01. Tích cực góp ý xây dựng Dự thảo Luật Cấp thoát nước và các văn bản pháp quy
Được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo Luật Cấp Thoát nước, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế và Hội Cấp Thoát nước Việt Nam để lấy ý kiến, đóng góp trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành Dự thảo Luật Cấp, thoát nước với 8 Chương và 65 Điều. Dự thảo đang lấy ý kiến, bổ sung để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ vào tháng 01/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
Hội Cấp Thoát nước Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện quyền lợi của các đơn vị Hội viên là các doanh nghiệp ngành Nước đã tích cực, chủ động tham gia trong quá trình xây dựng Luật. Hội đã tổ chức nhiều Hội thảo về chủ đề Luật Cấp thoát nước Việt Nam nhằm tham vấn ý kiến cũng như học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhất là các Hiệp hội nước quốc tế ở khu vực và trên thế giới.
Hội cũng đã tích cực tham gia ý kiến với các Bộ có liên quan đến Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt; Thông tư hướng dẫn về Giá nước sạch; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước…
02. Tuần lễ ngành Nước Việt Nam lần thứ ba – Vietnam Water Week 2024 thành công tốt đẹp
Từ ngày 6 – 8 tháng 11 năm 2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC) TP. Hà Nội, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã chủ trì tổ chức Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Vietnam Water Week 2024.
Năm nay, chủ đề chính của Tuần lễ là “Phát triển ngành Nước Việt Nam – An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập” với sự tham dự của đông đảo đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước trong lĩnh vực cấp thoát nước, cùng sự có mặt của 30 tổ chức quốc tế đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh sự góp mặt của các quan chức Chính phủ Việt Nam, Vietnam Water Week 2024 lần đầu vinh dự đón tiếp Giám đốc Điều hành Hội nước Quốc tế (IWA) Kalanithy Vairavamoorthy tham dự.
Nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là chuỗi hội thảo quốc tế tập trung vào cách vấn đề đang nóng của ngành Cấp Thoát nước như: Dự thảo Luật Cấp thoát nước; Quản lý vận hành hệ thống cấp thoát nước bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản trị doanh nghiệp ngành Nước thông minh, hiệu quả và tăng khả năng chống chịu; Bình đẳng giới trong ngành Nước.
Lần đầu tiên trong khuôn khổ sự kiện, VWSA đã trao tặng Giải thưởng “Cán bộ trẻ ngành Nước của năm”. Cùng nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn, Giải thưởng “Dòng xanh nước Việt” cũng được trao cho các Hội viên tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động SXKD, tham gia tích cực các hoạt động của Hội và Chi hội năm 2024; Giải thưởng “Đồ án tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Nước và Môi trường 2024” tiếp tục được tổ chức trao tặng cho các sinh viên các trường đào tạo chuyên ngành Cấp thoát nước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đã đánh giá sự kiện Vietnam Water Week 2024 tiếp tục là sân chơi bổ ích để ngành Cấp Thoát nước Việt Nam được giao lưu, học hỏi, tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè trên thế giới; tạo ra cơ hội xúc tiến, hợp tác thương mại, cập nhập những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Tiếp nối thành công của sự kiện, VWSA đã công bố Vietnam Water Week 2025 sẽ được tổ chức từ 20 đến 22/8/2025 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
3. Đoàn kết, tương thân tương ái, cùng chung tay vượt bão YAGI
Hội Cấp Thoát nước Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên nêu cao tinh thần “tương thân tương ái”
Năm 2024, siêu bão YAGI – cơn bão mạnh nhất 50 năm qua đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ, tàn phá và gây thiệt hại to lớn cho các tỉnh thành phía Bắc. Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các đơn vị trong Ngành đã tích cực, chủ động chuẩn bị ứng phó, xây dựng các phương án tối ưu, sẵn sàng ứng phó với “siêu bão” YAGI, qua đó phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Cùng với đó, trong khoảng thời gian ngắn, các doanh nghiệp trong Ngành đã kịp thời khôi phục hệ thống cấp nước, đảm bảo quá trình cấp nước sạch đến cho người dân.
Ngay trong và sau khi cơn bão đi qua, VWSA và các đơn vị hội viên như Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO); Công ty CP – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE); Công ty CP Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (BWACO); Công ty CP DNP Holding; Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO); Công ty CP Nước sạch Quảng Trị (QTWACO); Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong,… đã chung tay quyên góp, ủng hộ chính quyền và người dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ; Chi hội CTN miền Bắc tổ chức đoàn cứu trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu để tặng chính quyền, người dân bị ảnh hưởng bởi siêu bão YAGI.
Sau 3 tháng tái thiết, đầu tháng 12/2024, với mong muốn giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất, làm vơi bớt những mất mát đau thương mà bà con thôn Làng Nủ phải hứng chịu, VWSA và Chi hội CTN miền Bắc đã lắp đặt hệ thống cấp nước cho bà con vùng lũ thôn Làng Nủ. Sau khi đi vào hoạt động hệ thống cung cấp khoảng 250 – 300m3/ngày, trạm xử lý công suất khoảng 15m3/h cho khu vực dân cư Làng Nủ.
