Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA trao đổi cùng Ông Rene de Vrugt, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Kế hoạch Không gian và Thích ứng Khí hậu, Bộ Cơ sở Hạ tầng & Quản lý Nước Hà Lan
Tiến tới trả phí sử dụng và xả nước thải ra môi trường
Chia sẻ về việc định giá tài nguyên nước hiện nay, Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, nước sạch là sản phẩm thiết yếu cho xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Do đó, mỗi năm chính quyền tại các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát. Dựa trên cơ sở đó, giá nước sạch sẽ được Nhà nước điều chỉnh và hỗ trợ các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phục vụ cộng đồng tốt hơn.
Trong khi đó, nước thải – một vấn đề nan giải lại chưa được tiến hành thu phí như nước sạch. Điều này đã bỏ lỡ một nguồn kinh phí không nhỏ giúp cho các doanh nghiệp vận hành, nâng cấp và tái đầu tư hệ thống thoát nước.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo Luật Cấp Thoát nước. Trong dự thảo luật có đề cập đến khía cạnh tài chính ngành Nước và từng bước thực hiện thu phí xử lý nước thải của người dân.
Dự kiến sau khi chính sách tài chính ngành Nước được thông qua, việc thu phí xử lý nước thải trên cả nước sẽ mang lại hàng ngàn tỷ đồng, tạo điều kiện tái đấu tư và nâng cao hiệu quả việc thu gom và xử lý nước thải. Đây chính là giải pháp bền vững, khơi thông điễm nghẽn mà Chính phủ đã quan tâm từ lâu.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh, “Hội Cấp Thoát nước Việt nam với vai trò là tổ chức đại diện quyền lợi của 400 đơn vị hội viên là các Doanh nghiệp ngành Nước – một trong những đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Luật Cấp Thoát nước – luôn tích cực, chủ động tham gia và tư vấn kỹ thuật trong quá trình xây dựng Luật”.
Tái tạo nguồn nước để thích ứng với mọi hoàn cảnh
Theo Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp, lượng nước sản sinh ở trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại hình thành ở ngoài lãnh thổ. Vì vậy, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn và một số nước hạ lưu sông Mêkông.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước tại Việt Nam tương đối lớn. Bình quân tính trên đầu người một năm, mỗi người dân sử dụng 9.000m3 nước. Thậm chí theo tính toán mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo tổng nhu cầu nước của Việt Nam năm 2030 sẽ tăng 32%.
Những con số biết nói đã cho thấy tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước. Chính phủ đã đưa ra nhiều chiến lược, sách lược về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước. Trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền và các bộ ban ngành.
Dẫu vậy, trước những diễn biến phức tạp của Biến đổi khí hậu, tài nguyên nước ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro. Có thời điểm, ĐBSCL bị hạn mặn nhiễm sâu vào trong đất liền đến 60-80km, cản trở quá trình canh tác sản xuất lúa gạo. Có thời điểm, ngay chính các đô thị ven biển phải chịu cảnh lũ lụt, ngập úng.
Do đó, tái tạo và phục hồi nguồn nước là hết sức quan trọng. Để làm được điều này, các địa phương cần mạnh dạn trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia tiên tiến trên thế giới, trong đó có Hà Lan.
Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ: Việt Nam và Hà Lan có điểm tương đồng từ thiên nhiên tươi đẹp, con người chăm chỉ, thân thiện, đến việc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Việt Nam rất cần Đoàn công tác Hà Lan chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ mô hình phát triển ngành Cấp Thoát nước của Hà Lan trong phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính vv… Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Hà Lan tìm kiếm các dự án đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam và cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệm của nước bạn thông qua các dự án hợp tác.
VWSA hiện đã có những đoàn nghiên cứu về tái tạo và phục hồi nguồn nước. Song, Hội đang tập trung vào nghiên cứu tại các khu công nghiệp (KCN). Bởi, KCN là các hộ tiêu dùng có điều kiện về kinh tế được chính quyền quản lý rất chặt chẽ; Trong khi các khu đô thị và các địa phương từng bước thực hiện các dự án bởi điều kiện kinh tế ở các vùng này chưa đáp ứng được như nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết, các khu vực này đều sử dụng các công nghệ truyền thống truyền tải nguồn nước vào môi trường để hòa hợp và tái tạo nguồn nước qua điều kiện tự nhiên, Ông Nguyễn Ngọc Điệp cho biết thêm.
Chung Anh