Ảnh hưởng của cơn bão số 2
Ngày 21/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Hoàng Sa đã mạnh lên, tạo thành cơn bão số 2 trong năm 2024. Cơn bão có hướng di chuyển vào phía Bắc nước ta. Cơn bão đã gây nên nhiều cơn mưa dông lớn, gây ngập lụt mở một số tỉnh miền Bắc, lượng mưa từ 50mm – 100mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, hiện mực nước trên các sông suối ở mức khá cao, có nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối, bãi sông, bờ suối. Do đó, người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp và các địa bàn lân cận. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2.
Một tháng qua, các tỉnh ở thượng lưu hồ Hòa Bình, Sơn La như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang liên tục mưa lớn. Lượng mưa tăng đột biến khi áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão đã tan trên Đông Bắc Bộ gây mưa 50-100mm ở miền Bắc, một số nơi mưa đặc biệt lớn.
Công ty Thủy điện Hòa Bình thực hiện kế hoạch mở, đóng cửa xả lũ
Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 2, Công ty Thủy điện Hòa Bình quyết định mở cửa xả lũ. Mục đích xả lũ nhằm hỗ trợ điều tiết mực nước hồ, đảm bảo an toàn cho đập và khu vực hạ du sông Đà, phòng chống lũ do mưa lớn trong những ngày tới.
Công ty Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ từ ngày 24/7. Tính đến 23h cùng ngày, Công ty đã mở liên tiếp 4 cửa xả lũ. Sau 5 ngày mở cửa xả lũ, Thủy điện Hòa Bình đã đóng cửa xả lũ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện nghiêm túc việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; kiểm tra rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, đặc biệt là khu vực xảy ra sạt lở, các khu dân cư tái định cư do thiên tai. Mặt khác, tăng cường chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn triển khai việc cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác, cảnh báo cho người dân tại các điểm xung yếu, bến đò ngang, ngầm tràn giao thông, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết khi có lũ, kiên quyết không cho các phương tiện, nhất là các xe chở khách đi qua các đoạn đường không đảm bảo an toàn. Kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du công trình.
Trước diễn biến nguồn nước thực tế và dự báo thời tiết, sáng 29/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La vào hồi 11h và đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 13h cùng ngày; đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa; khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vùng hạ du khi hồ thủy điện đóng cửa xả đáy.
Hồi 8 giờ ngày 30/7/2024, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 102,17m, lưu lượng đến hồ 3.688m3/giây, lưu lượng xả 5.437m3/giây. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình: Đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 11 giờ ngày 30/7/2024.
Cùng ngày, để bảo đảm an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ NN&PTNT ra công văn số 5433/BNN-ĐĐ đề nghị UBND các tỉnh các tỉnh, thành phố thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Tường Thư