động của con người ở mặt triết học, hay tính thực tiễn. Việc tuân thủ những nguyên tắc trước sau như một, lấy nước ở đâu, trả lại về đó là một trong những điều kiện quan trọng quyết định sự phát triển, tồn vong của một quốc gia, một vùng miền, hay nhỏ hơn là một ngôi nhà.

Về phong thủy, bên trái Thanh Long là nơi đưa nước vào nhà, bên phải Bạch Hổ là đường thoát nước ra. Một ngôi nhà phải vào và ra theo đúng trật tự, như khi xây dựng một công trình khoa học trong hệ thống cấp thoát nước. Bên cạnh những thành tựu của khoa học hiện đại, chúng ta cần chú ý thêm những kinh nghiệm hàng nghìn năm được đúc kết từ lúc thô sơ nhất, bởi vì không có cái thô sơ ngày hôm qua sẽ không có những công trình hiện đại hôm nay.

Trong nhiều giai đoạn lịch sử, bước đầu khi chọn kinh đô lập quốc là phải tính được đường nước vào, và bước cuối cùng để hoàn thiện phải tính được đường nước ra. Tất cả các trục vào – ra này được xác định đúng theo nghĩa “vào cha, ra mẹ”. 

Đây cũng là nguyên tắc được áp dụng trong vận hành nước của kinh thành Thăng Long xưa. Tài khí của một quốc gia cũng được quyết định bởi chính vị trí kinh đô của quốc gia đó.

Các chuyên gia phong thủy ở nhiều thời kỳ đã thừa nhận rằng, kinh thành Thăng Long là nơi có nước ngọt nhất, trong tất cả các châu không có châu nào ngọt hơn. 

Nước ở đây ngọt bởi hai yếu tố. Một là, nơi đây nằm trên dải đồng bằng sông Hồng, được thẩm thấu toàn bộ các hương liệu của nước phù sa sông Hồng.

Hai là, nước thuộc Thủy, ngọt thuộc Thổ mà “Sơn quản nhân, Thủy quản tài”, ắt đất này nhân tài mới có.

Đây cũng chính là nguyên nhân cho đến nay chúng ta vẫn giữ Hà Nội là Thủ đô.

Qua những yếu tố trên, ta mới thấy Cấp – Thoát nước ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một quốc gia. Chính các bậc cha ông ta ngày xưa đã rất lưu tâm đến vấn đề này.

Trên thực tế, cấp thoát nước có tắc thì con người vẫn có thể tồn tại, nhưng giai đoạn nào quan tâm đến khâu này thì giai đoạn đó sẽ hưng thịnh. Giai đoạn nào cẩu thả, không cho nó là điều quan trọng, ắt sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khái niệm Thủy Chung trong đạo đức học

Ngày xưa, người ta quan niệm giữa đất và nước, tức Thổ và Thủy, là hai yếu tố quyết định sự sống còn, sự tồn tại của nhân loại. Đất hay Sơn là Thổ, nước là Thủy. Sơn quản nhân, Thủy quản Tài, có lẽ còn quan trọng hơn sự gắn bó của đất và nước tạo nên thế giới. Cho nên họ coi yếu tố thủy chung là một nghĩa gắn kết, nước không thể xa rời đất – đất không thể thiếu nước.

Đây là một kết cấu quan trọng của các thuộc tính vật chất sống còn. Sự ví von này không chỉ là phong thủy học, không phải là ngôn ngữ học hay đạo đức học mà nó là sự trước sau của cuộc đời. Bất kì một sự thiếu trước sau nào, nếu có nước mà không có đất thì tiền bạc cuối cùng cũng mất hết, sẽ là sự bần hàn, khi tồn tại vật chất cũng trở nên hoang phí.

Nước trong phong thủy và trong đạo đức học - Ảnh 3.

Do vậy, cái tính trước sau, cái sự nhường nhịn, sự bao dung của đất và nước là một khái niệm triết học quan trọng. Nó còn là một thực tiễn đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại từ thế kỷ đầu của nhân loại cho đến mãi mãi, và sự thủy chung đó được đưa vào mọi ngóc ngách trong đời sống, từ tình yêu, tình người, tình quê hương đến tình đất nước. Nếu như thủy chung không còn, thế giới sẽ không tồn tại bất cứ điều gì. Chắc chắn khi để mất nó, nhân loại và từng cá nhân sẽ phải trả giá đắt cho sự không biết trân quý những điều mà cuộc sống đã ban tặng

Khi bàn về sự Thủy Chung, người ta lấy yếu tố Thủy làm đầu bởi thủy là tài khí, là tiền bạc, là lợi ích. Chung là tâm, là nhân, là đất, là núi, là quần tụ của con người với con người. Nếu như chỉ vì lợi ích mà để mất tâm, mất nhân thì sẽ mất hết. Do vậy Thủy được nhấn mạnh là yếu tố đi đầu, song không thể thiếu nhân được, không thể thiếu đất. Đất và nước luôn bình đẳng, cân bằng, hài hoà, đảm bảo cho sự vững chắc. Chỉ cần nước xa rời nhân, tức là thiếu cái chung thủy, thiếu một sự trước sau thì không thể tồn tại. 

Người ta đã mách bảo cho nhau đây là chân lý, là tính tất yếu, không chỉ là tất yếu của phương Đông, của kinh nghiệm truyền thống, mà nó phản ánh ngay trong chính con người chúng ta với nhau. Do vậy sự thiếu thủy chung, thiếu trước sau là một yếu tố tồi tệ nhất mà loài người và mỗi chúng ta phải rèn luyện, và bắt buộc phải sửa chữa sai lầm khi có. 

Một lần nữa ta thấy, yếu tố đạo đức học trong đời sống con người là khi lấy Nước (Thủy) làm đầu, nhưng cũng chính đạo đức học bắt con người phải giữ bằng được sự tinh tuyền của nước, sự trong sáng trước sau của nước. Ở đâu làm được, ở đó có thành công.

Tác giả:

Nhà nghiên cứu Văn hóa Phương Đông Nguyễn Quang Minh

Các bài viết liên quan