Người dân vùng hạn Ninh Thuận vui mừng chào đón Thủ tướng đến thăm giữa cái nắng như lửa đốt
Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, mùa khô chiếm hết 9/12 tháng trong năm, khí hậu khô nóng, gió nhiều, nước bốc hơi mạnh, lượng mưa chỉ khoảng 700-800 mm một năm.
Chủ động thích ứng với thời tiết khô hạn, tỉnh đã có nhiều nỗ lực bằng cả giải pháp công trình, phi công trình, sử dụng tiết kiệm nước, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tỉnh đã xây dựng 109 công trình thủy lợi, gồm 23 hồ chứa, 21 trạm bơm và 65 đập dâng, đảm bảo nước tưới khoảng 29.000 ha cây trồng. Trong đó, tưới cho lúa 18.000 ha, cây công nghiệp và rau màu 11.000 ha; phục vụ cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp với hơn 76.000 m3/ngày đêm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Trong cái nắng như lửa đốt, Thủ tướng đã đến thăm hỏi các hộ nông dân đang bị ảnh hưởng hạn hán, động viên người lao động đang thi công trên công trình thủy lợi Tân Mỹ, công trình có ý nghĩa quan trọng trong tích trữ nguồn nước, chuyển nguồn nước để thích ứng với tình hình hạn hán và chủ động trong sản xuất nông nghiệp.
- Đến ngày 25/4/2024, dung tích dự trữ tại 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh là 165,11 triệu m3 đạt 39,5% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 14,7% và năm 2023 là 20,4%). Hiện nay, có 2/23 hồ đã hết nước; có 3/23 hồ đã xuống dưới mực nước chết; sẽ có 4/23 hồ trong thời gian tới sẽ hạ thấp tới mực nước chết.
Thủ tướng dành thời gian trao đổi với bà con nông dân cần sớm thay đổi thói quen sản xuất tự phát, nhỏ lẻ kém hiệu quả sang liên kết sản xuất quy mô lớn, mô hình hợp tác xã, vận dụng các quy định mới của Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất , tạo lợi thế hàng hóa nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, huy động sự tham gia của doanh nghiệp sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thu hút sự tham gia của ngân hàng để chủ động nguồn vốn, từ đó mang lại hiệu quả, giá trị cao hơn.
Đến thăm công trình xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình: Khi đưa vào vận hành sẽ bảo đảm nước canh tác, sản xuất và sinh hoạt của người dân tỉnh Ninh Thuận trên diện tích 7.000ha. Khu vực phía nam Khánh Hòa và bắc Bình Thuận cũng được hưởng lợi từ công trình, kịp thời ứng phó cao điểm khô hạn trong tháng 5, tháng 6 tới đây.
- Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, từ nay đến tháng 5/2024 nếu trên địa bàn tỉnh không có mưa thì 6 khu vực sẽ thiếu nước sinh hoạt với 5.288 hộ/17.503 khẩu. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa nên vụ Hè Thu sẽ sản xuất theo phương án với tổng diện tích hơn 23.460 ha chỉ đạt 75,6% so với vụ Hè Thu năm 2023 (31.050 ha).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã báo cáo với Thủ tướng về tiến độ thực hiện dự án: Đến nay toàn bộ công trình đã hoàn thành. Tại điểm Thủ tướng dừng chân là vị trí hố van số 2 trên đường ống Tân Mỹ, đã đầu tư 2 tuyến ống nhánh có diện tích tưới khoảng 634 ha, hiện đang phát huy hiệu quả và phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quy hoạch lại hệ thống hồ thủy lợi, khai thác liên thông, dẫn nước giữa các hồ để điều tiết, sử dụng nước hài hòa, phù hợp, hiệu quả, cố gắng khắc phục vấn đề khô hạn trong năm 2025. Bộ NN-PTNT cũng cần tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không mưa, ngày nắng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam; khả năng xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn cục bộ vào sâu trong sông từ 0,5 đến 1,5 km, riêng sông Cái Phan Rang từ 4 đến 6 km.