GS.TS Trần Đức Hạ chia sẻ về nguyên nhân và phương pháp giải quyết cho hệ thống thoát nước hiện nay
Mỗi khi mưa lớn, thành phố Hà Nội thường xuyên gặp phải tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều con phố. Ngoài nguyên nhân do lượng nước mưa lớn gây ngập úng thì còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng úng ngập diện rộng.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có buổi trao đổi với GS.TS Trần Đức Hạ – nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam.
Mưa lớn chỉ là một phần nguyên nhân
Thưa ông, tình trạng úng ngập mỗi khi mùa mưa đến trên địa bàn thành phố Hà Nội đã diễn ra trong nhiều năm. Bên cạnh nguyên nhân do mưa lớn thì còn có nguyên nhân nào khác nữa không, thưa ông?
GS.TS Trần Đức Hạ: Thoát nước là vấn đề cấp thiết. Thành phố Hà Nội là đô thị đặc biệt, là Thủ đô nên tốc độ phát triển đô thị rất nhanh. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, vấn đề úng ngập tại Hà Nội là vấn đề cấp bách và diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, Hà Nội là một thành phố với hơn 1.000 năm lịch sử và phát triển trên nền đất thấp ở Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sông Hồng trước đây khi chưa có các đập thủy điện thì mực nước sông Hồng luôn có sự thay đổi thường xuyên. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các công trình thoát nước không thể theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Diễn biến của biến đổi khí hậu những năm gần đây cũng có nhiều tác động rõ rệt đối với vấn đề thoát nước tại Hà Nội: nhiều trận mưa lớn, hạn hán kéo dài.
Về yếu tố chủ quan, chúng ta phải nhìn nhận đến quản lý đô thị. Quản lý đô thị của Thành phố Hà Nội hiện có nhiều bất cập. Đối với quản lý quy hoạch, yếu tố cao độ nền cần được lưu tâm vì cao độ nền là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực thoát nước. Trong quản lý quy hoạch, yếu tố cao độ nền cần được tính toán rất kỹ lưỡng làm sao cho phù hợp với điều kiện hạ tầng, điều kiện thoát nước và điều kiện sống. Quản lý xây dựng cũng có nhiều bất cập, ví dụ như vấn đề lấn chiếm hồ và san lấp ao hồ hiện nay đang khó để kiểm soát. Vấn đề xả thải chất thải xây dựng ra môi trường cũng khó kiểm soát nên diện tích ao hồ ngày càng bị thu hẹp và số lượng ao hồ trên địa bàn Hà Nội ngày càng ít; trong khi đây là nơi lưu giữ nước mưa trong những trận mưa to, góp phần giảm úng ngập.
Những bất cập trong quản lý đô thị còn là sự phối hợp với nhau giữa các đơn vị trong lĩnh vực thoát nước, trong vấn đề quản lý hạ tầng và trong vấn đề môi trường. Sự phối hợp này chưa thực sự hợp lý, đặc biệt trong khu vực nội thành.
Năng lực thoát nước của Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Các công trình thoát nước vẫn chưa đồng bộ và mỗi lần mưa xuống, mực nước sông Nhuệ sẽ dâng lên khiến cho nước trong khu vực nội thành Hà Nội không thoát ra được và dẫn đến ngập úng; Chưa xây dựng hoàn chỉnh được hệ thống kênh, cống và hồ điều hòa; Quy hoạch và bố trí các hồ điều hòa chưa khoa học, nên năng lực thoát nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Các hố ga thoát nước trong thành phố bố trí không hợp lý. Do cốt đường và cốt nền có sự thay đổi nên diễn ra tình trạng có chỗ nước mưa chảy vào nhiều, có chỗ ít. Ý thức của người dân chưa tốt, thường hay xả rác ra đường nên mỗi lần mưa to là rác trôi làm bịt kín các miệng hố thoát nước. Vấn đề chỉnh trang và cải tạo đô thị cũng không có sự đồng bộ.
