Triều đình phong kiến thời xưa coi trọng nhất là đại lễ sinh nhật vua (mỗi triều đại gọi một tên khác nhau, như thời Lý Thái Tổ gọi là tiết Thiên Thành, thời Trần Thánh Tông là tiết Hưng Thiên, thời Lê Thái Tổ là tiết Vạn Thọ, triều Nguyễn cũng gọi là tiết Vạn Thọ), sinh nhật Hoàng thái hậu (triều Nguyễn gọi là tiết Thánh Thọ, tết Nguyên đán và tết Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), sau đó là ngày giỗ các vị tiên vương, tiên hậu. Những ngày này, triều đình đều làm cỗ bàn xa hoa để cúng tế, bên cạnh thịt, xôi, không thể thiếu rượu, nước tinh khiết dâng lễ.
Trong các bộ đồ thờ, đồ dùng của các triều đại phong kiến để lại, luôn có dụng cụ để đựng nước. Nếu rượu thờ được đựng trong bình, nậm đi kèm chén để rót ra khi cúng lễ (của cung đình gọi là cái tôn, cái tước) thì nước thờ chỉ đựng trong bát chứ không rót ra chén. Quy chế của triều đình phong kiến gần nhất là nhà Nguyễn cho biết dụng cụ đựng rượu, nước bày ở đàn tế Giao (tế Trời) làm bằng chất sành và hình quả bầu, sành làm từ đất sét tượng trưng cho Đất, hình quả bầu tượng trưng cho Trời. Đồ thờ Trời thì chén và nậm dùng sắc xanh (màu của Trời), đồ thờ Đất dùng sắc vàng (màu của Đất). Riêng ở tầng trên cùng của đàn tế Giao là Viên đàn (thờ Trời) thì chế thêm nậm to bằng sứ, thứ xanh 3 chiếc, thứ vàng 1 chiếc, đựng nước lã, chỉ bày ra khi cúng mà không rót.
Đồ thờ ở các đền miếu quan trọng khác trong ngoài kinh thành cũng vậy. Bộ sử “Đại Nam thực lục” có ghi, về quy chế đồ thờ ở miếu Lịch đại đế vương, thờ các vị vua sáng lập các triều đại trước, được ban hành tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), thì trước đó đồ dâng rượu cúng bằng đồng có tới 25 bộ, mỗi bộ 1 cái khay, 1 cái be, 3 cái chén, đến lúc này đổi làm bằng bạc. Về đồ đựng nước cúng, trước đó bát nước bằng sứ 5 cái bịt thau, đến lúc này đổi sang bịt bạc.
Quy chế về đồ thờ các vị vua và hoàng hậu ở các miếu thờ tổ tiên của triều Nguyễn cũng quy định rõ về đồ đựng nước cúng. Theo đó, mỗi gian thờ đều có một nậm đựng nước lã để trên án, bày những bát đựng dưa mắm, canh, nhưng nậm này không rót ra lúc cúng lễ. Trên mỗi án thờ, các nậm hình con trâu, nậm hình voi, nậm không chân, nậm hình hồ, nậm hình núi, mỗi thứ 1 cái. Các hạng nậm mỗi thứ 36 cái đều bằng đồng mạ vàng, đủ cả khăn phủ màu vàng cùng cái giuộc. Đặc biệt, việc bày đồ cúng phải theo mùa. Một năm, có 5 lễ tế hưởng gồm 4 lễ tế theo mùa và lễ tế hợp hưởng cuối năm. Lễ tế mùa xuân (xuân hưởng) dùng nậm hình con trâu, mùa hạ dùng nậm hình voi, mùa thu dùng nậm không chân, mùa đông dùng nậm hình hồ. Lễ tế hợp thì dùng nậm hình núi.
Nghi lễ tế đàn Xã Tắc (thờ thần Đất và thần Nông) cũng phải có nước. Theo đó, lễ vật ở mỗi án thờ đều đặt 1 trâu, 1 dê, 1 lợn, 5 mâm xôi, sau bộ Lễ yêu cầu đặt thêm mỗi án một bát nước xuýt, 1 bát nước lã, 2 bát canh.
