Bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi họp báo 27/12. Ảnh: Phan Anh
Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Ngô Lâm trình bày tóm tắt những kết quả nổi bật ngành Xây dựng đạt được trong năm 2024. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng đạt 7,8 – 8,3% (vượt kế hoạch); tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 44,3% (vượt kế hoạch); tỷ lệ dân số khu vực đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94%; tỷ lệ thu gom xử lý nước thải là 18%; diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26,5 m2 sàn/người; số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành 21 nghìn căn; tỷ lệ lập Quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính đạt khoảng 80%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị; quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính khoảng 40%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 25% so với diện tích đất xây dựng đô thị; tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 94,4%.
Bước sang năm 2025, Bộ Xây dựng đề ra các chỉ tiêu kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ như sau: tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị đạt 15%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 18,5%; diện tích nhà ở bình quân đạt 27m2 sàn/người; số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành ước hoàn thành trên 100.000 căn.
Cũng tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Thị Phong Lan đã thông tin những kết quả Bộ Xây dựng đã đạt được trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bà Đỗ Thị Phong Lan cho biết: theo kết luận của Ban chỉ đạo Chính phủ về Tổng kết Nghị quyết 18, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sau khi hợp nhất sẽ có tên gọi mới là Bộ Xây dựng và Giao thông. Theo bà Đỗ Thị Phong Lan, về Đề án hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng, theo Kết luận của Ban chỉ đạo Chính phủ về Tổng kết Nghị quyết 18, tên gọi 2 bộ được quyết định là Bộ Xây dựng và Giao thông.
Về cơ cấu tổ chức chính quyền, số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị (trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị).
Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 24-27 đơn vị, giảm tương đương 35 – 41% tổng số đầu mối, trong đó khối tham mưu tổng hợp có 6 đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, Kế hoạch tài chính, Tổ chức cán bộ, Pháp chế và Hợp tác quốc tế); khối chuyên ngành có khoảng 13 -16 đơn vị.
Thi Nga