“Lối đi” nào dành cho thoát nước
Vậy với những nguyên nhân và tình trạng rõ ràng như vậy thì theo ông, thành phố Hà Nội cần đưa ra những giải pháp như thế nào để giải quyết những vấn đề trên, thưa ông?
GS.TS Trần Đức Hạ: Giải pháp đầu tiên cần nói đến là phải xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đề án về thoát nước. Quy hoạch của thoát nước phải theo quy hoạch của xây dựng đô thị. Hiện nay, vấn đề này đang vấp phải nhiều bất cập nên cần phải được điều chỉnh. Khi xây dựng các công trình thoát nước cần phải đưa ra các tiêu chí xây dựng và phải tính toán rõ ràng để đảm bảo tỷ lệ hồ điều hòa. Quy hoạch hồ phải đảm bảo đủ diện tích chứa nước, đồng thời phải phù hợp với vị trí điều hòa nước mưa.
Kế tiếp, phải tạo ra tỷ lệ cây xanh hợp lý sao cho đạt chỉ tiêu thoát nước của diện tích mặt hồ. Cần phải tính đến những tác động, ảnh hưởng của hệ thống thủy văn bên ngoài để bố trí các trạm bơm với công suất phù hợp, các giếng tách nước mưa, nước thải sao cho hợp lý. Cần kết hợp với quy hoạch xây dựng là làm rõ cao độ nền. Quy hoạch thoát nước cần phối hợp và thống nhất với nhau về cao độ nền, cốt nền. Trên cơ sở quy hoạch đó, cần triển khai và xây dựng lại năng lực thoát nước cho thành phố và các dự án cần phải làm rõ mục tiêu của dự án.
Cần có thêm cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực thoát nước: thông tin cho thoát nước, thông tin số liệu về úng ngập hằng năm, thông tin về khí tượng thủy văn. Dựa trên những cơ sở dữ liệu đó để hỗ trợ cho công tác điều hành. Áp dụng công nghệ AI vào hỗ trợ thu thập dữ liệu về thoát nước. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý thủy lợi ở ngoại thành Hà Nội và khu vực phía Nam với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, sự phối hợp giữa thoát nước và môi trường. Công tác nạo vét cống, mương, hồ cần phải đảm bảo diễn ra thường xuyên vì đây là một việc làm quan trọng nhằm đảm bảo dung tích chứa nước của hồ.
Mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm trong công tác giữ gìn sạch sẽ ao, hồ, kênh,… Cần tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho thoát nước. Tiếp theo là giải pháp tổng hợp đường bộ. Công tác thoát nước mưa và thoát nước thải luôn đi cùng nhau, nhất là ở Hà Nội và ở các đô thị hiện nay vẫn đang sử dụng hệ thống cống chung. Vì vậy, cần có nguồn kinh phí cho thoát nước, kể cả thoát nước mưa và thoát nước thải. Hiện nay chỉ đang thu phí nước thải với định mức 10% – 15%; Đó là số tiền quá nhỏ cho công tác duy tu và bảo tồn hệ thống thoát nước và nước thải, thu gom xử lý nước thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm rõ tư tưởng của Nghị định 53/2020/ NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải để cho người dân, cơ quan quản lý và các cơ quan cấp nước hiểu và nắm rõ quy định. Nhà nước phải có lộ trình bù giá cho xử lý nước thải, dần dần lộ trình phải điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, với thiết bị và điều kiện thu gom xử lý nước thải. Lấy kinh phí đó để vận hành hệ thống thoát nước, tái đầu tư, nâng cấp các công trình thoát nước.
Như vậy, vấn đề thoát nước và những công tác đảm bảo chất lượng cho hệ thống thoát nước đang là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh những giải pháp trên được đề ra thì ý thức bảo vệ nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung của mỗi người đều rất quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người.
Trân trọng cảm ơn ông!
An Nhiên