4. Sôi nổi hoạt động kỷ niệm 150 năm truyền thống ngành Nước Thành phố Hồ Chí Minh, 115 năm Cấp nước Thừa Thiên Huế
Năm 2024 đánh dấu những cột mốc kỷ niệm truyền thống vẻ vang của các đơn vị Hội viên.
Từ khi nhà máy nước đầu tiên được xây dựng cách đây 150 năm, đến nay, ngành Nước TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và phát triển 6 nhà máy xử lý nước mặt với tổng công suất cấp nước đạt 2,4 triệu m3/ngày, phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho hơn 11 triệu dân và 3 triệu khách du lịch; Bảo đảm phục vụ cho 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Để kỷ niệm dấu mốc đặc biệt này, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã thực hiện chuỗi các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa như các cuộc thi viết, ảnh, vẽ tranh và đặc biệt là lễ kỷ niệm 150 năm hình thành và phát triển của ngành Cấp nước TP.HCM vào ngày 27/12/2024.
Trước đó cuối tháng 3/2024, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) cũng đã tổ chức kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển. Cách đây 115 năm, nhà máy nước Huế là một trong 3 nhà máy nước đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào vận hành. Chào mừng ngày kỷ niệm có ý nghĩa này, HueWACO đã khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên có công suất 120.000 m3/ngđ. Đây là nhà máy có công suất lớn nhất của HueWACO ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có khả năng cung cấp nước sạch an toàn cho trên 80% dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nâng cao năng lực cấp nước, bảo đảm an ninh nước sạch, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 18/12/2024, Công ty cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức cũng đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, đánh dấu một chặng đường phát triển và đóng góp tích cực cho ngành Nước của Việt Nam.
5. Đột phá hoạt động bình đẳng giới trong ngành Nước
Nhận thức tầm quan trọng của các hoạt động về bình đẳng giới trong ngành Nước, VWSA đã tổ chức nhiều hoạt động, phối hợp với ADB thực hiện các chương trình hợp tác cụ thể và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong năm 2024.
Theo đó, tại Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Vietnam Water Week 2024, VWSA và ADB đã phối hợp tổ chức hội thảo, thảo luận, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác, hội viên có nhiều kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới trình bày, chia sẻ thông tin tại hội thảo.
Lần đầu tiên, CLB Lãnh đạo nữ ngành Nước (VWLC) được thành lập như một lời khẳng định vai trò của nữ giới, đồng thời cũng là hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Nước.
Cùng với đó, tại các Chi hội Cấp Thoát nước Miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, miền Nam lần lượt ra mắt các CLB lãnh đạo ngành Nước. Đây là cơ hội thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các nữ lãnh đạo, hướng tới phát triển bền vững, kết nối thông tin, hướng dẫn các hội viên hoạt động nhằm tăng cường thực hiện Bình đẳng giới và tăng cường trao quyền cho phụ nữ tại các doanh nghiệp ngành Nước.
6. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của VWSA và các đơn vị Hội viên
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quốc tế ngành Nước trong năm 2024
Năm 2024, VWSA đã tiếp đón và làm việc với các tổ chức, đơn vị ngành Nước đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.
VWSA lần lượt ký thêm nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) với các đối tác chiến lược quan trọng như: Cơ quan Quản lý Nguồn nước Quốc gia Singapore (PUB); Hội nước Quốc tế (IWA), Hội nước Úc (AWA),.. VWSA đã cử các đoàn công tác, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Singapore,…Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao các sự kiện do VWSA tổ chức; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực ngành Nước giữa các bên bằng những dự án hợp tác cụ thể, thực chất.
Về nguồn nhân lực, VWSA thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các cán bộ ngành Nước tại các quốc gia trên thế giới như Phần Lan, Hungary,… Cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển sinh, hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngành Nước thu hút thêm nhiều học sinh, sinh viên quan tâm và mong muốn học tập.
