Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) và Cơ quan Quản lý Nguồn nước Quốc gia Singapore (PUB) ký kết Biên bản ghi nhớ
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến ngày càng khó lường và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước. Hạn hán, ngập lụt và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác diễn ra ngày càng thường xuyên. Một số địa phương đứng trước cảnh thiếu nước sạch cho sinh hoạt, thậm chí người dân phải sang tỉnh/thành phố khác lấy nước sinh hoạt. Một số khác chịu cảnh ngập úng cục bộ mỗi đợt mưa lớn, triều cường.
Theo GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch VWSA, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, thách thức lớn nhất đối với ngành Nước tại Việt Nam hiện nay là sự phát triển nhanh và mạnh của các khu công nghiệp (KCN). Điều này dẫn đến tình trạng xử lý nước thải vẫn chưa được nhiều KCN chú trọng và thiếu thiết bị, công nghệ xử lý nước thải.
Cùng với đó, việc chưa huy động tối đa nguồn vốn và nguồn lực đầu tư từ các đơn vị tư nhân cũng là một thách thức đối với lĩnh vực cấp thoát nước (CTN) hiện nay. Quá trình đào tạo nhân lực về ngành Nước tại các cơ sở giáo dục cũng chưa thu hút nhiều thí sinh quan tâm và mong muốn theo học. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư dành cho ngành Nước tại Việt Nam hiện nay đa phần đến từ Chính phủ. Chính vì vậy, hội nhập và hợp tác quốc tế là “chìa khóa” giúp ngành Nước của Việt Nam phát triển.
Nhằm mục tiêu phát triển ngành Nước bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, VWSA đã sớm xác định rõ những khó khăn mà ngành Nước đang phải đối mặt, để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể.
Về nguồn lực đầu tư, hiện nay nguồn lực đầu tư chính cho ngành Nước đa phần đến từ Chính phủ và chưa được sự quan tâm lớn đến các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Ngành cần mở rộng hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp thêm thông tin, lắng nghe, chia sẻ về thực trạng cho đối tác để đưa ra giải pháp và đầu tư cho lĩnh vực này.
Đoàn kết các nhà lãnh đạo trong khu vực
Khủng hoảng khí hậu là vấn đề lớn, đang diễn biến ngày càng phức tạp và không một quốc gia nào có thể một mình ứng phó với nó. Đây là vấn đề cấp thiết cần sự đoàn kết của nhiều hiệp hội ngành Nước riêng lẻ đến từ nhiều quốc gia.
Tại một phiên họp diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Ozwater’24, các nhà lãnh đạo cùng các chuyên gia ngành Nước đã được tìm hiểu và thảo luận các nhu cầu cấp thiết về khả năng phục hồi khí hậu trong lĩnh vực nước của khu vực. Những người tham gia phiên họp được khám phá các chủ đề quan trọng như tác động của BĐKH và vai trò của các hiệp hội nước riêng lẻ và tập thể trong việc hỗ trợ ngành Nước nói chung đáp ứng những thách thức này.
Từ những hiểu biết sâu sắc từ các mối quan hệ đối tác tiện ích trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Hội thảo này tập hợp các nhà quản lý công ty cấp nước quốc tế và Australia để khám phá các phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm ứng phó với BĐKH. Thông qua các cuộc thảo luận về các chủ đề bao gồm giảm thất thoát nước, sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng phó với thiên tai, các tham luận viên sẽ chia sẻ các chiến lược, thách thức và thành công trong việc thích ứng với BĐKH.
Đồng thời, hội thảo nhấn mạnh tính cấp thiết của BĐKH đang tác động như thế nào đến ngành Nước hiện nay, cần có những kế hoạch và chiến lược bài bản nhằm xây dựng khả năng phục hồi của ngành Nước. Trong đó, mỗi quốc gia là mắt xích quan trọng, cần chia sẻ liên kết với nhau cùng hành động
Các nhà lãnh đạo đứng đầu mỗi quốc gia trong cùng một khu vực cần đoàn kết và hỗ trợ nhau để đưa ra phương pháp ứng phó với những khó khăn. Đặc biệt là những khó khăn do BĐKH gây ra.
Triển vọng hợp tác thực tiễn
Trong chuyến công tác Indonesia diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ nâng cao năng lực ngành Nước. Với mục đích cập nhật, tiếp cận với nhiều công nghệ ngành Nước, chương trình đào tạo nhân lực, phương pháp nâng cao chất lượng các công trình cấp nước, thoát nước,… biên bản ghi nhớ được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ sở hợp tác gắn bó thực chất giữa hai bên.
Cụ thể, đoàn công tác Indonesia đã có chương trình làm việc và kết nối với các hội viên hàng đầu VWSA là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), Công ty CP Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) vào tháng 3/2024. Qua đó, tham vấn cách cải thiện hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước, tìm hiểu những đóng góp và hỗ trợ của chính phủ đối với ngành cấp nước và các công ty nước cũng như cách giảm tỷ lệ thất thoát thất thu (NRW).
Đáp lại sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Indonesia, lãnh đạo VWSA đã cử phái đoàn và các bên liên quan tới Indonesia để gặp gỡ Chính quyền cấp trung ương và địa phương cũng như lãnh đạo các công ty cấp nước tại Indonesia để chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác đầu tư.
Mối quan hệ bền chặt gắn kết với Indonesia chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu về sự phát triển của các hoạt động hợp tác quốc tế năm 2024. Trong 3 quý đầu năm nay, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã tham dự nhiều sự kiện, diễn đàn ngành nước của các quốc gia là Úc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia,… Gần đây nhất, VWSA cũng có đại diện phát biểu tham dự Hội nghị và Triển lãm nước Quốc tế tại Canada.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi với các doanh nghiệp, đơn vị ngành nước khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; khu vực Đông Nam Á có Singapore và Indonesia và một số nước Châu Âu như Pháp, Hà Lan,…
Thông qua những sự kiện đó, VWSA đã khẳng định được vị thế của ngành Nước của Việt Nam trên “bản đồ” ngành Nước thế giới, mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác cụ thể. Thông qua đó góp phần gợi ý các kiến giải mới trong quá trình xây dựng những chiến lược, phương án phát triển ngành nước tại Việt Nam. Đồng thời cho thấy thiện chí mong muốn hợp tác và tiếp cận thị trường Việt Nam của các quốc gia.
Tường Thư