Đến dự và khai mạc hội thảo về phía cơ quan trung ương có ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA); Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ban ngành cùng trên 50 lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các công ty cấp nước toàn quốc; các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, vật tư thiết bị ngành Cấp Thoát nước (CTN) trong và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành đô thị di sản trực thuộc trung ương vào năm 2025. Cơ hội mới đặt ra cùng với thách thức cho HueWACO phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, việc tìm kiếm các giải pháp ứng phó cơ bản, bền vững trong ngành nước nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng là cực kỳ quan trọng.
Nêu bật ý nghĩa, vai trò quan trọng của nước sạch trong phát triển kinh tế – xã hội, ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch VWSA chia sẻ: thống kê của Ngân hàng Thế Giới (WB) đã chỉ ra: nguồn nước không bảo đảm là nguyên nhân trực tiếp kéo giảm GDP mỗi năm 6% và ngược lại sẽ góp phần bảo đảm phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, hội thảo Giải pháp công nghệ xử lý nước tiên tiến với các nội dung nghiên cứu khoa học, ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu. Tại TP Hồ Chí Minh đô thị đông dân nhất cả nước với trên 10 triệu người, 100% hộ dân được cung cấp nước sạch. Nguồn nước mà Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) lấy chủ yếu từ hai con sông lớn nội địa là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Thời gian gần đây khu vực kinh tế động lực Đông Nam Bộ tăng trưởng phát triển mạnh kéo theo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày một tăng do phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp…
Do vậy, công tác giám sát chất lượng nước từ sớm, từ xa nhằm bảo đảm an toàn cấp nước cho TP Hồ Chí Minh do đại diện SAWACO trình bày với nhiều giải pháp giám sát, công nghệ quan trắc từ xa mang tính định tính các vấn để bất thường của nguồn nước như độ mặn, độ màu và các yếu tố bất lợi khác. Qua đó, các thông tin, dữ liệu cảnh báo sớm sẽ được phân tích, tổng hợp giúp các nhà máy cấp nước đưa ra giải pháp né tránh hoặc xử lý (định lượng) phù hợp bảo đảm tính khoa học, bền vững…
Tiếp sau việc giám sát chất lượng nguồn nước, theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) các tỉnh thành, nhà máy cấp nước cần có kế hoạch cấp nước an toàn dựa trên việc ban hành chính sách, thể chế, quy định tạo quy chuẩn và hành lang pháp lý cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Các nội dung liên quan như tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, công nghệ lọc, cơ chế xử lý nước sạch và các công trình tiêu biểu, bài học kinh nghiệm cũng được trình bày tại hội thảo.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương thực hiện thành công mô hình cấp nước an toàn. Lần đầu tiên khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tự tin uống nước tại vòi cho thấy nguồn nước và kế hoạch cấp nước an toàn tại HueWACO đang phát huy hiệu quả, tác dụng góp phần giải toả các quan tâm, lo lắng mà nhiều công ty cấp thoát nước đang đối mặt.
Duy Chí