Trong năm 2024, VWSA với mạng lưới hơn 400 hội viên đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều đơn vị trong khu vực và thế giới. VWSA là cầu nối hỗ trợ Cục Cấp Thoát nước thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) kết nối dự án tại Cấp nước Phú Thọ và nhận nhiều sự đánh giá cao sự chuyên nghiệp và mong muốn nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ VWSA khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
7. Nhiều doanh nghiệp ngành Cấp Thoát nước đoạt các giải thưởng có ý nghĩa
Nhiều doanh nghiệp ngành Cấp Thoát nước đoạt các giải thưởng có ý nghĩa
Những giải thưởng này khẳng định sự ghi nhận của các tổ chức xã hội đối với những nỗ lực, sáng tạo và đóng góp tích cực của các doanh nghiệp cho sự phát triển của đất nước như Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) vinh dự đạt giải Sao Khuê 2024, TOP công nghiệp 4.0 Việt Nam; Công ty CP Cấp nước Hải Phòng được vinh danh tại “Chương trình Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng năm 2024”; Công ty CP – Tổng công ty Nước và Môi trường Bình Dương (BIWASE) vinh danh là “Doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2023-2024”; Nhựa Tiền phong vinh danh là “Doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi xanh năm 2024”; DNP Holding lọt top doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024 ngành Vật liệu xây dựng;…
Cũng trong năm 2024, VWSA đã trao tặng Giải thưởng “Dòng xanh nước Việt” cho 6 doanh nghiệp Hội viên tiêu biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm 2024: Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội; Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh; Công ty CP Cấp nước Hải Phòng; Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế; Công ty CP – Tổng Công Nước – Môi trường Bình Dương; Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV. Cùng với đó, trao tặng Giải thưởng “Cán bộ trẻ ngành Nước Việt Nam” nhằm tôn vinh các cán bộ trẻ xuất sắc, có sáng kiến mang lại những hiệu quả, thay đổi tích cực trong ngành Nước.
8. Nỗ lực phục hồi những dòng sông “chết”
Sau gần 20 năm dang dở, “giấc mơ” hồi sinh sông Tô Lịch đang gần hiện thực hơn bao giờ hết với quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng sự ủng hộ của người dân Thủ đô.
Lộ trình hồi sinh đó ngày càng hiện hữu khi vào tháng 3/2024, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm nhấn của quy hoạch trên là việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Hà Nội đang tích cực triển khai đề án phục hồi chất lượng môi trường nước bốn sông nội đô gồm sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu.
Hà Nội cũng triển khai nhiều dự án với đường lối cụ thể như: phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý; Quy mô nhà máy xử lý nước thải luôn được đề cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô; Tạo dòng chảy cho các sông…Vì vậy, các nhà máy trên đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.
Ngày 1/12/2024, Hà Nội đã chính thức vận hành thử nghiệm dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, với công suất 100.000 m3/ngđ, nâng tỷ lệ xử lý nước thải của Thủ đô lên 40%. Dự kiến năm 2025, khi dự án hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, với công suất 270.000 m3/ngđ, tỷ lệ xử lý nước thải sẽ đạt 50%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra, mở ra kỳ vọng khôi phục những dòng sông “chết” tại Thủ đô.
9. Xu thế hoạt động sáp nhập và mua bán (M&A) ngành Nước ngày càng gia tăng
Ngành Nước đang chứng kiến sự gia tăng các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trên thị trường vốn, đưa Việt Nam trở thành trung tâm của thị trường M&A ngành Nước châu Á.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 27/11/2024 dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty CP – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã được vinh danh giải thưởng “Doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2023 – 2024”.
Trong giai đoạn trên, BIWASE đã thực hiện chiến lược vươn mình và mở rộng hoạt động cấp nước ra nhiều tỉnh thành trên cả nước bao gồm Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Bình, Vĩnh Long và một số tỉnh thành khác bằng việc đầu tư góp vốn vào các đơn vị cấp nước ở các tỉnh thành; đồng thời hỗ trợ đối tác xây dựng lại quy trình quản lý, xây dựng lại đường ống, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và đặc biệt là đầu tư thêm vốn để nâng cấp các nhà máy cấp nước với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.
10. Hoạt động đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực ngành Nước có nhiều khởi sắc
Với sự phát triển của kinh tế xã hội, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành Cấp Thoát nước ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Do đó, việc phát triển đào tạo ngành Nước hiện đang ngày càng được quan tâm ở các trường. Cùng với hệ thống các trường Đại học có đào tạo chuyên ngành Cấp Thoát nước như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng Miền Tây, Đại học Xây dựng Miền Trung…, các đơn vị của VWSA như Trung tâm Đào tạo Cấp Thoát nước và Môi trường, Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường đã không ngừng đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Cấp Thoát nước Việt Nam dưới nhiều hình thức cả đào tạo tập trung lẫn đào tạo từ xa, cả trong nước và nước ngoài.
Một sự kiện thu hút sự quan tâm trong năm là Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024. Theo danh sách này, TS. Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là nữ ứng viên duy nhất được công nhận chức danh Giáo sư ngành Xây dựng trong năm 2024.
Lần thứ 3, Giải thưởng Đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành Nước được tổ chức thu hút sự quan tâm của các cơ sở đào tạo trong ngành Nước. Kết quả chung cuộc, giải Nhất đã được trao cho sinh viên Nguyễn Quang Huy (Trường Đại học Thủy lợi) và Trịnh Quốc Cường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Ban Tổ chức kỳ vọng giải thưởng sẽ là nguồn động viên và khích lệ các sinh viên học tập và say mê nghề nghiệp, có tính sáng tạo, đổi mới, bắt kịp thực tiễn ngành nghề đặt ra.
Ban Biên tập