Nước dùng trong các nghi lễ cúng tế phải là nguồn nước sạch, tinh khiết nhất. Ở di tích Hoàng thành Thăng Long và cố đô Huế ngày nay vẫn còn lại nhiều giếng cổ, là nơi lấy nước phục vụ các sinh hoạt cung đình và tế lễ. Một trong những chiếc giếng được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long hiện vẫn cung cấp dòng nước trong vắt.
Không chỉ được dùng trong các nghi lễ cúng Trời Đất, tổ tiên, nghi lễ chúc thọ vua triều Nguyễn cũng có nghi thức dâng nước bên cạnh dâng rượu. Sử triều Nguyễn ghi rằng, vào tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), sau khi mãn tang vua Minh Mạng, triều đình rước linh vị cố vương lên nhà Thái miếu, và phối hưởng lên Giao đàn, vua Thiệu Trị trong lòng vui mừng, tổ chức ban yến cho quần thần, và các quan cũng nhân đó làm lễ chúc thọ nhà vua.
Ngày làm lễ, vua ngự điện Cần Chính, các quan mặc triều phục hầu tiệc yến. Hoàng tử có tước công, hoàng thân có tước công và văn võ đại thần lần lượt chúc thọ. Lần thứ nhất, hoàng tử thứ hai là Phước Tuy công (tức vua Tự Đức sau này) bưng chén đựng rượu, hoàng tử thứ tư là Hồng Y bưng nậm đựng rượu, An Phong công là Hồng Bảo chúc thọ. Lần thứ hai, Ninh Thuận công là Miên Nghi bưng chén, Tương An công là Miên Bảo bưng nậm rượu, Thọ Xuân công là Miên Định chúc thọ. Lần thứ ba, Trung quân Chưởng phủ sự là Tạ Quang Cự bưng chén, Hiệp biện Đại học sĩ là Lê Đăng Doanh bưng nậm đựng nước, Thái bảo Đại học sĩ là Trương Đăng Quế chúc thọ.
“NƯỚC THIÊNG”
Thời xưa rất coi trọng các kiến thức phong thủy, việc xây cất, nhất là xây lăng tẩm, luôn phải xem xét kỹ lưỡng thế núi, thế sông. Các dòng nước xung quanh sơn lăng các vị vua chúa đều là “nước thiêng”, nên triều đình bảo vệ rất nghiêm ngặt, tránh hiện tượng phạm phong thủy khu vực lăng mộ. Như vào tháng 6 năm Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), dân xã Kim Ngọc phủ Thừa Thiên xin tạm đắp một đoạn đê ngăn nước suốt ở bên ngoài cấm địa sơn lăng ở Lăng Trường Phong (Lăng chúa Nguyễn Phúc Chu), để cho nước chảy rót vào nơi cấy lúa mùa. Các Kinh doãn là bọn Tôn Thất Cung, Vũ Đức Nhu và Đinh Doãn Trung đều ưng cho, nhưng thự Thủ hộ sứ là Tôn Thất Trúc đem việc ấy tâu lên vua.
Vua sai bộ Lễ cùng đi với tòa Khâm thiên giám khám xét cho rõ ràng rồi vẽ thành đồ bản tiến trình. Vua nói: “Khe nước ấy từ núi Nhuệ Sơn đổ lại, theo bên hữu lăng Trường Phong ôm vòng về đằng trước, lại cùng các đường thuỷ hạ lưu của các tôn lăng, hợp làm một dòng, chảy rót về bên tả, thế nước chầu về rất là quý cách. Vả lại, đường thủy ở sơn lăng cốt phải cho lưu thông, không được đắp đê chặn ngang từng chỗ, năm trước đã kính vâng lời huấn dụ nghiêm minh rồi. Nay Kinh doãn dám cho dân đắp đê ngăn lại, việc quan hệ không phải là nhỏ! Bọn Cung đều phạt mỗi người 6 tháng lương”.
