Góp mặt trong buổi hội thảo là những đơn vị quan trọng trong ngành nước như: Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), Hội Nước Úc (AWA), Cơ quan hợp tác ngành nước Úc (AWP), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Chuyên gia quốc tế về Bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn (NS&VSMTNT) cùng một số đơn vị khác.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VWSA Hạ Thanh Hằng chia sẻ rằng, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội (GEDSI) là một trong những hoạt động hợp tác giữa VWSA với AWA, Trung tâm Quốc gia NS&VSMTNT và một số đơn vị khác.
Theo bà Hằng, ở Việt Nam, đối với vấn đề giới, Chính phủ đã có dành nhiều sự quan tâm với những chương trình, chiến lược phát triển Quốc gia về Bình đẳng giới.
Song, thực tế triển khai bình đẳng giới còn tồn tại những hạn chế nhất định khi đưa vào áp dụng tại từng đơn vị. Chính vì vậy, VWSA đánh giá cao sự hỗ trợ hợp tác của AWP và AWA để cùng nhau đưa chương trình đào tạo GEDSI tới với nhiều đơn vị hơn.
Buổi đào tạo là cơ hội để các đại biểu có thể lắng nghe những đề xuất và cùng nhau thảo luận nhằm tăng cường tính thực tiễn trong những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới khi đưa vào các doanh nghiệp.
Bà Hạ Thanh Hằng bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ là căn cứ để các bên tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Việt Nam về các hoạt động về giới một cách thiết thực.
Đóng góp tham luận tại hội thảo, đại diện Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ đã trình bày báo cáo về hoạt động thúc đẩy GEDSI tại doanh nghiệp trong thời gian qua.
Về những hoạt động thúc đẩy GEDSI, công ty cho biết thường xuyên tổ chức các ngày kỷ niệm dành cho các nữ cán bộ trong công ty với các hoạt động kết hợp giữa dã ngoại với hoạt động vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức những hoạt động cho gia đình người lao động tham gia, đơn cử các ngày như 20/10, 8/3 tổ chức các hoạt động như du lịch, ngày hội công nhân và các hoạt động thể dục thể thao.
Đại diện công ty cho biết thêm, công ty đã triển khai các quy định mới dựa trên những điểm mới trong Luật lao động 2023 như nội dung bổ sung tại Chương 7: Nội quy chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó có Điều 26: Các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Công ty chỉ muốn nhấn mạnh những thách thức mà phụ nữ có thể gặp phải tại nơi làm việc và họ có quyền bình đẳng với nam giới để được an toàn và không bị phân biệt đối xử. Công ty cũng có người lao động là người khuyết tật có chuyên môn giỏi và được lãnh đạo công nhận và được bổ nhiệm lên chức vụ Phó Giám đốc Nhà máy nước phân khu.
Cũng theo đại diện Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ, hiện nay phụ nữ vẫn bị gán mác “phái yếu”, chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Vì vậy, công ty đề xuất tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân nhằm xóa bỏ định kiến xã hội về vấn đề phụ nữ không thể làm được những việc nặng.
Ở góc độ là đơn vị bám sát tình hình cấp nước nông thôn, Trung tâm Quốc gia NS&VSMTNT đã có những ý kiến cụ thể về vấn đề thức đẩy bình đẳng giới (GEDSI).
Đại diện Trung tâm cho biết, đơn vị đã quy hoạch những phòng ban và vị trí lãnh đạo trong trung tâm giai đoạn năm 2021-2026 và giai đoạn năm 2027-2030 với nhiều vị trí đảm nhiệm là nữ và điều kiện tuyển dụng, xét tuyển ở các vị trí, phòng ban không quy định giới tính. Lãnh đạo Trung tâm cũng tạo môi trường làm việc vui vẻ, linh hoạt cũng như tạo điều kiện tổ chức những dịp như 8/3 cho cán bộ nữ và 3/8 cho cán bộ nam. Đối với cán bộ nữ có con nhỏ sẽ được đăng ký thời gian làm việc linh hoạt.
