VIỆT NAM ĐỨNG TRƯỚC BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC

Hội thảo "An ninh và mất an ninh nguồn nước: tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học". Ảnh: VnExpress

Hội thảo “An ninh và mất an ninh nguồn nước: tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học”. Ảnh: VnExpress

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 19, Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Bộ Khoa học và Công Nghệ, UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức. Sự kiện là điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học.

Tại đây, 9 phiên thảo luận sẽ được diễn ra với hàm lượng tri thức cao, xoay quanh chương trình quan sát Trái Đất giám sát nguồn nước; đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; ngoại giao khoa học và khoa học dự đoán.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả quốc tế như Ông Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới; Ông Mokhtar Omar, Cố vấn cấp cao của tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới;…

Mất cân bằng an ninh nguồn nước

Việt Nam là quốc gia ven biển Thái Bình Dương, có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó, hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% và sông Hồng với hơn 50% lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

VIỆT NAM ĐỨNG TRƯỚC BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Ảnh: VnExpress

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với vị trí địa lý đặc thù, an ninh nguồn nước là vấn đề đặc biệt quan tâm trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn, cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước”.

Đồng thời, Ông Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra 6 thách thức, trong đó nêu vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều, hệ thống trữ nước, điều tiết, phân phối nước phát huy hiệu quả chưa cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Vì vậy, ông mong muốn thông qua hội nghị, Việt Nam hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước.

Liên quan tới nội dung trên, theo chia sẻ của Ngân hàng Thế giới, giá trị sử dụng nước của Việt Nam rất thấp, chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Tỷ lệ thất thoát nước trong cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn còn cao (20-25%; trong thủy lợi khoảng 30%. Ngoài ra, vấn đề trong chuyển nước, điều tiết nước hay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy cho các lưu vực sông; năng lực khai thác công trình thủy lợi còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Vai trò của khoa học

Vì sự thịnh vượng của các quốc gia và mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhấn mạnh các quốc gia trong đó có Việt Nam cần dựa vào khoa học để tìm ra hướng đi bền vững đảm bảo an ninh nguồn Nước.

Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ: “Đây là tầm nhìn và con đường tương lai để có một phát triển bền vững cho Trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà Liên minh Nghị viện thế giới và Trung tâm ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới”.

Cũng tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh hội thảo có có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn.

“Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới”, Ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

Ông Hồ Quốc Dũng cũng hy vọng rằng, sau hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Bình Định, không chỉ để tham dự các cuộc gặp gỡ khoa học mà còn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác để Bình Định thật sự trở thành một điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.

Các bài viết liên quan