Vì sao người tiêu dùng phải trả “Tiền dịch vụ môi trường rừng” trong giá thành nước sạch?

Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ 1 Nguyễn Tùng Nguyên trao đổi với phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ 1 Nguyễn Tùng Nguyên trao đổi với phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Hiện nay, nhiều khách hàng sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ thắc mắc, chưa hiểu vì sao trong hóa đơn tiền nước hàng tháng có thêm phí bảo vệ môi trường và tiền dịch vụ môi trường rừng. Tại sao người tiêu dùng phải chịu thêm khoản tiền này, thưa ông?

Vì sao người tiêu dùng phải trả “Tiền dịch vụ môi trường rừng” trong giá thành nước sạch?- Ảnh 1.

Ông, Nguyễn Tùng Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ 1

TGĐ Nguyễn Tùng Nguyên: Quyết định số 215/QĐ-UBND ký ngày 01/02/2024 của UBND thành phố Cần Thơ quy định giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Cần Thơ nêu rõ: “Giá trên chưa bao gồm Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và Tiền dịch vụ môi trưởng rừng”, cụ thể: (1) Phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là Công ty thu hộ cho UBND thành phố Cần Thơ và nộp lại cho ngân sách và (2) Tiền dịch vụ môi trường rừng Công ty cũng thu hộ và nộp hết về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam theo quy định.

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và Tiền dịch vụ môi trường rừng được tính như thế nào và căn cứ pháp lý ra sao, thưa ông?

TGĐ Nguyễn Tùng Nguyên: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của người sử dụng khi thải nước thải ra môi trường. Mức phí được quy định tại Điều 6, Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Công văn số 240/UBND-KT ngày 19/01/2023 của UBND thành phố Cần Thơ về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt với mức thu 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Tiền dịch vụ môi trường rừng cũng được quy định tại khoản 2, điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và điều 57 Nghị định 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó mỗi m3 nước sạch người sử dụng phải trả 52 đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Các nhà máy nước của Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ nằm trong danh sách các nhà máy thuộc diện tích lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực theo Quyết định số 186/QĐ-BNN-LN ngày 08/01/2024 của Bộ NN&PTNT về việc công bố diện tích rừng thuộc các lưu vực làm cơ sở thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Số tiền phí trên được sử dụng như thế nào về ý nghĩa ra sao, xin ông có vài lời giải thích?

TGĐ Nguyễn Tùng Nguyên: Như tôi đã nói ở trên, các khoản phí đều có căn cứ pháp lý rõ ràng và đã được ghi trong Luật, Nghị định. Các cơ quan thực thi pháp luật, quản lý nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân theo chức năng nhiệm vụ được giao các văn bản có liên quan đến việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và Tiền dịch vụ môi trường rừng.

Với sự hiểu biết của bản thân, tôi có thể giải thích ngắn gọn: Phí bảo vệ môi trường được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải, giải quyết ô nhiễm do nước thải sinh hoạt gây ra với môi trường nhằm bảo vệ cuộc sống, cảnh quang, sức khỏe cộng đồng.

Tiền dịch vụ môi trường rừng là vấn đề mới liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn nước. Rừng có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống như thanh lọc điều hòa không khí, bảo vệ đất và nguồn nước trước sự nóng dần lên của trái đất do biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn ông!

Duy Chí (thực hiện)

Các bài viết liên quan