Mặt khác, Trung tâm cũng chú ý công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan bằng cách cử đi tập huấn, hội thảo học tâph tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2022, lãnh đạo cũng cho các cán bộ nữ của Trung tâm tham gia buổi tập huấn “Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực NS&VSMTNT”.
Lãnh đạo Trung tâm luôn cố gắng lồng ghép những hoạt động, chương trình hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch thực hiện xây dựng sổ tay thực hiện lồng ghép giới và dân tộc thiểu số trong lĩnh vực NS&VSMTNT. Kết quả của hoạt động trên là lãnh đạo Trung tâm luôn quan tâm đến bình đẳng giới trong các hoạt động của đơn vị, cụ thể là 50% lãnh đạo các phòng ban trong cơ quan là nữ giới, lãnh đạo nhiều vị trí chủ chốt của đơn vị là nữ, nam giới và nữ giới trong đơn vị có quyền lợi như nhau. Lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến đời sống của nữ giới, đặc biệt là cán bộ nữ có con nhỏ.
Ngoài ra, các chương trình, dự án đã bắt đầu chú trọng đến việc lồng ghép giới và dân tộc thiểu số như đảm bảo 30% nữ tham gia vào các hoạt động của dự án, chương trình. Trung tâm cũng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) hướng dẫn làm sổ tay lồng ghép giới và dân tộc thiểu số trong lĩnh vực NS&VSMTNT.
Ngoài ra, đại diện Trung tâm cũng chia sẻ một số khó khăn, thách thức mà đơn vị đang gặp phải. Đó là việc nước sạch và vệ sinh thường gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nữ giới, đặc biệt là phụ nữ sống trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Theo đại diện Trung tâm, sức khỏe của phụ nữ nhạy cảm hơn với tình trạng thiếu nước sạch do đặc điểm sinh lý và các hoạt động chăm sóc. Phụ nữ sống trong môi trường thiếu nước sạch có nguy cơ bị bạo lực và xâm hại tình dục cao hơn.
Tại khu vực nông thôn có sự chênh lệch rõ rệt về điều kiện kinh tế, xã hội và trình độ dân trí, phong tục tập quán các dân tộc nên việc thực hiện GEDSI gặp nhiều khó khăn. Sự tham gia của phụ nữ ở các hoạt động quản lý, thực hiện chính sách còn hạn chế. Đại diện trung tâm đề xuất VWSA cũng như AWA hỗ trợ và cập nhật các chính sách cho nhóm người yếu thế, hỗ trợ các địa phương xây dựng thực hiện kế hoạch GEDSI, xây dựng phổ biến các tài liệu và chính sách về NS&VSMTNT, giám sát hoạt động lồng ghép giới và dân tộc thiểu sổ vào lĩnh vực nước sạch tại địa phương.
Lắng nghe và chia sẻ trước những khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải, bà Kirsty Jones cho biết AWA và VWSA sẽ phối hợp tổ chức thêm nhiều các lớp đào tạo về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội dành cho các đơn vị, doanh nghiệp.
“Mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa AWA và VWSA là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Nước của Việt Nam, trong đó có nội dung về GEDSI”, bà Kirsty Jones nhấn mạnh.
Kết thúc hội thảo, bà Hạ Thanh Hằng cho biết thêm: “ngành Nước có một đặc thù là ngoài vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới lại còn vấn đề về xã hội. Vấn đề hòa nhập xã hội cũng là một đặc thù của ngành Nước nghĩa là nghĩ đến những đối tượng yếu thế trong xã hội, những đối tượng nghèo và có những cơ chế, chính sách khác nhau”.
Đồng thời, bà Hằng đánh giá cao những nội dung được thảo luận tại hội thảo. Bà cũng mong muốn những kiến thức về bình đẳng giới và thúc đẩy hòa nhập xã hội sẽ được tiếp thu và đưa vào các hoạt động một cách hiệu quả và thiết thực với từng tình hình thực tế của từng công ty, đơn vị và đặc biệt là phù hợp với ngành Nước của Việt Nam.
An Nhiên