Áp dụng công cụ đánh giá bình đẳng giới – GEARS tại các doanh nghiệp ngành Nước

Áp dụng công cụ đánh giá bình đẳng giới - GEARS tại các doanh nghiệp ngành Nước- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia buổi thảo luận có bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (CTN&MT); bà Châu Mỹ Linh, đại diện ADB và một số doanh nghiệp ngành Nước tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện ADB đã có phần trình bày giới thiệu về GEARS – Bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới trong doanh nghiệp và những kết quả đạt được khi áp dụng bộ công cụ này tại doanh nghiệp.

GEARS là công cụ và chứng nhận do Cơ quan Bình đẳng Giới tại nơi làm việc của chính phủ Úc (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) phát triển và được Tổ chức về Bình đẳng giới tại Việt Nam (VBCWE) điều chỉnh theo thực tế tại Việt Nam. Bộ công cụ này từng được áp dụng tại một số doanh nghiệp lớn tại Philippines và Indonesia. GEARS giúp xác định các khoảng trống trong 10 lĩnh vực ưu tiên liên quan tới quản lý, bồi dưỡng cán bộ, người lao động và các vấn đề giới tại doanh nghiệp và nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng. Doanh nghiệp tham gia đánh giá sẽ được tư vấn các vấn đề về xây dựng chiến lược, chính sách và giải pháp giúp nâng cao bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Áp dụng công cụ đánh giá bình đẳng giới - GEARS tại các doanh nghiệp ngành Nước- Ảnh 2.

Một số vấn đề ưu tiên mà GEARS đánh giá

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện NC CTN&MT, bình đẳng giới tại nơi làm việc là khi tất cả mọi người, bất kể giới tính nào đều có thể tiếp cận và thụ hưởng công bằng các nguồn lực, cơ hội và lợi ích để tiến bộ và thành công tại tất cả các cấp độ của tổ chức. Ngoài ra, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới trong lao động cần được chú trọng và phổ biến nhiều hơn tại các doanh nghiệp, tổ chức, các lãnh đạo tại tổ chức, doanh nghiệp cần có những chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết triệt để tình trạng quấy rối tình dục và phân biệt đối xử giới,…

Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bình đẳng giới trong lao động như: hướng tới cân bằng giới tính trong lực lượng lao động, cung cấp phúc lợi gia đình cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tạo ra văn hóa công ty thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền lợi quyền tiếp cận bình đẳng với phát triển chuyên môn, loại bỏ sự thiên vị trong tuyển dụng, quản lý nhân tài và lập kế hoạch kế nhiệm , ngăn chặn quấy rối và phân biệt đối xử, đào tạo và phor biến về bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Sử dụng công cụ GEARS nhằm đánh giá bình đẳng giới trong lao động là bước đầu trong hành trình tiến tới bình đẳng giới tại nơi làm việc của doanh nghiệp – một trong những đánh giá sơ bộ giúp cung cấp thông tin cho tiến trình thực hiện chiến lược tổng thể về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Dữ liệu phân tích sẽ giúp doanh nghiệp nhìn lại về sự cân bằng giới và xu hướng chuyển dịch lao động trong doanh nghiệp. Đánh giá chính sách và thực thi chính sách của doanh nghiệp so với thực tiễn tại các công ty hàng đầu khác.

Áp dụng công cụ đánh giá bình đẳng giới - GEARS tại các doanh nghiệp ngành Nước- Ảnh 3.

Bà Châu Mỹ Linh, đại diện ADB trình bày về công cụ GEARS

Còn theo bà Châu Mỹ Linh, ở góc độ kinh tế, bình đẳng giới trong doanh nghiệp giúp cải thiện kết quả thương mại cho các tổ chức, tăng cường đổi mới, khả năng phục hồi và giảm thiểu rủi ro, góp phần tích cực xây dựng thương hiệu, phản ánh thị trường đa dạng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Quá trình đánh giá bằng công cụ GEARS bao gồm việc trả lời các câu hỏi “Có” hoặc “Không” xuyên suốt 10 lĩnh vực trọng điểm về bình đẳng giới và số điểm tổng kết sẽ chỉ ra hiện trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp. GEARS cũng thu thập dữ liệu về nguồn nhân lực để đánh giá tác động của chiến lược và thực tiễn áp dụng bình đẳng giới lên sự tham gia của các giới trong doanh nghiệp. VBCWEB hỗ trợ doanh nghiệp phân tích dữ liệu và viết báo cáo về kết quả đánh giá, đưa ra các đề xuất, khung thời gian và nguồn lực cần thiết để cải thiện hiện trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp.

Kết thúc buổi làm việc, bà Hạ Thúy Hạnh đánh giá đây là một phương pháp hữu hiệu và bày tỏ mong muốn công cụ GEARS sẽ được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp, tổ chức để thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động.

Tường Thư

Các bài viết liên quan