Ít người biết rằng từ thời vua Minh Mạng, nhà vua đã cho nghiên cứu về công dụng của suối nước nóng. Vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà vua bảo với quan bộ Công rằng: “Trẫm nghe nói các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng có suối ấm, nên hỏi kỹ để giúp việc nghiên cứu cách vật. Vậy sai các quan tỉnh, ủy người đi xem xét suối ấy vuông hay tròn, rộng hay hẹp, trong hay đục, sâu hay nông, vị nước tốt hay xấu, tính nước lành hay độc, có chữa khỏi bệnh tật gì không, cách tỉnh thành bao nhiêu dặm, đường đi khó dễ thế nào, bên cách có cây và đá nhiều hay ít, có dân cư không, đều vẽ thành đồ bản, ghi rõ múc lấy nước suối ấy đệ lên trình vua xem”.
Theo điều tra của quan bộ Công thì vào thời đó, tỉnh Quảng Nam 5 địa điểm có suối nước nóng: 1 ở thôn Phước Nhân huyện Vinh Hòa, 1 ở xã Ngọc Nha huyện Hà Đông, 1 ở xã Gia Cát, 1 ở xã Bàn Thạch, 1 ở xã Phước Bình đều thuộc huyện Quế Sơn. Tỉnh Quảng Ngãi có 3 điểm: 1 ở trại Mỹ Thịnh huyện Chương Nghĩa, 1 ở thôn Thạch Bích huyện Bình Sơn, 1 ở thôn Thạch Trụ huyện Mộ Hoa. Bình Định có 5 điểm, đều ở ấp Hội Vân, huyện Tuy Viễn.
NƯỚC TRONG SINH HOẠT
Một ghi chép nữa trong “Đại Nam thực lục” cho biết chính vua Minh Mạng đã tiến hành một công việc có tính đột phá thời bấy giờ, là “bán tự động hóa” việc cung ứng nước cho sinh hoạt trong hoàng cung. Sự kiện diễn ra vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), nhà vua tuyên bố: “Ta thấy trong cung dùng nước phải gánh, xách rất phiền, nhân chế ra cái xe nước, từ đó đỡ được biết bao nhân lực”. Cách thức xe nước như sau: đục một cái lỗ của cái xe nước từ phía ngoài tường trong cung thông vào phía trong, hình dạng khuất khúc, trong ngoài không trông thấy nhau. Trong tường để một chiếc chậu đồng lớn. Ấn định giờ lấy nước, phía ngoài tường, đẩy xe nước đến rót vào miệng lỗ cho chảy vào chậu; trong cung, mọi người đều đến nơi đó lấy nước.
Ngoài ra, cũng vào năm đó, vua Minh Mạng có một “phát minh” nữa liên quan đến việc sử dụng nước trong kinh thành là tạo ra chiếc xe chữa cháy. Nhà vua nói với bề tôi rằng: “Trước giờ, những chỗ đông nhà ở, mùa hè rất sợ cháy. Ta đã chế cái xe chữa cháy. Nếu dùng chữa cháy thì đỡ tốn sức mà lửa nào cũng phải tắt”. Sau đó, vua đích thân đem xe ra cho bầy tôi xem. Sử nhà Nguyễn mô tả cách thức xe chữa cháy đó như sau: Trên xe có một cái thùng chứa nước. Trong thùng làm một cái máy đẩy nước. Lại lấy da cuộn thành một cái vòi tròn mà dài. Khi chữa cháy, 4, 5 người kéo xe, một người cầm cái sào dài buộc vòi da vào đầu sào giơ lên; 4 người theo hai bên xe vặn máy, thì nước trong thùng chạy qua vòi da tuôn lên như mưa.
Có lẽ, xe chữa cháy của vua Minh Mạng không khác những chiếc bơm chữa cháy cơ động ngày nay. Chúng ta chỉ không rõ nguyên lý vận hành chiếc bơm của vua Minh Mạng ra sao mà thôi.
Như vậy có thể thấy, mọi hoạt động quan trọng của cung đình thời xưa, từ nghi thức thiêng liêng đến sinh hoạt đời thường đều liên quan đến nước.
Bài: Lê Tiên Long; Ảnh: Shutterstock