
Viện Cấp Thoát nước và Môi trường (IWASSE) tổ chức hội thảo khoa học “Giới thiệu về nghiên cứu, kế hoạch triển khai, và một số kết quả ban đầu nghiên cứu nội nghiệp”.
Đây là hoạt động của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp quản lý nguồn nước mặt nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Đề tài thực hiện trong hai năm 2025-2026, với hai mục tiêu cần đạt: (i) Đánh giá được rủi ro nguồn nước mặt phục vụ cấp nước cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương. (ii) Đề xuất được giải pháp quản lý nguồn nước mặt nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Hội thảo có sự tham dự của khoảng 30 đại biểu đến từ các Sở ngành, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương, Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương cùng đại diện các chi nhánh cấp nước, công ty cấp nước tư nhân, các nhà khoa học, nhà quản lý và đơn vị chủ trì.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số phát hiện ban đầu về xây dựng ma trận rủi ro của các nhà máy nước (NMN) trong quá khứ, đánh giá sức chống chịu của hạ tầng khai thác, hiện trạng khu vực bảo hộ nước sinh hoạt, hiện trạng và xu thế nguồn nguy cơ gây rủi ro nguồn nước. Những kết quả này dựa trên nghiên cứu nội nghiệp, tham vấn các bên liên quan, khảo sát thực địa tại các nhà máy nước, khu vực khai thác nước trên 10 sông tự nhiên trong địa bàn tỉnh Hải Dương.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Đoàn Thu Hà – Chủ nhiệm đề tài, tóm tắt những kết quả nổi bật trong giai đoạn đầu nghiên cứu.
Theo đó, nguy cơ rủi ro nguồn nước trên các sông tự nhiên cung cấp nước cho hệ thống cấp nước tỉnh Hải Dương đang chịu áp lực rất lớn kết hợp bởi nhiều yếu tố như phát triển lưu vực, liên tỉnh và nội tại của tỉnh và biến đổi khí hậu;
Kết quả ma trận rủi ro trong quá khứ của các NMN cho thấy nhóm nguyên nhân đến từ thiên tai ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến nhóm nguyên nhân từ ô nhiễm nguồn nước, và sự cố. Ba sông có rủi ro trong quá khứ lớn nhất gồm sông Thái Bình, Kinh Thầy, Luộc;
Về hạ tầng khai thác nước tham chiếu khía cạnh rủi ro nguồn nước, hầu hết nhà máy nước chưa có tính chống chịu cao do thiếu các hạ tầng dự phòng, quan trắc tự động, cảnh báo sớm và hạ tầng khai thác ở một số NMN đã bị tác động bởi các thiên tai;
Về vùng bảo hộ nguồn nước, hầu hết các vùng bảo hộ nguồn nước đều bị xâm phạm trong hoặc lân cận bởi một hoặc nhiều hơn 2 nguồn gây ra nguy cơ rủi ro nguồn nước;
Về xâm nhập mặn, ranh mặn 250 mg/l được nhóm nghiên cứu xác định dựa trên kết quả tham vấn cho thấy một số nhà máy nước khu vực Tx.Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành đã bị tác động bởi xâm nhập mặn, xu hướng mặn xâm nhập sâu, như trên các sông Thái Bình, Luộc, và Đá Vách;
Đáng chú ý, về ô nhiễm nguồn nước, dựa trên kết quả đo chất lượng nước thô đầu vào từ các Công ty cấp nước cung cấp năm 2024, nhóm nghiên cứu phân tích và chỉ ra dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ với giá trị BOD5, COD, T_N, T_P, Colifrom vượt Quy chuẩn cho phép ở Mức A của QCVN08:2023/BTNMT từ 2 đến 8 lần.

Ông Lê Lương Thịnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đánh giá cao kết quả ban đầu của nhóm nghiên cứu
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Lê Lương Thịnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đánh giá cao kết quả ban đầu của nhóm nghiên cứu.
Ông Lê Lương Thịnh cho biết: “Ban đầu nghiên cứu này đề xuất tập trung ở khu vực thành phố Hải Dương nhưng với tính cấp thiết của chủ đề nghiên cứu, Sở đề xuất nhóm nghiên cứu mở rộng phạm vi nghiên cứu cho toàn tỉnh”.
Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ giúp cho tỉnh Hải Dương có thêm cơ sở khoa học xây dựng giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nguồn nước; và cơ sở xây dựng quản lý rủi ro nâng cao tính chống chịu tại các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) phát biểu tại hội thảo
Về phía đơn vị chủ trì, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) trân trọng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các Sở ban ngành và công ty đã tin tưởng giao cho IWASSE thực hiện đề tài này.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp tục nỗ lực, nghiêm túc thực hiện đề tài để đưa ra kết quả có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. “Đây được xem là đề tài điển hình, mới về nghiên cứu rủi ro nguồn nước cho cấp nước ở Việt Nam”, Ông Điệp cho biết.
Ở góc độ đơn vị thụ hưởng kết quả đề tài, ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, Công ty rất quan tâm đến kết quả đề tài, sẽ phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu, hỗ trợ số liệu, thông tin cho nhóm nghiên cứu. Ông Sơn kỳ vọng kết quả của nhóm nghiên cứu công ty sẽ xây dựng các giải pháp quản lý rủi ro cho các nhà máy nước của công ty ở hiện tại và giai đoạn năm 2030-2050.
Kết thúc hội thảo, ông Lê Lương Thịnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đề nghị các bên liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài.
Khiêm Anh